Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại chuyện con voi chui lọt lỗ kim

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lại chuyện con voi chui lọt lỗ kim

Minh Khuê

(TBKTSG) – Tiếp tục chủ đề “Khi Chính phủ thừa biên chế”, tuần này TBKTSG xin giới thiệu bài viết của tác giả Minh Khuê phân tích về những hạn chế của bộ máy hành chính hiện nay nhằm có thể rút ra những bài học kinh nghiệm để xây dựng bộ máy chính phủ nhiệm kỳ tới.

Bộ máy không giảm mà vẫn “phình” to

Báo cáo tổng kết cải cách hành chính của Chính phủ giai đoạn 2001-2010 đánh giá cao thành tích giảm đầu mối các cơ quan bộ. Đến nay, số đầu mối các cơ quan hành chính ở các cấp đã giảm rõ rệt, cụ thể là: từ 48 cơ quan vào năm 2001 nay còn 30, bao gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ; các sở và tương đương từ 19-27 nay còn 17-20; các phòng ở cấp huyện từ 12-15 nay còn 12-13.

Thế nhưng thực tế thì bộ máy vẫn phình to bởi vì tuy số bộ, ngành giảm nhưng các đơn vị trực thuộc lại tăng, đặc biệt là trào lưu thành lập hoặc nâng cấp các vụ tham mưu thành tổng cục, cục trực thuộc các bộ, ngành. Trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, số tổng cục và cấp tương đương tăng gần 100% (nhiệm kỳ trước là 21, hiện nay là 40); số cục và cấp tương đương cũng tăng từ 82 lên 103.

Những con số này chứng tỏ thời gian qua bộ máy nhà nước không những không giảm đi mà còn đang biến tướng phình to theo chiều hướng giảm đầu mối các cơ quan tham mưu, tăng các cơ quan có quyền lực thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước. Điều đó cũng có nghĩa là xã hội đang tiếp tục phải gánh thêm những chi phí cho việc quản lý của Nhà nước mà không làm tăng hiệu quả, thậm chí còn thêm các thủ tục phiền hà, tốn kém cho dân, cho doanh nghiệp.

Ví dụ: Bộ Tư pháp có thêm hoặc nâng cấp các tổng cục, cục như Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Lý lịch tư pháp, Cục Nuôi con nuôi… Đa phần các tổng cục, cục này được hình thành từ cơ chế, chính sách trong các luật và các nghị định hướng dẫn mới do chính Bộ Tư pháp soạn thảo: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Nuôi con nuôi, Nghị định 174/2009…

Bộ nào cũng có vài đến hàng chục tổng cục, cục, thậm chí cả Văn phòng Chính phủ chỉ là cơ quan tham mưu tổng hợp, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (không phải là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực nào) cũng thành lập Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nhằm kiểm soát thủ tục hành chính trước và sau khi ban hành chính sách của tất cả các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Với xu hướng mở rộng lĩnh vực quản lý, các tổng cục, cục này “ôm đồm” tất cả các công việc từ xây dựng chính sách, cấp phép hoạt động đến quản lý, thực thi chính sách, thanh tra, kiểm tra…

Ở địa phương cũng vậy, xu hướng điều chỉnh địa giới hành chính, chia, tách huyện, xã cũng làm cho bộ máy phình to. Năm 2001 cả nước có 61 tỉnh, 627 huyện, quận; 10.543 xã, phường thì hiện nay các con số tương ứng là 63, 697 và 11.109. Địa phương nào cũng mong muốn tách ra, chứ không muốn nhập vào nên xu hướng tăng thêm các đơn vị hành chính sẽ tiếp tục. Tương ứng với bộ máy mới đó là các chi phí hoạt động, tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ. Trong khi đất đai, nguồn lực không tăng, dân số một số địa phương còn giảm đi do di cư về đô thị lớn, nhưng vẫn thiết tha mong muốn thành lập các đơn vị hành chính mới.

Tất nhiên hệ quả của xu hướng đó là chi phí cho tổ chức bộ máy, số cán bộ, công chức cũng cao hơn nhiều so với trước đây. Đến nay số cán bộ, công chức trong cả nước đã lên đến trên 270.000 (tính đến ngày 31-12-2009). Số tiền phải chi cho bộ máy này cũng phải tăng tương ứng. Để thuyết minh cho việc thành lập đơn vị mới, cơ quan nào cũng cho là cần thiết vì tầm quan trọng của nó, nhưng thực chất thì về nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước thì vẫn như vậy. Vậy hiệu quả quản lý nhà nước của việc thành lập mới này đến đâu, chưa được cơ quan nào đánh giá đúng mức, đúng bản chất của sự việc và cũng chưa có chỉ đạo rõ ràng nên xu hướng này chắc chắn chưa dừng lại trong thời gian tới.

Quản lý nhà nước có hiệu quả?

Báo cáo tổng kết công tác cải cách hành chính nhiệm kỳ của Chính phủ cũng cho rằng đã điều chỉnh một bước quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp để khắc phục những chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thực tế thì những trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành vẫn diễn ra nhiều năm nay, tranh cãi suốt cả nhiệm kỳ Chính phủ vẫn chưa “ngã ngũ” như: giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý tài nguyên nước, lưu vực sông; giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về an toàn thực phẩm; giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về quản lý thị trường; giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về quản lý nợ công, ODA…

Bộ Tư pháp thì đang chuẩn bị trình Chính phủ thành lập Cục Bồi thường nhà nước để có đầu mối thực hiện các chính sách mới theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định 16/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này. Tuy nhiên, xét về bản chất thì đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực bồi thường nhà nước là của Bộ Nội vụ chứ không phải của Bộ Tư pháp.

Bởi vì mục đích chính của luật này là nhằm đền bù thiệt hại do các quyết định hành chính, tư pháp không đúng pháp luật của Nhà nước gây ra cho các tổ chức, cá nhân, mà các quyết định đó do các cán bộ, công chức nhà nước được giao quyền quyết định. Vì vậy, khi giải quyết bồi thường phải truy cứu trách nhiệm của những người ra quyết định đó, chứ không phải truy cứu trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản. Trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực nhân sự là của Bộ Nội vụ chứ không phải của Bộ Tư pháp.

Những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ kéo dài làm cho việc quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này cũng không thể hiệu quả, lúc thì nhiều cơ quan cùng giải quyết một việc, lúc thì không cơ quan nào giải quyết, bộ máy tổ chức thì không ổn định.

Xã hội đang phải tiếp tục gánh thêm những chi phí cho việc quản lý của Nhà nước mà không làm tăng hiệu quả, thậm chí còn thêm các thủ tục phiền hà, tốn kém cho dân, cho doanh nghiệp.

Việc phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho các bộ, ngành Trung ương và phân cấp cho chính quyền địa phương tuy đã đem lại một số kết quả tốt nhưng vẫn còn nhiều chỗ chưa ổn. Có quá nhiều việc Chính phủ, Thủ tướng phải giải quyết mà đáng ra những việc đó cấp bộ hoặc địa phương hoàn toàn có thể quyết định và giải quyết được.

Chính vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng vẫn phải giải quyết quá nhiều công việc sự vụ như: tăng vốn điều lệ, bổ nhiệm cán bộ các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, quy hoạch ngành nghề, xin phép tổ chức hội nghị tổng kết ngành, vướng mắc trong triển khai chính sách, quyết định hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp, triển khai đề án, dự án ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Mặc khác, phân cấp Trung ương – địa phương diễn ra khá mạnh và toàn diện, các địa phương hầu như được quyết định toàn bộ trong phạm vi của mình dẫn đến chính sách trùng lặp giữa các tỉnh, cơ cấu kinh tế các tỉnh tương tự nhau, cạnh tranh lẫn nhau trong thu hút đầu tư.

Đến nay khi Chính phủ đã báo cáo tổng kết trước Quốc hội nhiệm kỳ khóa 12, nhưng vẫn chưa rõ những bất cập này sẽ được giải quyết như thế nào. Trong các đề án của Chính phủ giao cho các cơ quan nghiên cứu trong Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 cũng không có nghiên cứu nào về tinh giản bộ máy nhà nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, nhu cầu phát triển rất lớn nên dù cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới theo hướng nào thì cũng phải bảo đảm yêu cầu hiệu quả quản lý, bộ máy gọn nhẹ, thủ tục đơn giản, tiết kiệm chi phí quản lý để mang lại những lợi ích thực sự và lâu dài cho xã hội.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới