Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất đang giảm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất đang giảm

Khách hàng đang xem bảng lãi suất ở ACB.

(TBKTSG) – “Trong tuần này chúng tôi sẽ cắt giảm lãi suất huy động thêm một lần nữa. Chúng tôi đang cân nhắc mức giảm có thể còn 16,5%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng” – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà “bật mí” với TBKTSG vào đầu tuần này.

Ba lần trước BIDV cũng là ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất đầu ra, cả tiền đồng và ngoại tệ. Lần gần đây nhất, khi BIDV hạ lãi suất cho vay xuống 17,5%/năm, ngay sau đó một số tổ chức tín dụng cổ phần, như Eximbank, cũng đưa ra lãi suất ưu đãi ở mức tương tự.

Nhiều ngân hàng không tuyên bố công khai, nhưng những doanh nghiệp có uy tín tín dụng tốt cho biết họ có thể vay được lãi suất ở mức của BIDV. Các ngân hàng đang thừa vốn khả dụng, tuy mức độ thừa chưa lớn, nên việc giảm lãi suất để đưa vốn ra là hoàn toàn hợp lý.

Việc hạ lãi suất cho vay sẽ khiến cho doanh thu của BIDV năm nay giảm 650 tỉ đồng. Lãi suất giảm càng nhiều, doanh thu của BIDV càng thấp, và lợi nhuận cũng sẽ giảm tương ứng. Không phải ngẫu nhiên BIDV và một số ngân hàng khác lại làm như vậy.

Thứ nhất, dù không giảm lãi suất cơ bản, nhưng các động thái gần đây hỗ trợ ngân hàng thương mại như tăng lãi suất dự trữ bắt buộc hai lần, từ 1,2% lên 5%/năm (tăng hơn 400%) và cho phép sử dụng tín phiếu bắt buộc giao dịch trên thị trường mở, được xem như Ngân hàng Nhà nước đang ngầm thúc giục các ngân hàng hạ lãi suất đầu ra.

Việc giữ nguyên lãi suất cơ bản đã trao cho các ngân hàng một biên độ dao động lãi suất thương mại lớn và quyền tự do nhiều hơn trong việc chọn lựa khách hàng.

Thứ hai, bản thân các ngân hàng đã sớm nhận ra với giá thành đồng vốn đi vay quá cao cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn đang có hiệu lực, doanh nghiệp đang ngày một khó khăn, hay nói đúng hơn là kinh doanh của nhiều công ty đang sa sút.

Đáng quan ngại là tốc độ sa sút diễn ra ngày một nhanh. Không ít công ty niêm yết (bắt buộc phải công khai báo cáo tài chính hàng quí) có lợi nhuận sau thuế quí 2 thấp hơn quí 1 và bây giờ quí 3 thấp hơn quí 2. Có nhiều công ty thiếu cả vốn lưu động. Chính vì thế trong tháng 7-8 khi VN-Index tăng điểm, ngay lập tức đã có hàng chục công ty phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn.

Thậm chí hiện nay, khi thị trường đang “phân vân” trước ngưỡng 400 điểm, một số công ty vẫn kiên trì huy động vốn qua kênh chứng khoán. Rõ ràng nhu cầu về vốn với giá thành hợp lý đang tăng, nhất là trong những tháng cuối năm doanh nghiệp phải lo nguyên liệu, hàng hóa phục vụ Tết hoặc gối đầu năm sau.

Nếu ngân hàng không “bóp bụng” bằng cách hạ lãi suất nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thì họ cũng không thể vượt qua giai đoạn thử thách hiện tại. Một số ngân hàng còn gia tăng nguồn cung ngoại tệ cho thị trường trong nước khi rút ngoại tệ từ nước ngoài về theo chỉ đạo rà soát vốn của Chính phủ.

Ông Hà cho biết BIDV đã rà soát và rút về toàn bộ (trừ ngoại tệ gửi để đảm bảo thanh toán nhập khẩu hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp) tiền gửi ngoại tệ cũng như các khoản đầu tư ở nước ngoài. Hiện BIDV đang xem xét tái đầu tư ở những địa chỉ đáng tin cậy, có bảo hiểm. Một số ngân hàng cổ phần tuy chưa rút về do số tiền gửi ở nước ngoài không lớn, nhưng đã gia tăng hạn mức bảo hiểm quốc tế.

Còn nhớ đầu năm khi đô la Mỹ trượt giá mạnh so với tiền đồng và lãi suất ngoại tệ tăng cao, Vietcombank đã rút từ ngoài về cả tỉ đô la để cho vay trong nước. Ngoài việc đề phòng rủi ro, việc kiểm soát và rút vốn linh hoạt về phục vụ thị trường nội địa là một chuyển động đáng ghi nhận của các ngân hàng.

Điều nên nói lúc này có lẽ là tốc độ giảm lãi suất và đưa vốn ra của các ngân hàng cần nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa. Những yếu tố đang “níu kéo” Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh lãi suất cơ bản như lạm phát cuối năm có thể tăng trở lại do giá lúa gạo trong nước không còn đứng ở mức thấp thời gian qua, do giá xăng chưa giảm theo giá quốc tế, do khả năng tăng trở lại của những nguyên liệu trên thị trường thế giới như phân bón, sắt thép, hạt nhựa… đang ngày một yếu đi bởi suy thoái kinh tế đe dọa châu Âu, châu Mỹ.

Những lo lắng về lạm phát vẫn còn, nó chưa thể nhanh chóng qua đi hẳn, nhưng dường như lo lắng về tăng trưởng kinh tế đang tăng lên và các ngân hàng là người cảm nhận điều này rõ rệt hơn ai hết qua dòng chảy vốn. BIDV, theo lời ông Hà, sẽ còn điều chỉnh lãi suất thương mại một vài lần nữa tùy tình hình thị trường.

Và như vậy có thể dự đoán mặt bằng lãi suất trong những tháng còn lại của năm và quí một năm sau sẽ gần hơn với lãi suất bình quân 12-14%/năm của năm 2007.

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới