Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp dần tăng tốc

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Không chỉ có lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang tăng dần lên, chi phí huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu cũng đang nhích dần để hấp dẫn nhà đầu tư.

Ghi nhận trong các đợt phát hành trái phiếu mới đây, chi phí huy động vốn từ hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đang có dấu hiệu nhích dần lên.

Lãi suất kỳ hạn dài đang nhích dần ở nhiều thị trường. Ảnh minh hoạ: L.Vũ.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu tuần của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 12-8 thì có khoảng 6 đợt phát hành riêng lẻ trong tháng với tổng giá trị khoảng 2.210 tỉ đồng, chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng.

Đáng chú ý có Ngân hàng Vietcombank phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm với lãi suất thả nổi, tính dựa trên lãi suất tiết kiệm cá nhân bình quân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng quốc doanh cộng thêm biên độ khoảng 0,9%/năm, sau 3 năm tiếp theo là lãi suất tham chiếu với biên độ khoảng 2,57%/năm.

Với mức lãi suất tiết kiệm khoảng 5,6%/năm như hiện nay thì Vietcombank phải huy động vốn dài hạn quanh mức 6,5%/năm, sau đó là hơn 8,1%/năm. Hiện tại, Ngân hàng Bản Việt đang chào bán hơn 980 tỉ đồng trái phiếu ra công chúng, kỳ hạn 7 năm với lãi suất 8,6%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng.

Cũng theo thống kê của VBMA, tập đoàn Masan cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị phát hành 700 tỉ đồng với kỳ hạn tối đa 5 năm, lãi suất 9,5%/năm cho 2 kỳ đầu và thả nổi ở các kỳ sau.

Trong gần hai tháng qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như trở thành sân chơi riêng cho các tổ chức tài chính, bao gồm Ngân hàng, Công ty chứng khoán và Công ty tài chính. Theo VBMA, trong tháng 7 có khoảng có 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị là 18.661 tỉ đồng, dẫn đầu là nhóm ngân hàng thương mại với lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là 5,91%/năm.

Theo báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp của FiinGroup vào đầu tháng 8, lãi suất phát hành trái phiếu của các tổ chức tín dụng trong tháng 7 dao động xung quanh mức 4,3-7,6%, đã bắt đầu có sự tăng lên rõ rệt so với mức lãi suất trung bình của nhóm trong 6 tháng đầu năm 2022 là khoảng 4,35%.

Ở lĩnh vực bất động sản thì chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An phát hành với lãi suất danh nghĩa 11%/năm, cũng được đánh giá là cao hơn mức trung bình ngành trong nửa đầu năm nay.

Trước đó, thống kê của FiinGroup cho thấy lãi suất phát hành bình quân trong 6 tháng đầu năm vẫn ở mức không quá chênh lệch với năm 2021, ở mức 8,8%/năm, thậm chí còn giảm 0,17%/năm so với năm ngoái.

Lãi suất trái phiếu danh nghĩa không thay đổi nhiều trong nửa đầu năm 2022, nhưng có dấu hiệu tăng tốc dần trong gần hai tháng qua.

Như vậy có thể thấy đến nay, các doanh nghiệp bắt đầu huy động trái phiếu với chi phí cao hơn sau thời gian trầm lắng trong 6 tháng đầu năm. Một trong những lý do là cạnh tranh với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài của các nhà băng liên tục nhích lên từ đầu tháng 7, để thu hút dòng tiền gửi từ dân cư.

Bên cạnh đó, một điểm chú ý khác là các tổ chức phát hành cũng đang dần tăng kỳ hạn huy động. Trong tháng 7, ngân hàng phát hành kỳ hạn bình quân khoảng 5 năm, dài hơn đáng kể so với con số bình quân 3,4 năm trong nửa đầu năm nay. Nhóm ngành Thương mại dịch vụ và Bất động sản cũng có xu hướng tương tự.

“Điều này phản ánh điều kiện về môi trường lãi suất tăng và các tổ chức phát hành thường có xu hướng kéo dài kỳ hạn của trái phiếu trong bối cảnh hiện nay”, báo cáo của Fiingroup nhận định.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trầm lắng sau sự kiện trái phiếu của Tân Hoàng Minh hồi tháng 4, cũng như chờ đợi Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi, quy định những điều kiện mới về phát hành, phân phối và mua bán trái phiếu.

Hầu hết các điều chỉnh này cho đến nay vẫn được nhằm tới mục đích bắt buộc công bố thông tin rõ ràng và minh bạch hơn, là điều kiện tiên quyết giúp thị trường phát triển một cách bền vững. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Maybank IB, để đánh giá những rủi ro tiềm ẩn thì cần có quy định chính thức, nhưng những thông tin bên lề về văn bản dự thảo cho đến nay vẫn là khá tích cực.

Khi thị trường trái phiếu ổn định hơn, các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ quay trở lại tìm kiếm nguồn vốn dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh dòng tín dụng từ ngân hàng thương mại đang vướng phải câu chuyện hạn mức tín dụng chưa được nới lỏng thêm để ứng phó với lạm phát.

Tuy nhiên, để hút vốn, các doanh nghiệp sẽ phải đưa ra lãi suất hấp dẫn hơn mặt bằng lãi suất tiết kiệm dài hạn, vốn đang có xu hướng tăng lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chi phí huy động vốn của các doanh nghiệp sẽ phải tăng dần lên trong thời gian tới.

Còn với các doanh nghiệp bất động sản, câu chuyện sẽ khó khăn hơn khi đối diện với dự thảo Thông tư 39 sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước, điều chỉnh và siết lại các hoạt động cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Theo FiinGroup, hoạt động phát hành trái phiếu của các nhà phát triển bất động sản trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua được đánh giá là đã trở lại, tuy nhiên vẫn chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp lớn niêm yết, trong khi phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ kênh này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới