(KTSG Online) – Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, những tháng cuối năm thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ khởi khắc, khả quan hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản. Vì đây là thời điểm lượng hàng tồn kho của các nước nhập khẩu giảm và cũng có nhiều lễ hội diễn ra vào cuối năm.
- Xuất khẩu tôm giảm gần 40% trong quí 1
- Giá thành nuôi quá cao, ngành chế biến xuất khẩu tôm cầm cự được bao lâu?
Theo Baochinhphu.vn, những thông tin tích cực nói trên được đưa ra tại "Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam" do Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 21-7.
Theo thống kê của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), năm 2022 xuất khẩu tôm đạt kỷ lục 4,3 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, bước qua năm 2023, tình hình xuất khẩu tôm không có nhiều khả quan. Cụ thể, nửa đầu năm nay, các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam đều giảm. Cụ thể, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc - Hồng Kông và Hàn Quốc đồng loạt giảm 2 con số. Trong đó, giảm mạnh nhất thị trường EU với gần 49%, tiếp đến là Mỹ giảm hơn 38%... so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, phân tích số liệu từng tháng, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT thì thị trường xuất khẩu tôm đang có xu hướng tăng dần lên trong những tháng qua. Ông nêu dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước đã có hơn 370 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm với công suất trên 1,7 triệu tấn nguyên liệu/năm.