Lại chuyện lãi suất
Vân Cầm
![]() |
Thị trường chứng khoán Mỹ luôn có phản ứng nhanh nhạy trước các động thái của FED. |
(TBKTSG) - Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất chiết khấu, tức là lãi suất mà FED cho các ngân hàng vay ngắn hạn để giải quyết vấn đề thanh khoản, từ 0,5% lên 0,75%. Bình thường loại tin này chỉ chiếm vài dòng ngắn ngủi trên các báo nhưng lần này báo chí quốc tế tràn ngập các bài đưa tin và bình luận đủ mọi góc cạnh.
Ấy là bởi quyết định này thoạt tiên có thể xem là cột mốc đánh dấu sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ của Mỹ - bắt đầu thắt chặt để phòng ngừa lạm phát thay vì nới lỏng để kích thích nền kinh tế.
Cần nhớ lãi suất chiết khấu này khác với lãi suất cơ bản (Fed Funds rate), là loại lãi suất các ngân hàng cho vay lẫn nhau trong thời gian rất ngắn (qua đêm) để đảm bảo mức dự trữ bắt buộc; lãi suất này hiện nay vẫn được giữ nguyên ở mức 0-0,25%.
Lãi suất chiết khấu thường cao hơn lãi suất cơ bản chừng 1% nhưng thời gian qua sau khi giảm lãi suất cơ bản hết mức, FED cũng giảm lãi suất chiết khấu nên mức chênh lệch giữa hai loại lãi suất này xem như rất nhỏ.
Trong suốt cả năm 2009, lãi suất chiết khấu ở mức 0,5% còn lãi suất cơ bản ở mức 0-0,25%. Nay mục đích đầu tiên của FED khi tăng lãi suất chiết khấu là để hai lãi suất này có một mức chênh lệch nhất định như thông lệ xưa nay và để hoạt động cho vay của FED về trạng thái bình thường. Vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định của FED chưa hẳn là dấu hiệu Mỹ muốn thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, hai loại lãi suất nói trên có mối quan hệ rất mật thiết; lịch sử điều hành tiền tệ của FED cho thấy mỗi lần họ cắt giảm lãi suất cơ bản thì lãi suất chiết khấu cũng giảm theo tương ứng, như cuối năm 2008, cả hai đều giảm cùng mức 0,75 điểm phần trăm. Vì thế, nhiều nhà phân tích khác cho rằng không sớm thì muộn lãi suất cơ bản của Mỹ cũng sẽ được nâng lên, chấm dứt chuỗi dài cắt giảm lãi suất này.
Cũng vì thế, mặc dù lãi suất chiết khấu không tác động trực tiếp gì lên lãi suất mà người tiêu dùng hay doanh nghiệp phải trả, sau khi có quyết định của FED, thị trường đã phản ứng như thể FED tăng lãi suất cơ bản: đồng đô la lên giá mạnh vì người ta kỳ vọng lợi nhuận từ các tài sản định giá bằng đô la sẽ tăng sau khi lãi suất tăng. Thế là FED phải lên tiếng giải thích - họ chưa thay đổi chính sách tiền tệ, mức lãi suất cơ bản thấp như hiện nay sẽ còn được duy trì ít nhất trong nhiều tháng tới…
Đã có nhiều chuyên gia tài chính cho rằng đã đến lúc FED phải tính toán nâng lãi suất cơ bản sớm hơn thế. Họ cho rằng mức lãi suất thấp kỷ lục hiện nay là ngòi nổ cho các loại bong bóng tài sản, là mầm mống cho một thời kỳ lạm phát kéo dài. Nâng lãi suất cơ bản ở mức tượng trưng thôi cũng sẽ giảm bớt những nguy cơ này. Trong khi FED cho rằng giữ lãi suất ở mức thấp là cách hay nhất để kích thích nền kinh tế, nhiều người lại lập luận lãi suất thấp chỉ làm lợi cho giới ngân hàng vì chi phí huy động thấp còn cho vay trong nhiều trường hợp vẫn còn cao. Lãi suất thấp cũng làm ngân hàng không mặn mà cho vay, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ.
Ngược lại, chủ trương của FED mà cụ thể là của Chủ tịch FED, Ben Bernanke, là duy trì lãi suất thấp càng lâu càng tốt. Ông Bernanke từng nhận xét sự phục hồi kinh tế sau thời kỳ Đại khủng hoảng ở thập niên 1930 lẽ ra đã mạnh mẽ hơn nhiều nhưng lại bị kìm hãm bởi FED lúc đó đã siết chặt tiền tệ quá sớm. Dĩ nhiên, ông sẽ không muốn lặp lại sai lầm này. Cũng tuần trước Mỹ công bố thông tin, chỉ số giá cả (trừ thực phẩm và xăng dầu) bất ngờ giảm trong tháng 1-2010, lần giảm đầu tiên kể từ năm 1982. Một khi chưa phải lo về lạm phát, FED ắt sẽ duy trì lãi suất thấp gần 0% trong cả năm nay để duy trì mức tăng trưởng kinh tế Mỹ, dự báo sẽ tăng chừng 2,8-3,5% trong năm 2010.
Sự lên xuống của giá chứng khoán thế giới trong tuần qua là do chịu tác động từ hai cách lý giải nói trên - và đến nay, có vẻ cách giải thích của FED - không tăng lãi suất cơ bản trong một thời gian dài nữa - đã trấn an được thị trường.