(KTSG) - Cuối năm 2021, tôi được đọc bản thảo cuốn sách của GS. Trần Văn Thọ “Kinh tế Nhật Bản, giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973”; một giai đoạn khó khăn nhất của Nhật Bản sau Thế chiến thứ 2.
Theo tôi, đây là một cuốn sách bổ ích cho hầu hết cán bộ lãnh đạo các cấp từ tỉnh thành, các bộ ngành từ cấp vụ trưởng trở lên và những người xây dựng chính sách ở nước ta, để có nhận thức đầy đủ về “một nhà nước kiến tạo phát triển” là như thế nào.
Theo tôi, đây là một cuốn sách bổ ích cho hầu hết cán bộ lãnh đạo các cấp từ tỉnh thành, các bộ ngành từ cấp vụ trưởng trở lên và những người xây dựng chính sách ở nước ta, để có nhận thức đầy đủ về “một nhà nước kiến tạo phát triển” là như thế nào. Từ đó nhìn lại tình hình chính trị - kinh tế - xã hội của chúng ta để có thể xây dựng một chiến lược phát triển trong vài ba chục năm tới.
Ngay phần tổng luận của tác phẩm nghiên cứu công phu này, GS. Trần Văn Thọ lưu ý chúng ta rằng: Trong bối cảnh một thế giới mà trật tự đã được các nước tiên tiến xác lập và bất lợi đối với các nước chưa phát triển, lãnh đạo các nước đi sau phải đủ trí tuệ và bản lĩnh tìm ra chiến lược phù hợp với lợi ích của đất nước mình. Vào giữa thế kỷ 19, trật tự thế giới lúc đó do Anh quốc đóng vai trò chủ đạo với lý thuyết tự do mậu dịch đã ép các nước đi sau. Thế nhưng, nhờ các vị lãnh đạo Nhật khôn khéo thương lượng nên hiệp ước bất lợi ấy chấm dứt vào năm 1911. Và chính lợi thế của nước đi sau đã đưa Nhật vượt lên thành nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngang tầm các nước Âu - Mỹ vào đầu thế kỷ 20.
Trong phần I, “Kỳ tích Phát triển Hậu chiến Nhật Bản” đã cho thấy cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 gần như hủy diệt nền kinh tế Nhật. Từ năm 1955-1973, thời đại “Kỳ tích Phát triển Hậu chiến Nhật Bản” với những chính sách cải cách chính trị, cải cách kinh tế, giải quyết hậu quả khó khăn sau cuộc chiến. Đóng góp vào cuộc cải tổ rộng lớn này có biết bao lãnh đạo tài năng của Nhật Bản đã xây dựng nên nhà nước “Sáng tạo và Phát triển Nhật Bản”, chẳng hạn như Thủ tướng Yosida Shigeru, Thủ tướng Kishi Nobusuke (những người hình thành thể chế kinh tế hậu chiến Nhật). Kể cả những giáo sư học giả Marxist như Arisawa Hiromi, Tsuru Shigeto cũng tham gia vào các đề án phát triển chiến lược như kế hoạch ưu tiên sản xuất than thép, đề ra chính sách mở cửa hội nhập và chính sách công nghiệp, chính sách tích lũy tư bản và năng lực chuyển hoán tạo ra sự thần kỳ cho giai đoạn phát triển kinh tế của Nhật. Đặc biệt là nội dung chương 5 đã nêu (6.000 ngày làm thay đổi nước Nhật, GDP đầu người của Nhật đã tăng vọt từ khoảng 2.500 đô la Mỹ lên đến 20.000 đô la).
Trong phần II, bàn về năng lực xã hội và kỳ tích phát triển, tác giả đã chỉ ra rằng: “Một nước đi sau, để có thể theo kịp các nước đi trước trong một xã hội phát triển của thế giới thì yếu tố tổng hợp phải gồm “Nhà nước kiến tạo và phát triển” và “Năng lực xã hội”.
Năng lực xã hội được xem là những nhân tố cấu thành xã hội, cụ thể là chính trị gia, quan chức, lãnh đạo kinh doanh, trí thức và tầng lớp lao động. Mỗi nhân tố phải có tố chất để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tác giả đã nêu những điển hình của các thành phần đó để độc giả tham khảo, nhất là các gương sáng của lớp doanh nhân Nhật với tinh thần doanh nghiệp trong thời đại phát triển thần kỳ của Nhật vừa qua. Đây chính là bài học tham khảo giúp chúng ta đối chiếu tình hình nước nhà hiện nay.
Phần cuối của quyển sách (phần III, phần phụ) nội dung nói về kinh tế Nhật Bản sau giai đoạn phát triển thần kỳ. Chúng ta từng nghe qua, Nhật Bản bị trì trệ từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước đến nay. Điều này cho thấy một vấn đề lớn nảy sinh là sự biến động của thế giới trong 30 năm qua là không lường hết được.
Cuốn sách đã kịp thời đến với chúng ta với nội dung sự kiện bắt đầu từ sự vươn lên của thời Minh Trị Thiên Hoàng, sang vấn nạn của Thế chiến thứ 2, đến thời kỳ phục hưng của Nhật Bản một cách thần kỳ, tiếp theo là sự trì trệ trong suốt 30 năm qua. Nội dung của sách không những cho chúng ta rất nhiều thông tin, mà còn gợi lên nhiều suy tư đối với thời cuộc.
Trong tình hình hiện nay, Việt Nam lại đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và cuộc chiến bất thường của Nga và Ukraine. Với kinh nghiệm của một nước (Việt Nam) từng kinh qua hai cuộc chiến tranh lâu dài mới dành được độc lập thống nhất, cái giá phải trả của người dân là vô cùng to lớn, khi vừa phải giải quyết hậu quả cuộc chiến kéo dài nhiều năm vừa phải tìm một mô hình phát triển kinh tế bền vững. Hy vọng những nhà lãnh đạo của nước ta cũng sẽ tìm được chính sách cải cách phát triển kinh tế bền vững trong một thế giới đầy biến động hiện nay.
Mong rằng với nội dung cuốn sách này, từ kinh nghiệm quý giá của nước Nhật, Việt Nam có thể tìm được một mô hình phát triển thích hợp cho đất nước như giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật trong giai đoạn 1955-1973. Đó cũng là một trong những nội dung mà tác giả đặt kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước ta.