Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng nhanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng nhanh

Thảo Nguyên

Lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng nhanh
Ngân hàng tăng huy động vốn kỳ hạn dài. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG Online) – Trong khi lãi suất huy động dưới 6 tháng vẫn xoay quanh mức 5%/năm, thì ở những kỳ hạn dài hơn như 9 tháng trở lên, lãi suất đã tăng khá nhiều so với đầu năm nay, có ngân hàng huy động đến 7,3% cho kỳ hạn 12 tháng.

Ở phần lớn các ngân hàng nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm phần trăm so với tháng trước, và khoảng 1 điểm phần trăm so với đầu năm. Lãi suất huy động cao thuộc về các ngân hàng đang tái cơ cấu như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GBBank) và Ngân hàng Xây dựng (VNCB), lên tới 7,3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ, cao hơn mặt bằng chung của các ngân hàng khoảng 0,7 -1 điểm phần trăm. Các ngân hàng TMCP như Vietcombank, ACB, Eximbank… huy động ở kỳ hạn này khoảng 6-6,5%.

Theo Phó Tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại Hà Nội, trong thời điểm này, nhu cầu vay vốn kỳ hạn dài của doanh nghiệp đang tăng lên, trong khi trước nay ngân hàng chủ yếu huy động được ở kỳ hạn ngắn. Vì vậy ngân hàng ông cũng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng lên trên mức 7%/năm, để có thêm nguồn vốn cho vay trung, dài hạn. Hiện tại lãi suất cho vay trung dài hạn của ngân hàng ông khoảng từ 9-11%, tùy thời gian vay.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại các ngân hàng ở TPHCM. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, nhiều ngân hàng trên địa bàn đã tăng dần lãi suất huy động đầu vào để khắc phục tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Theo ông Minh, cho vay trung dài hạn đã tăng rất nhanh, nếu đến cuối năm ngoái, cho vay trung dài hạn chỉ chiếm 48,6% trong tổng dư nợ cho vay tại TPHCM, thì đến hiện nay cho vay trung dài hạn chiếm đến 54%, cao hơn cả cho vay ngắn hạn.

Đây là diễn biến mới cho thấy sự phục hồi sản xuất của doanh nghiệp, sau nhiều năm hoạt động sản xuất bị đình trệ, doanh nghiệp chủ yếu vay vốn lưu động, không dám vay mở rộng đầu tư.

Theo ông Minh, các ngân hàng sau khi huy động ở mức 6,5% – 7,5%/năm, thường cho vay khoảng 9-10%, nhưng cá biệt cũng có những khoản cho vay chỉ vào khoảng 8%, thường dành cho những doanh nghiệp tốt, là khách hàng lâu năm của ngân hàng. Hiện tại NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách giảm biên lợi nhuận giữa huy động và cho vay xuống khoảng 1,5 điểm phần trăm.

Trong khi đó, một doanh nghiệp ngành nhựa cho rằng các ngân hàng nên tính toán để cố định lãi vay cho doanh nghiệp trong 3 năm đầu, còn như hiện tại, các ngân hàng chỉ cố định cao nhất một năm, sau đó lãi suất sẽ thả nổi (thường là bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12-13 tháng cộng biên độ 2-3 điểm phần trăm). Điều này khiến doanh nghiệp không yên tâm vay vì lo ngại lãi suất sẽ tăng trong các năm sau đó.

Theo ông Minh, ở nhiều ngân hàng, cơ cấu huy động vốn trung, dài hạn chỉ mới chiếm dưới 30% tổng vốn huy động. Còn lại là vốn huy động ngắn hạn, lãi suất thay đổi nhanh chóng, điều này khiến các ngân hàng gặp khó khăn nếu cố định lãi suất cho vay cho doanh nghiệp đến 3 năm. “Nếu trong thời gian tới, ngân hàng tăng được tỷ trọng huy động vốn dài hạn thì yêu cầu này của doanh nghiệp có thể thực hiện được”, ông Minh nói.

Trong thời gian qua, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên, nguồn vốn cho vay lĩnh vực này cũng đã tăng cao hơn. Ông Minh cho biết dư nợ cho vay bất động sản của TPHCM đã tăng hơn 3,75% so với cuối năm ngoái. Dư nợ của riêng lĩnh vực bất động sản hiện chiếm khoảng 13% tổng dư nợ. Cơ cấu dư nợ của TPHCM cụ thể là cho lĩnh vực sản xuất khoảng 80%, bất động sản 13%, còn lại là cho vay chứng khoán, tiêu dùng.

Xem thêm:

Tín hiệu đảo chiều của lãi suất

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới