Thứ Năm, 9/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại nói chuyện người Việt ít đọc sách

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lại nói chuyện người Việt ít đọc sách

Nguyễn Vinh

Lại nói chuyện người Việt ít đọc sách
Nhà văn Lê Văn Nghĩa trao tặng sách cho học trò ở ngôi trường năm xưa ông từng học. Ảnh: Nguyễn Vinh

(TBKTSG Online) – Sắp đến Ngày Sách Việt Nam (21-4), ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4), nhiều hoạt động như hội sách, hội thảo về sách, giao lưu nói chuyện về sách được tổ chức ở các thành phố lớn trong nước. Và có lẽ cũng như mọi năm, chuyện đọc sách của người Việt sẽ lại là đề tài được đưa ra luận bàn.

Thật ra thì không đợi đến ngày Sách Việt Nam, những hoạt động hội sách được mở ở nhiều nơi, vào nhiều thời điểm. “Phát triển văn hóa đọc” thường là "slogan" của những hoạt động này. Tuy nhiên, giới quan tâm đến đời sống thị trường sách vở thì hiểu, ngoài phương châm trên thì những hội sách cũng là dịp để các nhà đầu tư trong thị trường xuất bản có thể kích cầu trong bối cảnh ngành sách vài năm gần đây thực sự khó khăn.

Nhìn rộng hơn, các hoạt động thiện nguyện như xây dựng thư viện cho các miền quê, những dự án đầy sáng tạo của các bạn trẻ như xây dựng những “cây sách” tạo kênh trao đổi sách trong cộng đồng người đọc, kể cả những chương trình xây dựng những tủ sách dòng họ, trao sách thư viện trường học… phát triển khá mạnh mẽ với hy vọng làm giảm độ chênh lệch trong cơ hội tiếp cận sách giữa người thành thị và nông thôn.

Có rất nhiều nỗ lực từ các chương trình này với mong muốn đưa tri thức đến với người nghèo làm thay đổi nhận thức và cuộc sống của họ, phát triển cộng đồng tương lai. Nơi đô thị, đã có những doanh nghiệp xây dựng dự án tặng sách kèm theo sản phẩm hoặc dịch vụ đọc sách miễn phí mới mẻ như thư viện trong các quán cà phê sách, thư viện lưu động… Tất cả vẽ lên một bức tranh khá tốt lành về sự chia sẻ tri thức trong cộng đồng.

Sự tác động tích cực của những chương trình đó chưa thể đo được ngay, nhưng niềm tin về những điều tốt lành từ những hành động đẹp trong xã hội hôm nay là điều rất cần được nuôi dưỡng.

Gần đây, trong một cuộc giao lưu tặng sách cho học sinh trường tiểu học Nguyễn Huệ (quận 6), nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, người đã học ngôi trường này từ năm 1959 cảm động nhớ lại, ngày ấy, trong những phần thưởng cuối năm dành cho học sinh, bao giờ cũng có một hai cuốn sách. Ông nhớ rằng, mình đã được tặng cuốn Vòng quanh thế giới trong 80 ngày của nhà văn Jules Verne. Ông say mê đọc và cuốn sách đã khiến ông mê khám phá văn chương, mê sách, mê viết từ lúc nào không biết. Lê Văn Nghĩa cũng mong niềm say mê đó được lan truyền trong học sinh của ngôi trường này.

Thật thú vị khi khu vực Bảng tin trường tiểu học Nguyễn Huệ bây giờ có một cột Giới thiệu sách. Những quyển sách có khi dành cho giáo viên, nhưng lắm lúc là sách mà các thầy cô đọc và giới thiệu cho học sinh mình cùng đọc. Không biết cái cột giới thiệu sách khiêm tốn như thế hiện có ở những trường học hay không và nếu có thì hiệu quả tới đâu, nhưng ít ra, đó cũng là một dấu chỉ cho thấy nhà trường có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng tình yêu với sách nơi học sinh.

Năm 2013 một thống kê của các thư viện gửi về Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đưa ra con số đáng giật mình: mỗi năm trung bình một người Việt đọc không hết một cuốn sách (cụ thể là 0,8 cuốn),  tỷ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38. Dĩ nhiên, đó là con số tương đối và có gì đó hơi “cào bằng” nhưng cũng có thể là một cảnh báo rằng năng lực tri thức cộng đồng đang có vấn đề.

Và câu hỏi được nêu ra, vì sao như thế, trong khi cơ hội tiếp cận sách (dưới nhiều hình thức, từ thư viện công cộng, mua sách, sách điện tử qua mạng, sách từ các dự án thiện nguyện…) ngày càng dễ dàng?  Niềm đam mê đọc sách phải chăng đang mất đi?

Trở lại câu chuyện với nhà văn Lê Văn Nghĩa ở trường Nguyễn Huệ. Thế hệ của ông nhiều người đã được nuôi lớn đam mê đọc ngay từ trong nhà trường, gia đình, nhờ những hoạt động khuyến khích, chia sẻ văn hóa như thế. Và hẳn rằng, giá trị trí thức, sáng tạo trong xã hội được thừa nhận cũng là một trong những điều có tác động đến niềm đam mê kiếm tìm tri thức hiểu biết qua việc đọc sách của từng cá nhân. Mất đi những điều đó, thì sách vở “mất giá” là điều dễ hiểu.

Đọc sách không phải là một thứ phong trào ồn ào để có thể phất cờ phát động theo kiểu cứ hội hè đình đám nhiều thì sẽ giải quyết được vấn đề. Mà trước hết, là phải có những thay đổi thực sự trong phương thức giáo dục, xây dựng thói quen rèn luyện và khuyến khích niềm đam mê đọc từ sớm, và sau đó, xa hơn, là sự giữ gìn những giá trị tinh thần tốt đẹp trong đời sống để người ta tìm đến sách vì thấy những gì tốt đẹp trong sách còn nghĩa lý trước vô số thứ chọn lựa thực dụng và nhất thời khác trong đời.

Xem thêm:

Đọc sách và leo núi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới