(KTSG Online) – Quỹ phát triển thị trường cho ngành cá tra Việt Nam lại tiếp tục được đề xuất thành lập tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022. Tuy nhiên, đây là vấn đề đã được đề cập từ lâu, nhưng giữa các doanh nghiệp vẫn không tìm được tiếng nói chung.
Tại hội nghị nêu trên diễn ra hôm 25-2 ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã đề xuất thành lập quỹ phát triển thị trường cho ngành hàng cá tra.
Theo ông Lâm, hiện nay các nước đều có quỹ phát triển thị trường, trong khi đó, các doanh nghiệp ngành cá tra chỉ cần một cơ chế chính sách cũng như quy định trích quỹ để thành lập một hội đồng quản lý quỹ nhằm xúc tiến thị trường, ổn định giá cá. “Doanh nghiệp rất muốn có cái này, tuy nhiên, những năm qua, chúng ta vẫn chưa có quỹ này như các nước”, ông Lâm nói.
Chính vì vậy, tại hội nghị nêu trên, ông Lâm kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành một cơ chế để thành lập quỹ. “Cần có quỹ này để cho các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tham gia vô”, ông nói và cho rằng, hiện mạnh ai nấy làm, thì không bền vững.
Liên quan đề xuất thành lập quỹ phát triển thị trường cho ngành cá tra, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, ông cùng các doanh nghiệp thuỷ sản đã từng ngồi bàn với nhau.
Tuy nhiên, theo ông Thiện, bài toán cuối cùng doanh nghiệp đặt ra, đó là mỗi người đóng bao nhiêu, rồi chương trình, nội dung của quỹ thực hiện cái gì khi mỗi người một thị trường? “Anh Lâm (ông Nguyễn Sĩ Lâm-PV) đề xuất thì dĩ nhiên kể cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ủng hộ. Nhưng, để quỹ thành lập thì các doanh nghiệp có ngồi lại được với nhau hay không?”, ông nêu câu hỏi.
Cũng theo ông Thiện, trước đây Công ty cổ phần thuỷ sản Vĩnh Hoàn đứng ra chủ trì cuộc họp thành lập quỹ này, nhưng các doanh nghiệp không có chung hướng đi khi mỗi người một thị trường và tiêu chuẩn khác nhau. “Quỹ đó dành phát triển thị trường nào? tôi đóng bao nhiêu..., những câu hỏi đó đến giờ vẫn chưa có câu trả lời”, ông nói.
Thực tế, theo ghi nhận của KTSG Online, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đã nhiều lần ngồi bàn cách thành lập quỹ nhằm mục đích phát triển bền vững ngành hàng cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp, các doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và chuyện thành lập quỹ cũng đã “phá sản” từ lâu.
Liên quan ngành cá tra, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2021 sản lượng cá tra thu hoạch đạt 1,525 triệu tấn, tăng 1,63% so với năm trước đó; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4% so với năm trước đó.
Còn mục tiêu năm 2022 được Tổng cục Thủy sản đưa ra, đó là sản lượng cá tra sản xuất đạt 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị, sản lượng cá tra năm 2022 chỉ nên duy trì ở mức 1,6 triệu tấn, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu dự báo tăng 20-25% so với năm 2021 (năm 2021 đạt 1,62 tỉ đô la Mỹ - PV).
Không cần phải thành lập quỹ này quỹ nọ cho mất công. Vừa không đảm bảo tính chuyên nghiệp, chưa kể uy tín và năng lực cần phải có để điều hành quỹ bài bản là rất quan trọng. Đây thực chất là một nghiệp vụ bảo hiểm cho ngành nghề cá tra. từ đó xác định phương châm tồn tại và phát triển bền vững. Các nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp nên thống nhất quan điểm chọn một nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm có uy tín trong nước, đặt hàng và giao cho họ triển khai nhiệm vụ này.