(KTSG Online) - Khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát, các ngân hàng trong khu vực cũng nhanh chóng tăng thêm chi phí lãi cho vay. Nhưng họ lại chậm tăng lãi suất cho người gửi tiền tiết kiệm. Điều này khiến người dân châu Âu rút tiền của họ để phân bổ vào các kênh sinh lãi tốt hơn.
- Thu nhập từ lãi suất của ngân hàng Mỹ phình to nhờ Fed thắt chặt tiền tệ
- Ngân hàng ASEAN kỳ vọng lợi nhuận gia tăng sau đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed
Chiến thuật tăng lãi suất cho vay nhanh hơn lãi suất tiền gửi giúp nhiều ngân hàng lớn của châu Âu đạt mức lợi nhuận lớn hơn dự báo của giới phân tích. Barclays, NatWest Group và Santander nằm trong số các ngân hàng lớn ở châu Âu báo cáo thu nhập từ lãi thuần (NII) tăng vọt trong quí đầu tiên. NII đo lường mức lãi ròng của ngân hàng, được xác định bằng mức chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí trả lãi.
Tuy nhiên, các ngân hàng này đang khiến người gửi tiền tiết kiệm bất mãn, dẫn đến hiện tượng “bank walk”, ám chỉ đến hoạt động rút tiền từ từ nhưng đáng chú ý khỏi các ngân hàng. Điều này đặt ra câu hỏi mới về sự ổn định lâu dài của lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu.
“Các ngân hàng truyền thống cần quyết định xem có nên tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giữ lãi suất tiền gửi càng thấp càng tốt hay ưu tiên tính thanh khoản và sự ổn định của họ bằng cách tăng lãi suất và giữ lại tiền của khách hàng”, Nicola Marinelli, trợ lý giáo sư tài chính của Đại học Regent's London, nói.
Người gửi tiền tiết kiệm ở châu Âu đang tìm đến các quỹ thị trường tiền tệ để kiếm mức sinh lợi cao hơn trong bối cảnh lạm phát cao dai dẳng. Quỹ thị trường tiền tệ là dạng quỹ tương hỗ mở, đầu tư vào các chứng khoán nợ ngắn hạn, rủi ro thấp gồm trái phiếu chính phủ.
Trong những năm qua, lợi tức của các quỹ này chỉ cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng một chút. Tuy nhiên, trong tuần gần đây, một chỉ số theo dõi các quỹ thị trường tiền tệ nắm giữ đồng bảng Anh ghi nhận lợi suất hàng năm là 4,12% so với lãi suất của một số ngân hàng vẫn ở mức dưới 1%. Trong khi đó, lợi suất hàng năm của chỉ số các quỹ thị trường tiền tệ nắm giữ đồng euro là 2,81%.
Dữ liệu của Refinitiv Lipper cho thấy hơn 34 tỉ euro chảy ròng vào các quỹ thị trường tiền tệ ở châu Âu trong tháng 3. Các quỹ này nắm giữ hơn 1,4 nghìn tỉ euro vào cuối năm ngoái.
Giới lãnh lạo cao cấp của ngành ngân hàng hạ thấp mối đe dọa khi lượng tiền gửi giảm. Các nhóm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng cho biết tại châu Âu, mọi người có nhiều khả năng bỏ vợ hoặc chồng hơn là từ bỏ ngân hàng.
Khi được hỏi về mức giảm 1,6% tiền gửi trong quí đầu tiên, Andrea Orcel, CEO của ngân hàng UniCredit (Ý), khẳng định UniCredit có vị thế thanh khoản vững chắc, đủ khả năng duy trì lợi nhuận với lượng tiền gửi hiện tại.
Lượng tiền gửi giảm mạnh hơn cũng có thể giúp các ngân hàng cân bằng các khoản nợ của họ để chống lại sự sụt giảm tài sản trong tương lai do nhu cầu vay có dấu hiệu chậm lại.
Nhưng các ngân hàng cũng cầm đảm bảo rằng họ có đủ thanh khoản và vốn để trang trải chi phí ở các khoản cho vay rủi ro cao, có thể trở thành nợ xấu.
Hầu hết các ngân hàng ở châu Âu đều tự tin về tính thanh khoản và mức vốn cao hơn quy định. Nhưng cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank của Mỹ và Credit Suisse của Thụy Sĩ là lời cảnh báo về những gì có thể xảy ra khi khách hàng rời bỏ ngân hàng với tốc độ nhanh hơn.
Tại Anh, khách hàng của ngân hàng NatWest đã rút 11,1 tỉ bảng trong ba tháng đầu năm. Hai ngân hàng Barclays và Lloyds Banking Group lần lượt ghi nhận mức giảm 5 tỉ và 2,2 tỉ bảng về lượng tiền gửi trong cùng kỳ.
Tại Đức, dữ liệu của Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) cho thấy tiền gửi của các hộ gia đình giảm gần 8% so với một năm trước đó. Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức, cho rằng mức giảm tiền gửi 4,7% trong quí đầu tiên một phần là do khách hàng lo ngại rủi ro lây lan từ cơn khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thụy sĩ.
Tuy nhiên, James von Moltke, Giám đốc tài chính của Deutsche Bank, thừa nhận sự cạnh tranh đã khiến một số khoản tiền gửi bị rút khỏi ngân hàng này. Ông nói rằng một số khách hàng chuyển sang các kênh có lợi suất cao hơn như quỹ thị trường tiền tệ.
Ngân hàng BNP Paribas của Pháp cũng báo cáo lượng tiền gửi giảm nhẹ trong quí đầu tiên. Tại Tây Ban Nha, Santander là ngân hàng lớn duy nhất ở châu Âu ghi nhận tiền gửi tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số nhà lập pháp chỉ trích các ngân hàng vì tính lãi suất cao hơn đối với khách hàng vay nhưng lại ít tăng lãi suất dành cho người tiết kiệm.
“Điều này là để bảo vệ lợi nhuận của ngân hàng quí vị đúng không?”, nghị sĩ Angela Eagle chất vấn các giám đốc ngân hàng tại một phiên điều trần ở quốc hội Anh vào tháng 2.
Theo Reuters