Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng 2.900 tỉ đô la tiết kiệm ở các nước giàu sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kỳ vọng 2.900 tỉ đô la tiết kiệm ở các nước giàu sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Người tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gia tăng tiết kiệm thêm khoảng 2.900 tỉ đô la Mỹ trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Nguồn tiền tích trữ khổng lồ này hứa hẹn trở thành lực đẩy cho đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu sau cơn suy thoái vì dịch bệnh.

Các hộ gia đình ở Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn nhất của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đã tiết kiệm lượng tiền mặt lớn nói trên khi dịch bệnh buộc phải họ ở nhà và tránh xa các cửa hàng mua sắm, theo ước tính của Bloomberg Economics. Họ có thể tiếp tục tích trữ tiền khi các lệnh hạn chế đi lại vẫn duy trì và các chính phủ tiếp tục tung ra những gói kích thích khổng lồ.

Dữ liệu của Bloomberg Economics cho thấy các hộ gia đình Mỹ tăng tích trữ gần nửa lượng tiền tiết kiệm nói trên, khoảng 1.500 tỉ đô la. Con số đó cao gấp đôi mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của Mỹ trong thập kỷ qua và tương đương GDP hàng năm của Hàn Quốc.

Kỳ vọng 2.900 tỉ đô la tiết kiệm ở các nước giàu sẽ thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu
Các hộ gia đình ở Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn nhất của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đã tăng tiết kiệm thêm 2.900 tỉ đô la vào năm ngoái. Ảnh: whbl.com

Ở chiều hướng lạc quan, các chuyên gia kinh tế dự báo số tiền tiết kiệm này sẽ tạo cơn bùng nổ mua sắm khi mọi người quay trở lại các cửa hiện, nhà hàng, tụ điểm giải trí, điểm đến du lịch và sự kiện thể thao cũng như tăng tốc thực hiện các khoản chi tiêu lớn mà họ trì hoãn trước đó. Những người kém lạc quan hơn tự hỏi liệu số tiền này sẽ được sử dụng để trang trải nợ nần hay tiếp tục nằm im cho đến khi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu chấm dứt và các thị trường lao động cải thiện mạnh mẽ.

Bloomberg Economics dự báo tại Mỹ, số tiền tiết kiệm tăng thêm 1.500 tỉ đô la trong năm qua, nếu được sử dụng để chi tiêu dần, sẽ thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng đến 9% trong năm 2021, thay vì mức 4,6% như dự báo trước đây. Ngược lại, nếu người dân không tiêu số tiền này, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,2% trong năm nay.
“Cú bật của các nền kinh tế phát triển trong mùa hè năm 2020 hóa ra là giả tạo nhưng điều này cho thấy kinh tế có thể phục hồi nhanh như thế nào một khi các lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 được dỡ bỏ.

Liệu điều tương tự có thể diễn ra trong năm 2021? Bộ đệm tiền mặt khổng lồ từ các khoản tiết kiệm của các hộ gia đình trong thời kỳ phong tỏa là một lý do mà chúng tôi tin rằng nhu cầu mua sắm sẽ bật dậy mạnh mẽ”, Maeva Cousin, nhà kinh tế cao cấp ở Bloomberg Economics, nói.

Không chỉ Mỹ mới có bộ đệm tiền mặt lớn như vậy. Năm ngoái, các hộ gia đình Trung Quốc cũng tăng gửi thêm 2.800 tỉ nhân dân tệ (430 tỉ đô la Mỹ) vào các tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng so với mức thông thường. Lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân cũng tăng thêm 32,6 nghìn tỉ yen (300 tỉ đô la) ở Nhật Bản và 117 tỉ bảng (160 tỉ đô la) ở Anh.

Tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Mỹ tăng thêm 1.500 tỉ đô la trong năm ngoái. Ảnh: Bloomberg

Tiền gửi tiết kiệm của những hộ gia đình ở khu vực eurozone tăng thêm 387 tỉ euro (465 tỉ đô la) vào năm ngoái, dẫn đầu là Đức với 142 tỉ tiền tiết kiệm tăng thêm. Một yếu tố có thể khuyến khích người dân ở nước giàu này tăng chi tiêu là các mức lãi suất quá thấp, làm giảm sức hấp dẫn của việc gửi tiền ở ngân hàng.

Ở chiều ngược lại, điều rủi ro là mọi người chọn cách sử dụng tiền tiết kiệm để trả bớt nợ hoặc quyết định giữ chặt tiền vì đại dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn hoặc lo ngại thị trường lao động phục hồi chậm.

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có dồi dào tiền mặt trong tài khoản tiết kiệm. Những hộ gia đình nằm trong nhóm thu nhập cao nhất có thể sẽ gia tăng lượng tiền tiết kiệm, trong khi đó, các hộ gia đình ở nhóm thu nhập thấp buộc phải rút tiền tiết kiệm để chi tiêu. Nhiều người dân cũng có thể trì hoãn chi tiêu vì lo ngại vào một thời điểm nào đó, chính phủ của họ sẽ tăng thuế để có nguồn thu bù đắp cho lượng tiền khổng lồ tung ra trong các chương trình giải cứu kinh tế.

“Trong ngắn hạn, tình hình phụ thuộc nhiều vào hành vi của người dân ở thời kỳ hậu Covid-19 và có thể sẽ mất nhiều thời gian để họ quay trở về các thói quen chi tiêu trước đại dịch. Về trung hạn, dù khoản tiền tiết kiệm tăng thêm của họ được sử dụng để chi tiêu, trở bớt nợ nần hay thậm chí vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng để dự phòng cho các khoản chi tiêu khẩn cấp thì tất cả đều tích cực cho triển vọng tăng trưởng kinh tế”, Yelena Shulyatyeva, nhà kinh tế cao cấp ở Bloomberg Economics, nhận định.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới