Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng gói hỗ trợ giúp kinh tế 2022 phục hồi hình chữ V

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Kinh tế Việt Nam 2021 được cho là đã chạm đáy và kỳ vọng sẽ bật lên mạnh trở lại trong năm nay. Các động lực cho tăng trưởng là sự ổn định các yếu tố vĩ mô, sức mạnh của xuất khẩu và chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế được kỳ vọng đi vào thực chất ngay từ năm nay.

Ngay thềm trước Tết Nguyên đán, cuối tháng 1 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho chương trình phục hồi trong hai năm 2022-2023 và tạo đà cho cả giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, có 5 nhóm giải pháp bao gồm mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trên thực tế, các doanh nghiệp và người dân từ cuối năm ngoái đến nay đang chờ đợi các giải pháp chi tiết sẽ giúp cải thiện và thúc đẩy lại nền kinh tế. Tuy nhiên, việc chính sách đi vào thực tế đến đâu sẽ còn là một câu chuyện sẽ được thảo luận nhiều trong năm nay.

Sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Ảnh minh họa: DNCC

Năm khó khăn nhất đã đi qua

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã để lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất tăng cao, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thậm chí phá sản do giãn cách xã hội kéo dài. Quí 3 năm ngoái ghi nhận mức độ thu hẹp sản xuất nặng nề nhất trong vòng một thập kỷ.

Theo đánh giá của WorldBank trong báo cáo kinh tế tháng 1-2022, cách tiếp cận “không Covid-19” đã bị quá tải sau đợt bùng phát dịch bắt đầu từ tháng 4-2021, dẫn đến giai đoạn giãn cách kéo dài và những tổn thất kinh tế nặng nề.

“Việt Nam không còn tiếp tục đi đầu so với các quốc gia láng giềng trong việc xử lý tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế như năm 2020. Trong một năm mà hầu hết các quốc gia đều phục hồi kinh tế, Việt Nam phải vật lộn với những đợt giãn cách kéo dài tại các trung tâm kinh tế của đất nước”, báo cáo WorldBank nhận định.

Tuy nhiều khó khăn nhưng điều may mắn là kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi khá ngoạn mục vào quí 4, khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,8% so với cùng kỳ, bỏ xa các mức dự báo của thị trường, từ đó giúp tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,6%.

“Con số này phản ánh một kết quả tích cực trong một năm quá nhiều thách thức dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Xét cho cùng, Việt Nam đã trải qua một năm thật sự khó khăn, đặc biệt là với TPHCM, trung tâm thương mại của cả nước và các tỉnh lân cận sau bốn tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài tới tháng 10. Tuy nhiên, tin tốt là “cơn bĩ cực” này có vẻ đã lùi vào quá khứ”, báo cáo của HSBC nhận định.

Một lĩnh vực giúp kinh tế phục hồi nhanh là hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Sau giai đoạn giãn cách nghiêm ngặt trong quí 3, xuất khẩu của Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng, tăng gần 19% trong quí 4-2021 so với cùng kỳ. Xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục, chủ yếu nhờ nhu cầu sản phẩm công nghệ và máy móc trên thế giới tăng mạnh.

Ngoài phục hồi sản xuất, ngành dịch vụ của Việt Nam cũng thay đổi vị thế, từ “gánh nặng” trong quí 3 chuyển sang vai trò đóng góp chủ lực trong quí 4, dù sự phục hồi diễn ra không đồng nhất trong các lĩnh vực. Trong khi các ngành dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế, các ngành liên quan đến du lịch vẫn khá ảm đạm.

Mặt khác, các hoạt động y tế, công tác xã hội, tài chính và ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong quí 4. Đồng thời, dịch vụ phục vụ trực tiếp khách hàng, như bán buôn và bán lẻ, cũng phục hồi khi nền kinh tế từng bước mở cửa từ đầu tháng 10-2021.

Chính sách cần giúp niềm tin kinh doanh quay trở lại

Theo HSBC, động lực để kinh tế Việt Nam “bật lên” sau khi "chạm đáy” vào năm 2021 là  sản xuất và xuất khẩu kỳ vọng sẽ tiếp tục vị thế dẫn đầu, một phần là nhờ những cam kết FDI ổn định. Mặt khác, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ phục hồi thêm khi các biện pháp hạn chế hiện tại dần được gỡ bỏ và thị trường lao động phục hồi.

Dù vậy, trái với HSBC đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2022, tương đương mức tăng trưởng trước đại dịch, WorldBank dự báo thấp hơn là khoảng 5,5% theo kịch bản với giả định đại dịch được kiểm soát tương đối tốt cả trong nước và trên quốc tế.

Trong đó, một yếu tố hỗ trợ quan trọng chính là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trong hai năm 2022-2023 được kỳ vọng sẽ đi vào thực chất. Ít nhất là trong nửa đầu năm 2022, WorldBank cho rằng chính sách tài khóa sẽ phải nới lỏng hơn.

Một yếu tố tích cực khác được WorldBank nhắc đến là niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể trong những tháng cuối năm, sau đợt giãn cách vào quí 3 năm ngoái. Tuy nhiên, rủi ro tiêu cực lớn là khủng hoảng có thể kéo dài sang năm thứ ba, trong bối cảnh biến chủng mới Omicron có tốc độ lây nhiễm cao.

Tương tự, HSBC cũng cho rằng đại dịch vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Kết quả của “trận chiến” ứng phó lần này sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nhu cầu trong nước và hoạt động đi lại quốc tế.

Tuy nhiên, điểm tích cực là bối cảnh Việt Nam đã khác trước, khi triển khai tốt chương trình tiêm chủng tăng độ phủ vaccine, giúp cơ quan quản lý có thể linh hoạt hơn giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và “hồi sinh” nền kinh tế.

Thách thức khác quan trọng còn là sự phục hồi của nhu cầu trong nền kinh tế khi tỷ lệ thất nghiệp tăng và thu nhập giảm khiến tiêu dùng cá nhân không mấy sôi động. Theo HSBC, sẽ phải mất một thời gian nữa để có thể trở lại mức như trước đại dịch.

Một thách thức khác là các quốc gia lớn đã phục hồi kinh tế trong năm 2021 đang có kế hoạch rút dần các chính sách hỗ trợ, bao gồm chính sách tiền tệ, qua đó có thể gây ảnh hưởng đến khu vực tài chính ở nhiều nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả Việt Nam.

Theo WorldBank, tăng trưởng toàn cầu từ năm 2022 trở đi sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 3,2% trong trung hạn. Sản lượng ở các nền kinh tế phát triển dự báo sẽ vượt các dự báo trung hạn trước đại dịch, chủ yếu phản ánh gói hỗ trợ chính sách quy mô lớn. “Nền kinh tế Việt Nam chỉ dự kiến chỉ quay về lộ trình tăng trưởng trước Covid-19 vào năm 2023, khi các ngành dịch vụ đã phục hồi đầy đủ và không có các cú sốc mới”, báo cáo của WorldBank nhận định.

Mục tiêu của Nghị quyết 11 ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được xác định là hỗ trợ phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Cụ thể tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt từ 6,5-7%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.Đối  tượng được hỗ trợ bao gồm người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế. Chính sách hỗ trợ chủ yếu thực hiện trong hai năm 2022-2023, một số trong đó có thể kéo dài, bổ sung tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới