Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất, đô la giá cao làm khó doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất, đô la giá cao làm khó doanh nghiệp

Minh Tâm

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn ngay dịp đầu năm mới. Ảnh minh họa: Minh Tâm

(TBKTSG Online) - Sau quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vừa qua, nhiều người dự đoán nguồn cung đô la sẽ dồi dào hơn do giảm bớt tình trạng găm giữ. Nhưng hiện tại, một số doanh nghiệp nhận định vẫn khó tiếp cận nguồn đô la theo giá niêm yết của ngân hàng. Mặt khác, lãi suất ngân hàng cao cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp lo lắng.

Vẫn phải mua đô la giá cao

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ga cho hay, trên thực tế ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, công ty ông khi mua đô la Mỹ tại ngân hàng vẫn phải chịu mức tương đương như ngoài thị trường tự do, nghĩa là phần chênh lệch giữa giá niêm yết và giá thực trả được quy về các loại phí.

Ông này cho rằng, có khác chăng chỉ là phần vênh giữa tỷ giá “chợ đen” với ngân hàng gần nhau hơn nên phần phí cũng được giảm đi. “Ví dụ, trước đây khi tỷ giá niêm yết là 19.500 đồng/đô la thì phần phí có thời điểm gần 2.000 đồng/đô la. Nay, tỷ giá liên ngân hàng lên 20.000 đồng thì phí rút xuống 600 đồng/đô la”, ông này nói.

Trong những ngày qua, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã liên tục được đẩy lên. Ngày 15-2, giá đô la “chợ đen” phổ biến ở mức 21.630 - 21.700 đồng. Ông Nguyễn Thanh Nhân, Phó giám đốc Công ty TNHH Ngọc Kim Châu, chuyên nhập khẩu các mặt hàng phụ gia thực phẩm, nói rằng trong vài ba tháng tới, khi lượng hàng tồn đã hết, doanh nghiệp cần nhiều đô la Mỹ để nhập hàng trong khi dự trữ ngoại tệ thấp, ngân hàng không đáp ứng đủ thì chuyện giá đô la trên thị trường tự do tăng thêm so với hiện nay và chênh lệch nhiều với tỷ giá niêm yết là chuyện khó tránh khỏi.

Lo gần, lo xa

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất nhựa Duy Tân cho hay: ban lãnh đạo đơn vị này những ngày vừa qua đã họp bàn liên tục để bàn tính kế hoạch 3 tháng tới. Tuy nhiên, đang rất bối rối, chưa quyết định cụ thể được điều gì bởi quá nhiều yếu tố khó khăn. Theo ông Tuấn, ngoài vấn đề tỷ giá, doanh nghiệp còn đau đầu với việc lãi suất ngân hàng đang tăng, lên mức 18% - 20%/năm.

Trong làm ăn, hầu hết doanh nghiệp đều phải sử dụng vốn vay, nhưng với lãi suất hiện quá cao đã khiến chi phí sản xuất rất lớn. “Tính chung hết, giá đầu vào sẽ tăng rất mạnh. Do vậy, việc điều chỉnh giá bán thành phẩm trong thời gian tới là chắc chắn dù đã phải giảm lợi nhuận đến mức tối đa. Tăng giá có thể ảnh hưởng đến doanh thu nhưng không thể không làm bởi bằng mọi giá phải duy trì sản xuất”, ông Tuấn nói.

Một mặt bằng giá mới được dự đoán sẽ được xác lập trong thời gian tới khi hàng nhập khẩu lẫn hàng sản xuất trong nước đều khó tránh khỏi việc tăng giá. Ảnh: Minh Tâm

Bên cạnh đó, thông tin giá điện, xăng dầu chuẩn bị tăng cũng đang khiến doanh nghiệp lo lắng. Ông Trần Anh Huy, giám đốc doanh nhân tư nhân Huy Phát, chuyên sản xuất nguyên liệu thô cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi, tính toán rằng, điện chuẩn bị tăng 18%, xăng dầu có thể tăng ít nhất 10% sẽ khiến các yếu tố đầu vào cho sản xuất tăng không dưới 10%. Ông Huy cho biết, trong cơ cấu giá thành sản xuất của sản phẩm công ty này, điện chiếm 40-45% cho vận hành máy nghiền, máy đóng gói bao bì; xăng dầu chiếm 10-15% cho vận chuyển…

Theo các doanh nghiệp sản xuất, việc tăng giá bán là điều tất yếu. Với doanh nghiệp thương mại, việc tăng giá có thể thực hiện ngay theo kiểu “nước lên thuyền lên” nhưng đơn vị sản xuất lại phải phụ thuộc vào đơn hàng, thời điểm. Ít nhất là phải một tháng sau khi đầu vào tăng mới có thể điều chỉnh giá, nghĩa là phải chấp nhận giảm lợi nhuận trong thời gian chờ đợi.

Các doanh nghiệp cho biết, tất cả những yếu tố trên đã khiến họ phải tính toán lại các kế hoạch nhập hàng, sản xuất gối đầu. Ông Nhân của Ngọc Kim Châu nói, các doanh nghiệp nhập khẩu như công ty ông sẽ phải tính toán kỹ càng khi nhập hàng. Đó là phải nhìn vào thị trường, vào khả năng “nuốt” hàng cũng như sức chịu đựng của người tiêu dùng để quyết định. Đồng thời, mua của ai, mua khi nào, mua số lượng bao nhiêu sẽ phải được cân đo đong đếm, phân tích tới lui. Ông Huy của Huy Phát nói rằng chỉ dám trữ lượng hàng từ nửa tháng đến một tháng, thay vì ba tháng như thời điểm lãi suất thấp.

Tuy nhiên, tâm lý chung của doanh nghiệp là nằm im, co cụm, nghe ngóng chờ cơ hội hơn là mạnh tay đầu tư mới hay đẩy mạnh hoạt động bởi quá nhiều rủi ro. “Nếu tình trạng này kéo dài chừng 6 tháng sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế cũng như ảnh hưởng đến người lao động. Vì vậy, mong sớm có những bước đi cần thiết của cơ quan quản lý, quan trọng nhất là ổn định tâm lý cho người dân, doanh nghiệp”, các doanh nghiệp nêu ý kiến.

Mặt bằng giá mới đang hình thành

Theo các doanh nghiệp, tỷ giá tăng, lãi suất lên cao, chi phí điện, xăng dầu chuẩn bị điều chỉnh, giá hàng loạt nguyên liệu sản xuất như nhựa, giấy, bông, thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới tăng mạnh sẽ là những nguyên nhân trực tiếp đưa giá các sản phẩm nhập ngoại nguyên chiếc lẫn hàng hóa sản xuất trong nước từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu lên giá. Một mặt bằng giá mới đang hình thành và càng rõ rệt trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới