Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng AI hỗ trợ tháo gỡ ‘điểm nghẽn’ trong hành chính công

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong năm 2023, TPHCM sẽ tập trung vào cải cách hành chính và thúc đẩy đầu tư an ninh, an toàn xã hội, trong đó trọng tâm là thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát điều hành giao thông TPHCM. Ảnh: Minh Quân

Theo Công thông tin Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, tại hội thảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc sở này cho biết, năm 2022 thành phố đã ra mắt một số nền tảng số quan trọng như: Hệ thống giám sát xử lý phản ánh, kiến nghị người dân theo thời gian thực; Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính 4 loại hồ sơ hộ tịch; dashboard tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội giúp chính quyền thành phố ra quyết định dựa trên dữ liệu…

Nhiều cơ quan hành chính cũng ứng dụng khá tốt trí tuệ nhân tạo: thành phố Thủ Đức với dịch vụ Định danh khách hàng điện tử; quận Bình Tân, quận 12 ứng dụng AI trong quản lý trật tự xây dựng; Công an thành phố ứng dụng AI trong hệ thống camera; nhiều sở, ngành, địa phương, thậm chí các phường đã ứng dụng hệ thống Chatbot/Voicebot để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, thành phố vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó cần tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tăng năng suất lao động của công chức và tạo lập, liên thông, chia sẻ, sử dụng hiệu quả dữ liệu giữa các cấp, ngành, các địa phương. Bởi thực tế, do dữ liệu chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến khai thác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy hiệu quả chính quyền số còn bị hạn chế.

Nhận định TPHCM là địa phương có đầy đủ điều kiện để thực hiện hầu hết các chiến lược chuyển đổi số của quốc gia, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhìn nhận hiện tại nền khoa học công nghệ Việt Nam chưa đủ lực để xây dựng những hệ thống tính toán lớn. Do đó việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong nước không đặt kỳ vọng dẫn đầu mà hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề trước mắt của chính quyền, người dân.

Việc phát triển trí tuệ nhân tạo cần hướng tới việc phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân về học tập, giải trí, đời sống và thực hiện thủ tục hành chính... Ngoài ra cần giúp chính quyền thực hiện công tác quản lý trong hành chính, đô thị, tài nguyên môi trường. Ông Duy nói.

Sở Thông tin và Truyền thông đặt hàng các giải pháp:

Ứng dụng AI trong việc hỗ trợ lập kế hoạch và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tại TPHCM;

Ứng dụng AI trong quản lý hồ sơ văn bản như nhận dạng, bóc tách dữ liệu, giảm thời gian nhập liệu;

Xác định và dự báo giá trị đất theo thị trường;

Quản lý rác thải, mô phỏng dự báo lượng rác thải dưới tác động của tăng dân số, đô thị hóa;

Ứng dụng AI trong hệ thống giám sát đường sắt đô thị;

Dự đoán nhu cầu khách sử dụng metro, dự báo nhu cầu di chuyển, nâng cao hiệu quả vận hành, tiết kiệm chi phí;

Lập các mô hình dự báo giao thông, phân tích hành vi giao thông, tối ưu hóa giao thông;

Dự báo lan truyền dịch bệnh trên dữ liệu GIS và các yếu tố dịch tễ;

Ứng dụng AI hỗ trợ lãnh đạo trong việc xử lý văn bản hành chính;

Ứng dụng chatbot hỗ trợ người dân khi gọi tổng đài 1022...

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết, trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ hàng đầu để tháo gỡ các điểm nghẽn cho TPHCM. Ông Đức nêu 3 vấn đề mà thời gian tới thành phố cần giải quyết gồm nguồn nhân lực, hạ tầng, xác định các bài toán cốt lõi.

Về nguồn nhân lực, đây là việc mang tính chất liên tục, cần cải thiện trong ngắn hạn và dài hạn. Sau đó là tập trung xây dựng hạ tầng về phần cứng, phần mềm. Cuối cùng là thường xuyên nghiên cứu các vấn đề xảy ra trong thực tiễn vận hành của thành phố nhằm nêu các bài toán, mời gọi các tổ chức tham gia giải quyết.

Năm 2023, TPHCM chọn chủ đề năm là nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, một trong những trọng tâm là đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo trong nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân.

Do đó, Phó chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các ban ngành, chính quyền cơ sở phải tập trung giải quyết, trực tiếp đưa vào ứng dụng AI cũng như sớm biến những công cụ khoa học công nghệ trở thành công cụ hiệu quả trong điều hành hệ thống chính quyền, phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Theo TTXVN.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cũng thông tin, sắp tới sở sẽ cùng HĐND TPHCM triển khai Thư ký ảo ứng dụng AI trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên để hỗ trợ quá trình thẩm tra các văn bản của UBND TPHCM được nhanh và hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng hệ thống Chatbot/Voicebot hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hành chính công, giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp…

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới