Chủ Nhật, 21/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất điều hành giảm xuống, áp lực giải ngân tăng lên

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc Ngân hàng Nhà nước ngay lập tức giảm lãi suất điều hành sau khi Fed ngừng tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 3-2022, không chỉ cho thấy sự linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ, mà còn phản ánh áp lực giải ngân vốn ngày càng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi của nền kinh tế.

Tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế không chỉ dựa vào việc giảm lãi suất điều hành. Ảnh minh họa: L.V.

Fed ngừng tăng lãi suất, NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành

Trong cuộc họp giữa tháng Sáu vừa qua, Ủy ban thị trường liên bang Mỹ (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên vùng lãi suất 5-5,25% hiện tại. Động thái này được thị trường dự báo từ trước, đã chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp từ tháng 3-2022 trong mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tại Việt Nam, ngay sau khi Fed ngừng tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm lãi suất điều hành lần thứ tư vào ngày 16-6, lần giảm thứ hai trong vòng một tháng và là lần giảm thứ tư kể từ tháng 3 đến nay. Đợt này giảm 50 điểm cơ bản của một số loại lãi suất (như tái cấp vốn, tái chiết khấu,…), còn trần lãi suất huy động, một trong những loại lãi suất điều hành quan trọng nhất, chỉ giảm 25 điểm cơ bản, xuống mức 4,75%/năm.

Động thái giảm lãi suất lần này được NHNN lý giải đặt trong bối cảnh trong 5 tháng đầu năm, nhiều chỉ số kinh tế tăng thấp hơn cùng kỳ phản ánh tác động tiêu cực từ cầu nước ngoài suy giảm mạnh và những khó khăn nội tại của nền kinh tế.

Còn lạm phát cũng trở nên “dễ thở” hơn khi lạm phát (so với cùng kỳ) giảm xuống 2,43% trong tháng 5 từ mức 4,89% trong tháng 1 (giảm liên tiếp trong tháng 3, tháng 4 và gần như không thay đổi trong tháng 5). Tương tự, lạm phát cơ bản cũng giảm xuống mức 4,54% trong tháng 5. Điều này khiến cơ quan quản lý nhận định lạm phát bình quân cả năm 2023 về mức 4,5% là tương đối khả thi.

“Lạm phát cơ bản thấp hơn nhiều so với mục tiêu, cho phép ngân hàng trung ương tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động, củng cố chu kỳ tiền tệ hỗ trợ trong bối cảnh dữ liệu vĩ mô trì trệ”, ông Huy đánh giá”, ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích vĩ mô, Công ty chứng khoán Maybank IB nhận định.

Động thái giảm lãi suất lần này được các chuyên gia đánh giá là khá bất ngờ khi phần lớn cho rằng mốc thời gian cắt giảm tiếp theo sẽ là vào quí 3. Một điểm đáng chú ý khác là lần giảm trần lãi suất huy động lần này chỉ 25 điểm cơ bản, thay vì hai lần trước là 50 điểm cơ bản. “Điều này cho thấy đây là một quyết định thận trọng và phù hợp”, ông Huy đánh giá thêm.

Phản ứng của thị trường chứng khoán trong phiên cuối tuần cũng là điểm đáng chú ý. Thị trường tăng mạnh trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 16-6 nhờ dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, giúp chỉ số Vn-Index có thời điểm lên sát vùng 1.130 điểm, vùng giá cao nhất từ đầu năm.

Tuy nhiên, sau khi công bố thông tin hạ lãi suất điều hành, đà tăng điểm thu hẹp dần khi nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời. Thị trường quay đầu giảm điểm vào cuối phiên, kéo dài chuỗi ba phiên giảm liên tiếp sau giai đoạn tăng nóng kể từ đầu tháng 6.

Nhìn lại lịch sử, thị trường cũng từng điều chỉnh giảm sau ba lần giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm. Giảm lãi suất điều hành là một thông tin tốt, nhưng được các chuyên gia gần đây đánh giá là chưa đủ để “kích cầu” nền kinh tế hiện đang đối diện với áp lực vĩ mô không nhỏ.

Áp lực giải ngân

Thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện đang dư thừa, chưa tính đến việc NHNN liên tục mua vào đô la Mỹ giúp ổn định tỷ giá. Dòng tiền huy động từ thị trường 1 tăng dồi dào trong khi tín dụng khó đẩy ra thị trường là điều đáng lo ngại.

Trong chia sẻ gần đây, một Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP không tham gia kênh trái phiếu doanh nghiệp và có dư nợ lĩnh vực bất động sản thấp, đánh giá rằng hiện giờ ngân hàng ông có “quyền” lựa chọn khách hàng tốt để cho vay, đồng thời cũng phải thận trọng để “tránh” những khách hàng muốn vay chỉ để đảo nợ. Tính đến tháng 5, tín dụng tại nhà băng này vẫn tăng trưởng ở mức khá thấp.

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp, người dân hạn chế đi vay để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Từ phía NHNN, thông cáo phát đi lần này tập trung lý giải nhiều hơn về việc giảm lãi suất điều hành là nhằm hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế.

“Quyết định của NHNN trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng của Tổ chức tín dụng lần này tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ”, văn bản NHNN có đoạn.

Giảm nhanh lãi suất điều hành là một thông tin vĩ mô tích cực, nhưng cho thấy áp lực tổng thể trên thị trường vẫn chưa giãn bớt. Thực tế, các chuyên gia đánh giá qua ba lần giảm lãi suất điều hành trước, ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất huy động, nhưng tốc độ giảm lãi suất cho vay không tương ứng. “Việc giảm lãi suất cho vay trong nước nhưng không đạt tốc độ như mong đợi và lãi suất cho vay thực tế vẫn tăng do quỹ chi phí cao được chuyển tiếp từ quí 4-2022”, ông Huy, Chứng khoán Maybank IB, đánh giá.

Còn đại diện NHNN cho rằng việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành của NHNN khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó “định hướng tổ chức tín dụng mạnh dạn và quyết liệt hơn” trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân.

Khó khăn về câu chuyện điều hành lãi suất vẫn chưa dừng lại. Mặc dù ngừng tăng lần này, nhưng phần lớn quan chức của Fed cũng đưa ra thông điệp sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản trong những tháng cuối năm nay. Trên thực tế, sau cuộc sụp đổ của những ngân hàng Mỹ hồi tháng 3, thị trường kỳ vọng rằng lãi suất sẽ giảm thấp hơn mặt bằng hiện nay, nhưng kịch bản này rõ ràng ngày càng xa vời.

Trong diễn biến có liên quan mới đây, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức cao nhất trong 22 năm, trong khi Trung Quốc giảm một số loại lãi suất điều hành. Điều này cho thấy diễn biến thị trường tiền tệ toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ còn phức tạp.

Áp lực lên Việt Nam vẫn là câu chuyện của lạm phát. Lãnh đạo NHNN cho biết lạm phát cơ bản hiện vẫn ở mức khá cao, trong khi lạm phát toàn cầu được dự báo còn tiếp tục duy trì ở mức cao, còn các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, neo giữ lãi suất ở mức cao. Trước đó, nhiều lãnh đạo ngân hàng đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm nhiều hơn vào quí 3 và quí 4, tuy nhiên cũng khó có khả năng giảm quá sâu, mà còn phụ thuộc nhiều vào lãi suất đồng đô la Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới