Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại lo ngại về xu hướng lãi suất

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Xu hướng lãi suất trong nước đang giảm trở lại nhờ sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố. Tuy nhiên, ngọn gió có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào, khi những áp lực tiềm ẩn vẫn tồn tại và lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể chưa sớm dừng lại.

Xu hướng tích cực trở lại

Khung lãi suất tiền gửi tiết kiệm của SaigonBank có hiệu lực từ ngày 24-2 đã chứng kiến mức giảm đồng loạt từ kỳ hạn 6 tháng trở lên. Cụ thể, kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm, kỳ hạn 9-13 tháng giảm 0,4 điểm phần trăm, trong khi các kỳ hạn dài hơn như 18, 24 và 36 tháng giảm mạnh 0,6 điểm phần trăm.

Đây là lần giảm lãi suất thứ 2 liên tiếp trong vòng hai tháng qua của ngân hàng này, theo đó mức lãi suất niêm yết cao nhất chỉ còn 9,1% ở kỳ hạn 13 tháng, thấp hơn rất nhiều so với mức 10,5% hồi tháng 12 năm ngoái.

Giảm lãi suất cũng là xu hướng chủ đạo của thị trường kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là sau thời điểm Tết Nguyên đán, khi không chỉ các ngân hàng nhỏ mà ngay cả những ngân hàng lớn như Techcombank hay MBBank cũng nhập cuộc. Như vậy, sau lời kêu gọi đồng thuận của Hiệp hội Ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi về mức 9,5% vào cuối năm ngoái, hiện lãi suất niêm yết của hầu hết các ngân hàng thậm chí đã rời xa về phía dưới mốc này.

Áp lực từ lượng lớn TPDN đáo hạn trong năm 2023 cũng có thể gây sức ép lên thanh khoản của nền kinh tế và tác động tiêu cực lên lãi suất.

Đặc biệt, các kỳ hạn dài chứng kiến mức giảm lớn hơn so với các kỳ hạn ngắn, cho thấy hiện các ngân hàng có thể đã khá dư thừa nguồn vốn trung và dài hạn, hoặc nhận thấy rủi ro lãi suất không còn là mối lo ngại lớn trong tương lai nên quyết định giữ lãi suất tiền gửi dài hạn ở mức thấp hơn đáng kể.

Đơn cử như trường hợp của SaigonBank ở trên, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dài 18, 24 và 36 tháng chỉ còn 8,7%, thấp hơn đáng kể mức 9-9,1% ở kỳ hạn 12-13 tháng và thậm chí còn thấp hơn mốc 8,9% của các kỳ hạn 6-11 tháng.

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống trở nên dư thừa khi dòng tiền tập trung vào hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay để hưởng lãi suất cao, trong khi tăng trưởng tín dụng đầu năm còn khá chậm, cộng thêm một lượng lớn tiền đồng được bơm ra thị trường qua kênh mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, với con số lên đến 3,6 tỉ đô la Mỹ, cùng với tỷ giá được giữ ổn định, dễ hiểu vì sao lãi suất đang có xu hướng giảm tích cực như vậy.

Ngoài ra, những dự báo lạc quan về xu hướng ổn định của lãi suất trên thị trường quốc tế, khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, đặc biệt là tại những nền kinh tế phát triển, đã đi vào chặng cuối của giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng đưa đến những kỳ vọng mặt bằng lãi suất của Việt Nam sẽ ổn định trong năm nay và có thể đi xuống trở lại.

Đơn cử như Fed, trong cuộc họp chính sách đầu tiên của năm nay diễn ra vào đầu tháng 2-2023 chỉ còn tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm, đã xác nhận xu hướng này.

Gió có đảo chiều?

Tuy nhiên, ngọn gió cũng có thể đảo chiều bất cứ lúc nào, khi với các số liệu kinh tế công bố gần đây của Mỹ đã kéo theo những dự báo mới nhất đầy lo ngại về xu hướng lãi suất tại Mỹ, theo đó đà tăng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể còn tiếp tục kéo dài hơn. Trước đó, hầu hết nhận định đều tin rằng với mục tiêu lãi suất quanh 5,1%, sau lần tăng 0,25 điểm phần trăm vào đầu tháng 2 vừa qua, Fed có thể chỉ còn tăng 0,25 điểm phần trăm trong hai cuộc họp vào tháng 3 và tháng 5.

Tuy nhiên, gần đây một loạt quan chức Fed, ngay cả người đứng đầu cơ quan này là Chủ tịch Jerome Powell, đưa ra quan điểm “diều hâu” hơn, khi cảnh báo lãi suất có thể tiếp tục tăng nhiều hơn dự báo của thị trường nếu dữ liệu kinh tế đi chệch mục tiêu của Fed. Theo đó, mục tiêu mới được đề cập khá nhiều trong những ngày qua đã lên mốc 5,5% hoặc có thể hơn, tức còn cách ít nhất 0,75 điểm phần trăm từ mức hiện tại 4,75%.

Việc thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh mẽ, thể hiện qua con số 517.000 việc làm được tạo ra trong tháng 1-2023, cao hơn rất nhiều so với dự báo 187.000 việc làm và cũng tăng mạnh so với mức 223.000 việc làm hồi tháng 12-2022, đang đưa đến những lo ngại về nguy cơ vòng xoáy lạm phát – tiền lương nguy hiểm.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1-2023 của Mỹ bất ngờ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức dự báo tăng 0,4% so với tháng trước và 6,2% so với cùng kỳ.

Tiếp đó, đến ngày 24-2, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – chỉ báo lạm phát ưa thích của Fed, được công bố tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự báo và cũng tăng mạnh hơn so với mức 0,2% của tháng 12-2022, càng đặt Fed vào vị thế buộc phải nâng lãi suất ở mức nhiều hơn.

CEO JPMorgan Jamie Diamon cho rằng Fed đang mất kiểm soát với lạm phát và kỳ vọng lãi suất có thể ở mức cao hơn trong khoảng thời gian dài hơn vì Fed cần thời gian để kéo lạm phát về 2%.

Diễn biến đô la Mỹ trên thị trường quốc tế tiếp tục đi lên trong tháng 2 vừa qua, bất chấp rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái, đã phần nào phản ánh những kỳ vọng về việc Fed sẽ còn tăng lãi suất nhiều hơn. Từ mức đáy 100,8 điểm vào đầu tháng 2, chỉ số USD Index hiện đã leo lên trở lại mốc trên 105 điểm, tức tăng xấp xỉ 4,4%, chấm dứt chuỗi đi xuống liên tiếp trong bốn tháng kể từ tháng 10-2022.

Áp lực tiềm ẩn

Trong tình thế này, hiện tâm lý bi quan đang trở lại với xu hướng lãi suất thời gian tới, nhất là khi những bất ổn vĩ mô tiềm tàng trong nước vẫn chưa thật sự biến mất. Trong nhận định được chia sẻ gần đây, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán HSC cho rằng lạm phát tại Việt Nam có thể chưa đạt đỉnh và vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế trong thời gian tới, khi các yếu tố tiêu dùng thiết yếu như giáo dục, y tế, điện đều sẽ tăng và sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng của người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Quan trọng hơn, áp lực từ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn trong năm 2023 cũng có thể gây sức ép lên thanh khoản của nền kinh tế và tác động tiêu cực lên lãi suất. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp cũng đang tìm cách mua lại trước hạn các TPDN đã phát hành, và để có tiền xoay sở không ít doanh nghiệp đang cố gắng tiếp cận trở lại dòng vốn tín dụng ngân hàng.

Theo đó, với lượng TPDN đáo hạn lớn như thế, đòi hỏi phải có một dòng vốn lớn khác thay thế, bổ sung và chỉ có kênh tín dụng ngân hàng hiện nay mới được xem là có đủ khả năng hỗ trợ. Bên cạnh đó, trong bối cảnh việc phát hành TPDN mới bị kiểm soát và ràng buộc chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp có thể phải quay lại với kênh tín dụng ngân hàng như giai đoạn trước.

Trong trường hợp các doanh nghiệp không thể thanh toán đúng hạn gốc, lãi cho các trái phiếu đến hạn, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của các nhà đầu tư. Đặc biệt, những ngân hàng nào đã bảo lãnh phát hành, phân phối các trái phiếu này mà có điều khoản hỗ trợ mua lại trước hạn hay khi đáo hạn cho nhà đầu tư, cũng sẽ đối mặt với áp lực thu xếp dòng tiền. Dù trong trường hợp nào, những ảnh hưởng nhất định có tính tiêu cực lên lãi suất là cần phải dè chừng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới