Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất tăng thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ tập trung quản lý vốn lưu động

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lãi suất cao hơn đang gây áp lực lớn với các doanh nghiệp Mỹ trong việc thu hồi dòng tiền mặt từ hoạt động kinh doanh, một lựa chọn rẻ hơn là dựa vào tín dụng. Bằng cách thực hiện các biện pháp như giảm hàng tồn kho hoặc thu các khoản nợ của khách hàng nhanh hơn, doanh nghiệp có thể mở khóa dòng tiền mặt để trả nợ hoặc tài trợ cho các khoản đầu tư.

Quản lý vốn lưu động trở nên cấp thiết hơn đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ trong thời kỳ lãi suất cao vì điều này giúp giảm chi phí vay nợ. Ảnh: Invicta

Theo nhiều lãnh đạo và cố vấn doanh nghiệp, khi lãi suất tăng và chi phí tín dụng tăng, doanh nghiệp Mỹ thấy hấp dẫn hơn khi “vắt” càng nhiều tiền mặt càng tốt từ hoạt động kinh doanh của mình thay vì dựa vào nợ bên ngoài.

“Tiếp cận nguồn tiền riêng của công ty bạn sẽ luôn có chi phí rẻ hơn”, István Bodó, Giám đốc Công ty cố vấn kinh doanh Hackett Group nói.

Hôm 2-11, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, lên biên độ từ 3,75- 4%. Đây là lần thứ tư liên tiếp Fed tăng lãi suất lãi suất ở quy mô như thế này trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong bốn thập niên.

Chi phí tài chính tăng là một trong những yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ cải thiện cách quản lý vốn lưu động, cùng với mức tồn kho cao và lạm phát dai dẳng. Tính đến hôm 2-11, trong số hơn 200 công ty có cổ phiếu nằm trong chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quí 3, giá trị hàng tồn của doanh nghiệp đã tăng 15% so với một năm trước đó, lên 729,2 tỉ đô la Mỹ, theo S&P Global Market Intelligence. Số ngày tồn kho trung bình tăng lên 85,1 ngày so với 78 ngày so với cùng kỳ năm ngoái.

“Khi lãi suất ở mức 0%, việc có lượng tiền mặt dư thừa hoặc sử dụng hạn mức tín dụng sẽ rất dễ dàng và tương đối rẻ. Giờ đây, khi chúng ta đang nhanh chóng tiếp cận môi trường lãi suất 4% hoặc 5%, điều mà chúng ta chưa thấy kể từ năm 2007, các giám đốc điều hành đang xem xét lại dòng tiền của họ”, Greg Kavanaugh, người giám sát phát triển sản phẩm cho các dịch vụ giao dịch toàn cầu tại Ngân hàng Bank of America nói.

Conagra Brands, công ty thực phẩm đóng gói có trụ sở tại Chicago, sở hữu các thương hiệu bao gồm Duncan Hines và Healthy Choice, đang đánh giá các phương án để thu nợ từ khách hàng nhanh hơn.

Trong quí kết thúc vào ngày 28-8, thời gian thu hồi tiền hàng tồn đọng, tức thời gian trung bình mà công ty cần để thu các khoản thanh toán của khách hàng rút ngắn còn 25,9 ngày, cải thiện so với 27,9 ngày vào một năm trước đó, theo S&P Global Market Intelligence.

István Bodó cho biết, quản lý việc thu tiền hàng có thể sẽ là ưu tiên của nhiều công ty hơn trong những tháng tới trước lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế. "Các công ty muốn giảm thiểu rủi ro nợ xấu từ những khách hàng chây ì việc trả nợ", ông nói.

Theo David Marberger, Giám đốc tài chính Conagra Brands, trong khi hiệu quả sử dụng vốn lưu động luôn quan trọng, môi trường lãi tăng khiến chủ đề thu nợ của khách hành ở vị trí cao hơn trong danh sách ưu tiên của Conagra.

Trong quí 3, vòng quay tiền mặt, thời gian ước tính trung bình cần để chuyển vốn lưu động sang tiền mặt, tăng lên mức 61,6 ngày ở các công ty trong chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả tài chính tính đến hôm 2-11, so với 55,4 ngày vào một năm trước, theo S&P.

“Khi lãi suất đã tăng lên đáng kể, các khách hàng doanh nghiệp của chúng tôi càng muốn quản lý hiệu quả nhất có thể với tiền mặt của họ”, Michael Berkowitz, Giám đốc bộ phận giải pháp ngân quỹ và thương mại tại Ngân hàng Citigroup nói.

Phil Fracassa, Giám đốc tài chính Timken Co., nhà sản xuất vòng bi và các sản phẩm truyền động công nghiệp, có trụ sở tại bang Ohio, cho hay việc tìm cách giảm lượng hàng tồn kho ở công ty được coi là một phần của trọng tâm rộng lớn hơn nhằm cải thiện vốn lưu động và hiệu quả tài sản.

Giá trị hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán của công ty đã tăng 16% trong quí kết thúc vào ngày 30-9 so với một năm trước đó, lên 1,13 tỉ đô la Mỹ. Số ngày tồn kho đã tăng lên 129,6 ngày so với 113,7 ngày của cùng kỳ năm ngoái.

“Đây không phải là một vấn đề lớn khi lãi suất ở mức 1% nhưng bây giờ, lãi suất ở mức hơn 4%, thì đó là vấn đề quan trọng”,  Fracassa nói khi ám chỉ đến lãi suất vay ngắn hạn của công ty đã lên mức 4,6%.

Theo đó, quản lý vốn lưu động đang được chú trọng hơn vì các công ty sẽ tốn nhiều chi phí hơn nếu rút các hạn mức tín dụng quay vòng của họ với lãi suất đang cao hơn.

Hàng tồn kho của Goodyear Tire & Rubber Co., nhà sản xuất lốp xe của Mỹ, tăng trong quí gần đây nhất vì công ty đã bổ sung hàng dự trữ và đối mặt với lạm phát cao hơn. Giá trị hàng tồn kho trên bảng cân đối kế toán của công ty này đã tăng 41% trong quí kết thúc vào ngày 30-9 so với một năm trước đó, lên 4,86 tỉ đô la Mỹ.

Công ty đã bổ sung hàng tồn kho từ nửa cuối năm 2021 đến đầu năm nay sau một thời kỳ kinh doanh bùng nổ. Giám đốc tài chính Goodyear Darren Wells cho biết, công ty không mong đợi tiền mặt bị mắc kẹt trong hàng tồn kho vào năm tới.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới