Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lạ với những ‘cơn sốt’ lạ ở quê

Khánh Hưng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Tháng này em kiếm được hơn một triệu đấy nhé”, Linh cười tươi, xòe ra xấp tiền mới cứng rồi hào hứng kể cách cậu kiếm tiền nhờ cơn sốt ong vàng ở quê nhà Hà Tĩnh. Suốt tháng qua, cậu bé 12 tuổi này lùng sục hết cánh đồng này qua cánh đồng khác để săn ong vàng.

Những “tay mơ” như Linh và các bạn cùng trang lứa chỉ đi gần, xa nhất là đến các ngọn đồi quanh làng, còn những người “có kinh nghiệm” hơn thì vào rừng tìm ong đất, ong vò vẽ và đặc biệt mùa này là ong vàng...

Bỏ nhộng non, lấy tổ bán cho thương lái. Ảnh: N.K

Nếu như ngày xưa những thợ săn ong chủ yếu đi lấy nhộng (ong non) về làm món ăn thì ngày nay họ tập trung lấy tổ ong (sáp ong) về bán cho thương lái. Cứ một ki lô gam tổ ong bán được từ 1-1,5 triệu đồng, có khi được giá cao hơn vì nhiều thương lái tranh nhau mua. Nhưng để đạt được con số “tiền triệu” đó không hề dễ dàng vì “tổ ong nhẹ lắm, phải cả trăm tổ mới được một ki lô gam”, Linh nói. Điều này có nghĩa là cư dân địa phương càng ra sức săn lùng lấy tổ ong vàng thì sự cân bằng sinh thái ong trong tự nhiên càng dễ bị phá vỡ.

Mỗi chuyến bay của ong không chỉ là hành trình kiếm mật mà còn là quá trình thụ phấn của nhiều loại cây cối, trồng trọt nông nghiệp. Hay các loài như giun đất, ve sầu… cũng đều có giá trị riêng trong môi trường tự nhiên. Tôi đã ngăn thằng Linh gia nhập đoàn săn ong vàng trong rừng khi bảo với nó làm như vậy là giết ong non, rằng số lượng ong bầy năm sau sẽ ít hơn và đó là săn bắt trái phép nhưng nó bảo, trước giờ chưa thấy ai bị chính quyền hỏi tới cả. Tôi hỏi thì người đứng ra thu mua tổ ong ở quê trả lời “nghe nói mua để làm thuốc”, còn mục đích cuối cùng họ không biết và cũng không quan tâm nhiều.

Cứ thế, cả làng cứ như lên cơn sốt hễ có người đến làng hỏi mua thì họ tìm bán. Không chỉ ong vàng, “đơn đặt hàng” nhiều năm qua cũng ghi tên rất nhiều loài lạ nếu không nói là “quái đản”, từ ong, ve, bọ xít, giun đất cho đến rắn nước, đỉa, đuôi chuột, móng guốc trâu, bò. Rễ các loại cây sắn, hồ tiêu, quế hay sầu riêng non… cũng nằm trong danh sách “hàng đặt, bao nhiêu cũng lấy” này. Theo đó, người làng cứ lục tung ruộng đồng, đồi núi để săn để bán mà không biết chính họ đang góp sức phá vỡ sự đa dạng sinh học vốn có của ngôi làng thuần nông của họ. Người dân không biết đến luật đa dạng sinh học nên không quan tâm gì mấy đến chuyện “quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học”.

Tôi chợt nhớ đến những bài báo viết về các chương trình khuyến nông, các lớp tập huấn nhà nông mà ở tỉnh có phát triển nông nghiệp nào cũng có. Người dân có thể vì mưu sinh mà không để ý đến hậu quả của khai thác tận diệt môi sinh nhưng có phải là các chương trình mang ánh sáng, sự hiểu biết cơ bản về gìn giữ môi trường tự nhiên, một cách nào đó, vẫn chưa soi rọi được tới làng quê chăng? Để họ hiểu, yêu và biết cách bảo vệ môi trường sống của chính mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới