Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kỳ vọng sự thay đổi về chất của thị trường chứng khoán Việt Nam

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau 24 năm vận hành, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệ và là kênh đầu tư tích cực không thua kém những phương thức đầu tư khác. Nhưng các thành viên tham gia thị trường vẫn có những kỳ vọng cao hơn về tính minh bạch, chất lượng hàng hoá trên thị trường.

KTSG Online ghi nhận ý kiến từ các thành viên thị trường để góp thêm góc nhìn về phát triển TTCK với các cơ quan quản lý.

Những vấn đề cần khắc phục

Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối đầu tư chứng khoán của VinaCapital: “Tính minh bạch và tuân thủ quy định còn hạn chế”.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối đầu tư chứng khoán của VinaCapital. Ảnh: NVCC

Tính minh bạch và tuân thủ các quy định pháp lý trên TTCK còn một số hạn chế. Điều đó thể hiện qua những vi phạm về thao túng giá cổ phiếu hay giao dịch nội gián đã được xử lý trong thời gian qua.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư trên thị trường lại thích giao dịch theo tin đồn, tin tức nội bộ không được kiểm chứng hay theo sự hô hào của những đội nhóm. Điều này vô tình đã tiếp tay cho việc thao túng giá cổ phiếu mà hậu quả sau cùng là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn chiếm đa số trên thị trường, phải gánh chịu thiệt hại.

Một điều đáng tiếc nữa là TTCK Việt Nam vẫn chưa được xếp hạng vào nhóm các thị trường mới nổi mặc dù xét về quy mô vốn hóa và thanh khoản của thị trường, TTCK Việt Nam đã lớn hơn nhiều nước nằm trong các chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi. Về cơ bản, chúng ta còn hai vướng mắc chính, gồm: yêu cầu các nhà đầu tư tổ chức phải ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán kiến thiết Việt Nam (CSI): “Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân cao gây biến động lớn”

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán kiến thiết Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam luôn ở mức cao. Nhưng đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam, bất kỳ thị trường nào ở giai đoạn non trẻ, thì nhà đầu tư cá nhân cũng là đối tượng chiếm tỷ trọng lớn nhất và số lượng đông nhất. Đối tượng này luôn sở hữu một số đặc đặc tính, như: không có nhiều kiến thức, thông tin về thị trường tài chính và doanh nghiệp cụ thể.

Với tâm lý “high risk, high return” - tức kỳ vọng cao thì lợi nhuận cao, hành vi đầu tư của họ thường là nghe ngóng thông tin qua các hội, nhóm trên mạng xã hội và thích tham gia cuộc chơi đầu cơ lớn, có khả năng sinh lời nhanh.

Trong bối cảnh trên, việc thị trường thường xuất hiện những biến động quá đà do ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý không phải điều quá khó hiểu. Chẳng hạn, những ngành, doanh nghiệp xuất hiện nhiều tin đồn tích/tiêu cực thường rất nhanh xảy ra tình huống cổ phiếu tăng hoặc giảm quá đà, từ đó tác động tới thị trường.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm phân tích, Công ty chứng khoán dầu khí (PSI): “Thị trường thiếu nguồn hàng chất lượng”

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm phân tích, Công ty chứng khoán Dầu khí (PSI). Ảnh: Phan Anh.

Trái ngược với những bước tăng trưởng mạnh mẽ về dòng vốn và số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường sau hơn hai thập niên hình thành và phát triển, số lượng các doanh nghiệp niêm yết mới lại chững lại rõ rệt trong những năm gần đây.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6-2024 là 1.603, theo số liệu của UBCKNN. Con số này trong các năm gần đây không có sự chuyển biến lớn, thậm chí còn chứng kiến mực sụt giảm nhẹ khi tổng số lượng DNNY trên 3 sàn vào cuối các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt được ghi nhận ở mức 1.617, 1.655 và 1.641.

Với số lượng DNNY mới ít hơn, các nhà đầu tư có phạm vi lựa chọn hẹp hơn trong việc phân bổ vốn. Điều này có thể làm giảm sự đa dạng hóa và hạn chế lựa chọn đầu tư, đồng thời tác động đến tính thanh khoản, khiến nhà đầu tư khó mua hoặc bán cổ phiếu nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến giá cả.

Ngoài ra, việc tồn tại một nhóm nhỏ hơn các DNNY có thể dẫn đến tập trung thị trường, khiến các doanh nghiệp lớn có thể có nhiều ảnh hưởng hơn, ảnh hưởng đến cạnh tranh và có khả năng cản trở sự đổi mới.

Việc ít DNNY cũng có nghĩa là ít thông tin được công bố rộng rãi hơn, có khả năng ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Giải pháp nào cho TTCK Việt Nam?

PGS.TS Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng: “Nâng cao nhận thức doanh nghiệp về minh bạch thông tin”

PGS.TS Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng. Ảnh: Phan Anh.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam ghi nhận hoạt động công bố thông tin (CBTT) trên thị trường chứng khoán và tỷ lệ DNNY đạt chuẩn CBTT có xu hướng tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, đa phần đây đều là các doanh nghiệp lớn, đầu ngành. Đặc biệt, không có bất cứ doanh nghiệp nào duy trì sự xuất hiện liên tục trong danh sách DNNY đạt chuẩn CBTT trong hơn 10 năm. Điều này cho thấy việc tuân thủ theo yêu cầu minh bạch thông tin không hề dễ dàng.

Một số vấn đề khác CBTT thường gặp như năm 2023, liên quan đến công bố thông tin sai lệch, trễ hạn, không công bố hoặc quá hạn gửi thông tin...

Một điểm khác chính là yếu tố ngôn ngữ trong công bố thông tin. Theo đánh giá của MSCI và FTSE, Việt Nam đã đạt được tuy nhiên vẫn cần cải thiện thêm về việc cập nhật thông tin bằng Tiếng Anh. Theo quy định hiện hành, ngôn ngữ CBTT chính thức là tiếng Việt, trong khi CBTT bằng tiếng Anh chỉ là điều kiện bắt buộc với Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, còn các đối tượng khác được khuyến khích và chỉ dành cho mục đích tham khảo. Nghiên cứu thị trường của World Bank cho thấy, chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết CBTT và BCTC bằng tiếng Anh và đa phần các công ty này là công ty vốn hóa lớn.

Một vấn đề khác là mức độ dễ hiểu của thông tin, tiếp cận thông tin. Hiện nay, chỉ có khoảng có 50 - 60% doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng IFRS hoặc đang có kế hoạch chuyển đổi theo IFRS.

Như vậy, điều quan trọng chính là nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin. Vấn đề khác là giáo dục ngôn ngữ, tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối đầu tư chứng khoán của VinaCapital: “Gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức để thị trường phát triển ổn định”

Cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp của các công ty niêm yết để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của các nhà đầu tư, không để tình trạng HĐQT hay Ban lãnh đạo doanh nghiệp có các quyết định hay hành động làm tổn hại đến lợi ích của cổ đông. Cần giám sát chặt chẽ hơn nữa và xử lý nghiêm các giao dịch thao túng giá cổ phiếu hoặc giao dịch nội gián. Những việc này sẽ làm gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào TTCK Việt Nam và thu hút thêm dòng vốn vào thị trường.

Ngoài ra, đa số nhà đầu tư Việt Nam hiện là cá nhân, trong khi ở nước ngoài, nhà đầu tư chủ yếu là tổ chức - họ chuyên nghiệp và có quy tắc hơn. Chúng tôi cho rằng nên có các chính sách khuyến khích và đẩy mạnh việc truyền thông, phổ biến kiến thức để khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân gia tăng việc đầu tư thông qua quỹ mở.

Việc phát triển các quỹ đầu tư cũng sẽ giúp tỷ trọng về giá trị giao dịch giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức được cân bằng hơn, giảm bớt biến động bất thường trên thị trường, giúp thị trường chứng khoán phát triển theo hướng lành mạnh hơn.

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính: “Muốn đi xa, phải đi cùng nhau”

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: Phan Anh.

Cơ quan quản lý Nhà nước đi đầu, nhưng không đi một mình. TTCK không đi một mình mà UBCKNN, doanh nghiệp niêm yết, các đơn vị truyền thông… đều phải đi để hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để thị trường phát triển hơn. Không cần phải học đâu xa mà học ngay các thị trường đã phát triển như Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore. Trên cơ sở đó, cũng sẽ chắt lọc, chứ không áp nguyên mô hình vào TTCK Việt Nam.

Về yếu tố minh bạch thông tin, muốn đi dài, đi xa, chơi lớn thì chúng ta phải minh bạch. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các DNNY, họ phải ý thức rằng đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của chính doanh nghiệp.

Hiện cơ quan quản lý đã có quy chuẩn, yêu cầu với doanh nghiệp về công bố thông tin thì chúng ta - cơ quan quản lý, vận hành, nhà đầu tư, cơ quan báo chí - cùng nhau giám sát, phát hiện trường hợp vi phạm, từ đó xử lý nghiêm, làm kiên quyết, không ngừng nghỉ vì thị trường không bao giờ nghỉ.

Việc công bố thông tin bằng hai thứ tiếng, một số doanh nghiệp đã làm nhưng chưa đủ. Chúng tôi dự kiến sửa đổi quy định liên quan vấn đề này và có lộ trình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới