Thứ Năm, 19/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất của Fed lên mức cao nhất 16 năm, có dấu hiệu ngừng tăng thêm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên biên độ 5-5,25%, mức cao nhất trong 16 năm, nhưng báo hiệu có thể dừng việc tăng thêm chi phí vay trong thời gian tới. Quyết định hôm 3-5 của Fed đánh dấu lần tăng lãi suất thứ mười liên tiếp nhằm chống chọi với tình trạng lạm phát cao dai dẳng.

Hôm 3-5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên biên độ 5-5,25%, mức cao nhất trong 16 năm. Ảnh: AP

Trong một dấu hiệu cho thấy các quan chức Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất sau động thái mới nhất, thông báo hôm qua của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed,  lược bỏ cụm từ “chính sách tăng lãi thêm lãi suất có thể phù hợp”, vốn xuất hiện trong thông báo chính sách hồi tháng 3.

Thay vào đó, các quan chức Fed cho biết họ sẽ theo dõi sự phát triển của thị trường tài chính và kinh tế cũng như tác động của việc tăng lãi suất trước đó “để xác định mức độ củng cố chính sách bổ sung phù hợp để đưa lạm phát trở lại mức 2% theo thời gian”.

Dù vậy, vẫn chưa chắc chắn Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 6 tới khi FOMC lưu ý rằng “lạm phát vẫn tăng” và số lượng việc làm vẫn “đang tăng với tốc độ mạnh mẽ”.

Các quan chức Fed đã cân nhắc dừng tăng lãi suất trong cuộc họp hồi tháng 3 sau khi cú sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng cuối cùng, họ quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vì nhận thấy rằng rủi ro lây lan khủng hoảng ngân hàng tạm thời được kiểm soát.

Nhưng động thái Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) tiếp quản ngân hàng First Republic Bank và bán lại cho cho JPMorgan Chase hôm 2-5 cho thấy căng thẳng của ngân hàng vẫn đang gây áp lực lên nền kinh tế.

Fed chống lạm phát bằng cách làm chậm nền kinh tế thông qua việc tăng lãi suất. Điều này khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn như chi phí vay cao hơn, giá cổ phiếu thấp hơn và đồng đô la mạnh hơn. Căng thẳng của ngành ngân hàng dự kiến sẽ làm thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính, nhưng rất khó dự đoán mức độ của bất kỳ cuộc khủng hoảng tín dụng nào.

Cho đến nay, các quan chức Fed cố gắng tìm kiếm những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nền kinh tế đang hạ nhiệt để làm căn cứ cho quyết định chấm dứt chiến dịch thắt chặt tiền tệ. Nhưng sau tuần này, điều đó có thể đảo ngược. Bây giờ, họ có thể cần nhìn thấy các dấu hiệu tăng trưởng, tuyển dụng và lạm phát mạnh hơn dự kiến để tiếp tục tăng lãi suất.

“Trong tương lai, chúng tôi sẽ áp dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để xác định mức độ phù hợp của việc củng cố chính sách bổ sung”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói tại một cuộc họp báo chiều 3-5.

Scott Ladner, Giám đốc đầu tư của Horizon Investments, nói: “Đối với chúng tôi, đây có thể là điểm kết thúc của chu kỳ tăng lãi suất. Fed chỉ có thể tăng lãi suất vào tháng 6 tới nếu xuất hiện các con số lạm phát thực sự tệ hại”.

Tại cuộc họp chính sách hồi tháng 3, các nhà kinh tế của Fed dự báo Mỹ sẽ hứng chịu suy thoái bắt đầu vào cuối năm nay do tác động từ cơn hỗn loạn của ngành ngân hàng. Kể từ đó, nền kinh tế Mỹ chỉ chứng kiến những dấu hiệu hạ nhiệt khiêm tốn, bao gồm chi tiêu của người tiêu dùng và hoạt động của nhà máy im ắng hơn. Cơ hội việc làm giảm trong tháng 2 và tháng 3, cho thấy thị trường lao động đã suy yếu một chút.

Trong khi đó, hoạt động tuyển dụng ổn định và tăng lương nhanh chóng có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân  (PCE), thước đo lạm phát mà Fed quan tâm nhiều nhất, tăng 4,2% trong tháng 3 so với một năm trước đó, giảm so với mức tăng 5,1% của tháng 2. Fed đặt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% theo thời gian.

Thị trường nhà ở , một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lãi suất hồi năm ngoái, đã có một số dấu hiệu cải thiện. Điều này cho thấy Fed gặp khó khăn như thế nào trong nỗ lực hạ nhiệt các hoạt động kinh tế.

Gần đây, các quan chức Fed phát đi các tín hiệu bất đồng ngày càng tăng đối với triển vọng chính sách. Một số quan chức Fed kêu gọi thận trọng hơn về việc tăng lãi suất do tác động trễ của cuộc khủng hoảng ngân hàng và các đợt tăng lãi suất trước đó của Fed. Những quan chức khác lại lo ngại việc dừng tăng lãi suất sớm có thể khiến hoạt động kinh tế và lạm phát tiếp tục mạnh lên.

 Theo WSJ, Bloomberg

1 BÌNH LUẬN

  1. Chuyện chưa từng có. Lãi suất FED đã tương đương với lãi suất điều hành của NH Nhà nước ở ta. Chỉ có một sự khác biệt, đó là lạm phát Mỹ cao hơn ta (8% / 4%). Nghĩa là, về nguyên lý, để khống chế lạm phát thì cần phải tăng lãi suất. Nhưng không nhất thiết lãi suất lúc nào cũng phải cao hơn mức lạm phát hiện hành. Nguyên tắc lãi suất dương có lẽ không phải lúc nào cũng đúng ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới