(KTSG Online) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 11, xuất khẩu thủy sản đạt gần 925 triệu đô la Mỹ, giảm nhẹ so với tháng 10. Lũy kế 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 9,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 11,5% so với năm trước.
Trong đó, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt 345,5 triệu đô la Mỹ trong tháng 11, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, mặt hàng tôm đã mang về hơn 3,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 38,8% kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Cá tra đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ trong 11 tháng qua, tăng 9,5%.
Tuy gặp nhiều hạn chế do quy định về kích thước theo nghị định 37, xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng 8,1% so với cùng kỳ, đạt 85,2 triệu đô la Mỹ. Tính đến tháng 11, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã đạt hơn 906 triệu đô la Mỹ, tăng 17,4% và có thể đạt 1 tỉ đô la Mỹ như năm 2022.
Bên cạnh đó, trong tháng vừa qua, các loại hải sản như cua ghẹ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và mực ống cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, nhuyễn thể hai mảnh vỏ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, tăng gần 180%.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc - Hong Kong đã vượt qua các thị trường khác để trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng ấn tượng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lên hơn 1,7 tỉ đô la Mỹ.
Thị trường Mỹ đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó, các thị trường truyền thống như Nhật Bản, EU và Hàn Quốc vẫn đóng góp ổn định vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay, ngành thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm, tăng 11,5% so với năm trước. Tôm và cá tra, hai trụ cột chính, dự kiến sẽ đóng góp lần lượt 4 tỉ đô la Mỹ và 2 tỉ đô la Mỹ vào tổng kim ngạch này.