(KTSG Online) - Mức lãi suất huy động trong tháng 7 tập trung vào kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng với mức tăng khoảng 0,2%/năm so với tháng 6. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở trong khoảng 6,9 đến 9,3%/năm.
- Lãi suất huy động đang tăng nhanh hơn ở nhóm ngân hàng nào?
- Lãi suất huy động tiền gửi tại nhiều ngân hàng vẫn trên 10%
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu mới nhất về lãi suất tiền gửi và cho vay của các tổ chức tín dụng trong tháng 7-2024. Dù có nhiều đợt điều chỉnh lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại nhưng thực tế cho thấy chỉ có lãi suất ngắn hạn nhích lên nhẹ, còn lãi suất trung và dài hạn vẫn ở mức rất thấp, theo TTXVN.
Lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 2,4 đến 3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 4,4 đến 4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; từ 5,5 đến 6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và từ 6,9 đến 7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Như vậy, mức lãi suất biến động nhiều nhất trong tháng qua tập trung chủ yếu vào kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng với mức tăng khoảng 0,2%/năm so với thống kê hồi tháng 6.
Về lãi suất cho vay, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở trong khoảng 6,9 đến 9,3%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4%/năm.
Lãi suất cho vay đô la Mỹ bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức từ 4,1 đến 5%/năm đối với ngắn hạn và từ 6,3 đến 7,4%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn.