Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lại phải nhìn thẳng vào sự thật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lại phải nhìn thẳng vào sự thật

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – “Nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và có xu hướng xấu đi, khủng hoảng nợ công ở các nước phát triển và những khó khăn ở trong nước, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao. Với tư tưởng nhìn thẳng vào sự thật, dự báo tình hình sắp tới tiếp tục khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thừa nhận như trên tại phiên họp ngày 1-10 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội năm 2011, phương hướng năm 2012 và kế hoạch phát triển 2011-2015.

Theo ông bộ trưởng, nhu cầu vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2011-2015 lên tới 500.000 tỉ đồng trong khi khả năng đáp ứng chỉ là 225.000 tỉ đồng. Nhiều dự án đầu tư, do đó, sẽ phải cắt giảm, giãn do thiếu vốn. Ông cũng cho biết, trong khi kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, giảm hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong chín tháng đầu năm 2011 có tới 48.700 doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp đăng ký mới cũng giảm 7,8% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm 4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2010.

Nhìn thẳng vào sự thật – đó không chỉ là cách nhìn của ông bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn được sự chia sẻ của không ít chuyên gia kinh tế, như ông Lê Đăng Doanh, người cho rằng nền kinh tế kể từ năm 1991 chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, xét trên nhiều bình diện và theo nhiều tiêu chí khác nhau. Điều đó đòi hỏi một sự đổi mới tiếp tục và một sự đột phá sâu rộng về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý nhằm thoát ra khỏi thực trạng hiện nay và đưa nền kinh tế, đưa đất nước tiếp tục tiến lên.

Nhìn thẳng vào sự thật – một khẩu hiệu, một tinh thần gắn liền với thời kỳ đầu đổi mới cách đây một phần tư thế kỷ – do vậy đặt bộ máy lãnh đạo nước ta trước nhiệm vụ phải phân tích sâu sắc thực trạng và nguyên nhân của thực trạng, và tìm ra những lối đi mới, cách làm mới không giống với những lối đi, cách làm quen thuộc trong thời gian qua. Bởi, như nhiều phân tích cho thấy, bất ổn của nền kinh tế không phải mới xuất hiện hôm qua mà đã manh nha, đã bắt nguồn từ một số năm trước với tình trạng lạm phát cao trở đi trở lại, với hiệu quả đầu tư biểu hiện qua chỉ số ICOR ngày càng tụt giảm, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách kéo dài, niềm tin vào đồng tiền quốc gia ngày càng suy giảm, đời sống đại bộ phận người dân không được tiếp tục nâng lên mà đang đi xuống…

Trước quá nhiều vấn đề, hay căn bệnh của nền kinh tế như vậy, điều có ý nghĩa quyết định là không thể bằng lòng với những giải pháp tình thế, đối phó mà phải tìm cho ra điểm mấu chốt để đột phá nhằm đạt tới sự ổn định bền vững chứ không phải ổn định nhất thời, trên một nền tảng phát triển mới. Nếu nhìn vào nguyên nhân những bất ổn trong thời gian qua, thì điểm mấu chốt phải chăng là kiên quyết phân bổ lại nguồn lực cho phát triển, thực sự cải cách đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước và đồng thời là cải cách thể chế, chính sách để đạt tới mục tiêu cuối cùng là hiệu quả?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới