Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất cao ảnh hưởng việc mua lúa  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất cao ảnh hưởng việc mua lúa  

Nông dân thu hoạch lúa đông xuân-Ảnh: HỒNG VĂN

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL than phiền lãi suất ngân hàng tăng cao đã tác động xấu tới việc huy động vốn để mua lúa gạo từ nông dân.

Hiện các tỉnh vùng ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân chín rộ, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tuyên bố dành ra 6.000 tỉ đồng cho việc vay vốn mua lúa gạo.  

Tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo 32 tỉnh, thành phía nam tổ chức hôm 7-4 tại TPHCM bàn về phát triển kinh tế và kiềm chế lạm phát, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ngành ngân hàng sẽ dành ra 6.000 tỉ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa vụ đông xuân.   

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lúa gạo lại cho rằng, cái họ quan tâm hiện nay không phải là vốn mà là lãi suất vay. Ông Võ Văn Hoà, Giám đốc Công ty Kilimex, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, nói: “bây giờ chúng tôi quan tâm nhiều nhất là lãi suất vay vốn tín dụng ngân hàng chứ không phải là hạn mức tín dụng”.  

Mọi khi, Kilimex vay vốn tín dụng mua lúa của nông dân với lãi suất xung quanh mức 1%/tháng đối với tiền đồng Việt Nam và 7%/năm đối với đồng đô la Mỹ nhưng vụ đông xuân năm nay, lãi vay tiền đồng lên tới 1,45-1,55%/tháng và vay bằng đô la Mỹ là 9%/năm.  

Ông Hoà cho biết công ty của ông vay chủ yếu theo phương thức thế chấp tài sản, nên hạn mức vay không thay đổi, còn vay theo hợp đồng xuất khẩu (có tín dụng thư L/C) cũng vẫn như mọi năm nhưng khác chăng là lãi suất cao.  

Hàng năm, Kilimex xuất khẩu 20.000-30.000 tấn gạo, cần một lượng vốn tín dụng lớn để mua lúa cấp tập trong thời gian ngắn khi mùa vụ thu hoạch đến. Nhưng năm nay, đến thời điểm này Kilimex chỉ vay vốn tín dụng chưa đầy 1 triệu đô la Mỹ.  

Lãi suất cao đã làm chùn chân các doanh nghiệp xuất khẩu gạo như Kilimex, nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Đồng Tháp, Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Long đều than phiền lãi suất ngân hàng cho vay mua lúa hiện quá cao.  

Để giải quyết bài toán thiếu vốn và tránh lãi suất cao, ông Hoà đã chọn giải pháp ứng vốn của nhà nhập khẩu sau khi có hợp đồng, theo phương thức cứ ký hợp đồng bán 1.000 tấn gạo thì nhà nhập khẩu ứng trước vốn để mua 800-900 tấn gạo, phần còn lại công ty ông tự xoay xở. “Nhà nhập khẩu tính lãi phần vốn ứng trước vào giá mua gạo nên giá xuất khẩu sẽ thấp hơn một chút nhưng còn hơn là chịu lãi suất cao của ngân hàng”, ông nói.  

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khẳng định có nhiều doanh nghiệp hội viên hiện đang thiếu tiền mặt mua lúa, nên chỉ mua cầm chừng; nhưng không phải do ngân hàng không cho vay mà vì lãi suất quá cao, nếu họ vay vốn mua lúa thời điểm này sẽ bị thua lỗ.  

Lãi suất ngân hàng mà các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đang vay ở mức 1,3-1,8%/tháng được bà Nguyệt cho là quá cao, không phù hợp với vay vốn mua lúa để tạm trữ trong kho cho xuất khẩu cả năm.  

Vụ lúa đông xuân năm nay cả nước gieo cấy được 2,932 triệu héc ta, bằng 99,8% so với vụ đông xuân trước, trong đó miền bắc 1,064 triệu héc ta, bằng 97,3%; miền nam 1,867 triệu héc ta, bằng 101,3% cùng kỳ.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới