Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lại so sánh kiểu xem thường người tiêu dùng

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm qua, 21-2, để giải thích cho việc tăng giá xăng trong mức chấp nhận được, Bộ Tài chính lại dùng theo cách "cổ điển" mà nhiều năm qua, mỗi khi tăng giá xăng lên cao, để trấn an dư luận bộ này hay dùng, tức so sánh giá với các nước trong khu vực(1).

Theo đó, bộ này viện dẫn số liệu của Global Petrol Prices ngày 31-1-2022, rằng giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít. Cách giải thích bằng việc dùng số liệu của nước ngoài để so sánh đã làm không ít người dân và doanh nghiệp bức xúc thông qua comment (bình luận) trên báo chí và mạng xã hội.

Đành rằng giá xăng dầu thế giới tăng thì với độ mở của nền kinh tế Việt Nam, giá xăng tăng không ít thì nhiều là lẽ đương nhiên. Thế nhưng cách lập luận của các cơ quan quản lý nhà nước lâu nay bằng việc so sánh giản đơn với giá cả các nước và nó lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người dân và doanh nghiệp cảm thấy rất khó chịu.

Không chỉ giá xăng mà nhiều khi, để dọn đường cho việc ban hành chính sách giá mới đối với một mặt hàng mà Nhà nước cần quản lý giá, các nhà quản lý chỉ đơn giản dịch từ báo chí hay trang web các tổ chức nước ngoài để cho rằng giá trong nước còn thấp so với khu vực, so với các thị trường có cùng mặt bằng kinh tế như Việt Nam.

Chẳng hạn giá xăng như đã viện dẫn ở trên, nếu so sánh các nước trong khu vực đang ở mức cao và họ đã tăng từ trước khi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu hôm 21-2-2022 khá khập khiễng. Doanh nghiệp và người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi vậy tai sao, bộ này không thử so sánh luôn giá bán các phương tiện dùng xăng dầu, nhất là ô tô, xe máy ở các nước trong khu vực ra sao?

Lâu nay ai cũng biết, ô tô, xe máy ở các quốc gia trong khu vực quy ra tiền Việt thường thấp hơn Việt Nam, có khi 1 chiếc xe ô tô ở Thái Lan tính ra tiền Việt 500 triệu đồng nhưng cũng chiếc ấy, ở thị trường Việt Nam có khi 700-800 triệu đồng.

Giá cả một mặt hàng ở mỗi thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ độ mở của thị trường, thuế phí, thu nhập người dân, sức mua, trình độ sản xuất… Chẳng hạn cùng một mặt hàng nhưng ở các nước có chung đường biên giới trên bộ, trên biển với Việt Nam lại rất khác nhau, vậy nên mới có chuyện đường giá rẻ của Thái tràn vào Việt Nam; hay giới kinh doanh phụ tùng ô tô hay nhập lậu thiết bị, phụ tùng ô tô từ Campuchia.

Vậy nên người tiêu dùng có quyền cho rằng cách so sánh hay lặp đi lặp lại như trên là phiến diện và trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể so sánh giá cả, thuế phí… khá dễ dàng.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi cách thuyết phục khoa học hơn với người tiêu dùng và doanh nghiệp một khi ban hành chính sách mới về giá cả thị trường.

------------

https://tienphong.vn/bo-tai-chinh-gia-xang-dau-viet-nam-van-thap-hon-nhieu-nuoc-trong-khu-vuc-post1417789.tpo

 

4 BÌNH LUẬN

  1. Sao các ông không so sánh giá oto của Việt Nam với các nước? Thu nhập của người Việt Nam có bằng họ không? Trong khi các loại thuế phí chiếm tới 10 ngàn đồng trong giá thành mỗi lít xăng. Nền kinh tế rất cần hỗ trợ để phục hồi sau đại dịch. Giá xăng tăng cao thu ngân sách tăng. Nhưng sẽ đẩy mặt bằng giá tăng, dẫn đến lạm phát. Đáng lo hơn, sẽ gia tăng nạn buôn lậu xăng dầu .

  2. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Lào/ Campuchia… đâu có lợi thế như VN là quốc gia dầu khí ? Nguyên tắc là phải tuân thủ quy luật thị trường, giá cả thì không thể tùy tiện chủ quan muốn thay đổi là được. Nhưng sắc thuế đánh lên xăng dầu phải bắt buộc điều chỉnh ngay. Nhất là nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, bởi đây không phải là mặt hàng xa xỉ/ bia bọt… mà là hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống dân sinh, xã hội. Bộ cần thể hiện đúng vai trò tham mưu chính sách trong những thời điểm như thế này.

  3. Giá xăng tăng, lạm phát rồi sẽ tăng cao, F0 tăng vọt, thu ngân sách qua thuế và phí xăng dầu tăng. Nhưng thu nhập của đa số người lao động lại giảm sâu. Người dân và nền kinh tế lãnh đủ. Hơn lúc nào hết, khẩu hiệu LỢI NHUẬN HÀI HÒA, RỦI RO CŨNG CHIA SẺ cần được Chính phủ thực thi trong lúc này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới