Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất huy động rục rịch đi lên?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Một số ngân hàng bất ngờ tăng lãi suất tiền gửi trở lại trong những ngày cuối tháng 3-2024. Quan sát trên các thị trường khác, mặt bằng lãi suất cũng đang đi lên. Yếu tố nào đang tác động lên xu hướng lãi suất?

VPBank - ngân hàng có quy mô lớn thuộc tốp đầu - tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn một tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại kể từ ngày 27-3. Ảnh: LÊ VŨ

Tín hiệu đầu tiên

Ngân hàng BIDV trong tháng 3 đã giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1-9 tháng, giảm 0,1 điểm phần trăm với kỳ hạn 12-18 tháng, giảm 0,3 điểm phần trăm với kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng. Tương tự, một ngân hàng gốc quốc doanh khác là VietinBank cũng có động thái giảm lãi suất tiền gửi trong tháng 3, với mức giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm tùy kỳ hạn. Đây là lần giảm lãi suất tiền gửi thứ 3 liên tiếp của hai ngân hàng này từ đầu năm 2024 đến nay.

Kể từ sau Tết Nguyên đán 2024, thị trường chứng kiến thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiện tiền gửi kỳ hạn một tháng có lãi suất cao nhất chỉ ở mức 3,3%/năm, kỳ hạn năm tháng là 3,6%/năm - cách xa mức trần 4,75%/năm theo quy định hiện nay. Chênh lệch giữa mức lãi suất bình quân kỳ hạn dưới sáu tháng và trên sáu tháng của các ngân hàng đã thu hẹp về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây ở 1,2 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, có một số tín hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất tiền gửi dường như đã chạm đáy, khi đã có ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi trở lại.

Sự đảo chiều trong chính sách lãi suất tiền gửi của một ngân hàng lớn như Agribank, nhất là ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, từ mức thấp nhất trên thị trường lên mức trung bình cao, phần nào cho thấy triển vọng lãi suất trong dài hạn đứng trước khả năng sẽ đi lên trở lại.

Có thể kể đến như Eximbank bất ngờ tăng lãi suất 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-3 tháng, có hiệu lực từ ngày 22-3. SHB từ ngày 23-3 tăng 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn một tháng và 12 tháng, tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn hai tháng và 18 tháng, tăng 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng. Ngân hàng có quy mô lớn thuộc tốp đầu là VPBank cũng tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn một tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại kể từ ngày 27-3.

Đáng chú ý nhất là Agribank, sau hai lần giảm lãi suất trước đó trong tháng 3, những ngày cuối tháng 3 đã bất ngờ tăng lãi suất trở lại với mức tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-11 tháng, đặc biệt tăng mạnh 0,5 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Sự đảo chiều trong chính sách lãi suất tiền gửi của một ngân hàng lớn như Agribank, nhất là ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, từ mức thấp nhất trên thị trường lên mức trung bình cao, phần nào cho thấy triển vọng lãi suất trong dài hạn đứng trước khả năng sẽ đi lên trở lại.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn qua đêm giữa các tổ chức tín dụng trong ngày giao dịch cuối tháng 3 bất ngờ tăng vọt lên 2,51%, tức tăng đến 220 điểm cơ bản (bps) so với ngày trước đó, với khối lượng giao dịch tăng gấp 2,2 lần. Tương tự, các kỳ hạn ngắn như một tuần, hai tuần và một tháng cũng tăng lần lượt 128 bps, 74 bps và 64 bps so với phiên giao dịch trước đó.

Nếu như sự tăng vọt của lãi suất trên thị trường 2 trong phiên giao dịch cuối tháng có thể phản ánh nhu cầu vay mượn tăng mạnh nhất thời để đáp ứng thanh khoản và các tỷ lệ an toàn cuối tháng/quí, xu hướng đi lên của lãi suất phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phản ánh rõ hơn kỳ vọng của thị trường. Kể từ khi NHNN mở lại kênh phát hành tín phiếu vào ngày 11-3-2024 với lãi suất trúng thầu chỉ 1,4%/năm cho kỳ hạn 28 ngày, phiên giao dịch ngày 1-4-2024 chứng kiến lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng lên mức 2,4%/năm.

Điều gì có thể tác động lên lãi suất?

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 25-3-2024 đã đảo chiều tăng trở lại 0,26%, tăng trưởng huy động vốn vẫn ghi nhận mức sụt giảm 0,76% so với đầu năm. Xét theo số tuyệt đối, dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 133.000 tỉ đồng trong gần ba tháng đầu năm, ngược lại tiền gửi tại các ngân hàng đã giảm xấp xỉ 103.000 tỉ đồng, theo đó chênh lệch mức tăng giữa số dư tín dụng và tiền gửi lên tới gần 236.000 tỉ đồng.

Những diễn biến trên thị trường trái phiếu chính phủ gần đây cũng góp phần phản ánh kỳ vọng của các ngân hàng về xu hướng lãi suất trong dài hạn. Tổng giá trị trái phiếu chính phủ trúng thầu trong tháng 3 vừa qua tuy tiếp tục tăng 16% so với tháng 2, nhưng tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu chỉ đạt 65%, thấp hơn nhiều so với mức 95% của tháng 2, dù lãi suất trúng thầu trong tháng 3 đã tăng lên cao hơn.

Mức độ dồi dào thanh khoản của hệ thống không chỉ bị tác động bởi xu hướng tăng trưởng ngược chiều giữa nguồn vốn huy động đầu vào và giải ngân tín dụng đầu ra, mà còn bị ảnh hưởng bởi động thái liên tục hút ròng của nhà điều hành trên thị trường tín phiếu. Thống kê cho thấy tính từ ngày 11-3 đến hết ngày 1-4, NHNN có 16 phiên phát hành tín phiếu với tổng giá trị hút ròng lũy kế lên đến 171.700 tỉ đồng.

Trong khi kênh tiết kiệm ngân hàng không còn hấp dẫn tại vùng lãi suất huy động thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng hay tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn đang khá sôi động kể từ đầu năm đến nay, khi liên tục chinh phục các đỉnh cao mới. Điều này cũng phần nào lý giải cho hoạt động huy động vốn của các ngân hàng đã chậm lại.

Đáng chú ý, báo cáo quí 1-2024 của Tổng cục Thống kê không có số liệu về tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán như trước đây. Về cơ bản, tăng trưởng trong tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế có những mối tương quan và liên hệ với tốc độ tăng trưởng huy động vốn. Nếu tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng chậm, huy động vốn dĩ nhiên sẽ khó tăng cao.

Những yếu tố kể trên nếu tiếp tục duy trì có lẽ sẽ gây áp lực sâu rộng hơn lên mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng. Tuy nhiên, việc lạm phát vẫn giữ ổn định là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiềm chế lãi suất. Số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2024 giảm 0,23% so với tháng trước, so với tháng 12-2023 thì chỉ mới tăng 1,12%. Tính chung quí 1-2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.

Dù vậy, những diễn biến trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) gần đây cũng góp phần phản ánh kỳ vọng của các ngân hàng về xu hướng lãi suất trong dài hạn. Tổng giá trị TPCP trúng thầu trong tháng 3 vừa qua tuy tiếp tục tăng 16% so với tháng 2, nhưng tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu chỉ đạt 65%, thấp hơn nhiều so với mức 95% của tháng 2, dù lãi suất trúng thầu trong tháng 3 đã tăng lên cao hơn.

Cụ thể, lãi suất trúng thầu TPCP kỳ hạn 10 năm đã tăng từ vùng 2,15-2,28%/năm trong tháng 1 lên 2,29-2,31%/năm trong tháng 2, tiếp đó tăng lên vùng 2,33-2,42%/năm trong tháng 3. Trong khi lãi suất TPCP kỳ hạn 15 năm cũng đi lên, các phiên đấu thầu kỳ hạn dài hơn như 20 năm và 30 năm đều thất bại. Đặc biệt, trong nửa cuối tháng 3, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu chỉ ở mức 51%, còn tỷ lệ đăng ký/gọi thầu chưa đến 75%, trong khi giai đoạn trước giá trị đăng ký thường gấp nhiều lần so với giá trị gọi thầu.

Điều này hàm ý hai điều: các ngân hàng vì thanh khoản không còn dồi dào nên hạn chế hoạt động đầu tư, hoặc khả năng cao hơn là các ngân hàng cho rằng xu hướng lãi suất sắp tới sẽ đi lên trở lại và có thể gặp rủi ro lãi suất, nên không muốn mạo hiểm tăng đầu tư vào các TPCP vốn có lãi suất cố định đang ở mức quá thấp như hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới