(KTSG) - Lãi suất đang tăng trở lại là điều đáng chú ý sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào khiến một loạt ngân hàng thay phiên điều chỉnh lãi suất huy động vốn. Liệu mặt bằng lãi suất có sớm hạ nhiệt hay sẽ còn tiếp tục leo thang?
Tăng đáng chú ý
Thật ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã bắt đầu có dấu hiệu nhấp nhổm đi lên trở lại trong hai tháng cuối năm 2021 khi nền kinh tế mở cửa trở lại, khiến nhiều ngân hàng dần chuyển sang tăng lãi suất thay cho động thái liên tục giảm trước đó. Bước sang tháng đầu năm 2022, tần suất tăng và số lượng ngân hàng tham gia tăng lãi suất tiền gửi tiếp tục nhiều hơn, trong đó có những ngân hàng như VPBank chứng kiến hai lần tăng liên tiếp chỉ trong một tháng.
Bất ngờ là trái với mọi năm, khi mặt bằng lãi suất thường có xu hướng tăng trước kỳ nghỉ Tết do thanh khoản hệ thống căng thẳng nhưng sau Tết thường giảm trở lại, năm nay chứng kiến không ít ngân hàng tiếp tục tham gia cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi ngay cả sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết dài ngày. Nhận định về diễn biến này, giới phân tích cho rằng xu hướng dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng năm nay chậm hơn so với mọi năm, khiến hệ thống thanh khoản vẫn đang chịu áp lực.
Thật vậy, không chỉ các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng mạnh bất chấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục bơm ròng thanh khoản kể từ trước Tết đến nay. Cập nhật gần nhất trên trang web của NHNN vào đầu tuần này, lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng đến ngày 9-2 đã vọt lên mức 3,32%, tăng gần 260 điểm cơ bản (bps) so với thời điểm cuối năm 2021, hay nói cách khác đã tăng gấp hơn 4,5 lần.
Bất cứ diễn biến tăng sốc nào của mặt bằng lãi suất nếu có cũng chỉ sẽ mang tính chất thời điểm, còn về dài hạn kỳ vọng vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát của nhà điều hành.
Nếu so với trước khi nghỉ Tết - thời điểm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thường chịu áp lực lớn nhất do nhu cầu vay mượn của các ngân hàng tăng cao trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, thì lãi suất qua đêm cũng tăng 90 bps, kỳ hạn một tuần tăng 119 bps, một tháng tăng 56 bps, ba tháng tăng 30 bps và sáu tháng tăng 144 bps lên 4,27%, tính đến ngày 9-2. Điều này càng củng cố luận điểm thanh khoản hệ thống sau khi nghỉ Tết vẫn đang chịu áp lực lớn.
Thống kê cũng cho thấy nếu như những năm trước đây, sau mỗi dịp Tết, NHNN thường có xu hướng hút ròng tiền để trung hòa lượng tiền đã bơm ra hỗ trợ thanh khoản trước Tết, thì năm nay cơ quan này phải liên tục bơm ròng để hỗ trợ trong những ngày sau Tết.
Một diễn biến khác đáng lưu ý là các ngân hàng hiện nay cũng đang tăng cường huy động vốn qua các kênh trực tuyến như ngân hàng số, theo đó tăng mạnh lãi suất huy động ở các kênh này hoặc áp dụng lãi suất ưu đãi, lãi suất cộng thêm với mức chênh lệch khá lớn so với huy động tại quầy nhằm thu hút khách hàng. Đơn cử như sản phẩm Prime Savings của VPBank mở trực tuyến trên ứng dụng VPBank NEO, nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên lên đến 12,2-12,4%/năm, các tháng sau đó là 6,1-6,2%/năm.
Áp lực từ đâu?
Như đã nói, dòng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng mọi năm thường tăng khá mạnh sau kỳ nghỉ Tết giúp thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, nhưng xu hướng này trong năm nay dường như chưa lặp lại, trong bối cảnh ngày càng nhiều kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn đang cạnh tranh với kênh tiền gửi ngân hàng.
Đầu tiên phải kể đến thị trường chứng khoán đã phục hồi mạnh mẽ trở lại ngay từ những phiên giao dịch đầu tiên sau Tết và hút tiền trở lại. Trước đó, không ít nhà đầu tư đã chốt lời chứng khoán từ cuối năm 2021 chuyển sang gửi ngân hàng, theo đó tránh được đợt điều chỉnh mạnh trong tháng 1 và có lẽ đang tham gia trở lại từ sau nghỉ Tết cho đến nay để đón đầu một sóng tăng mới, nhất là khi giá nhiều cổ phiếu cơ bản thời gian qua đã rớt về vùng giá hấp dẫn.
Thứ hai là thị trường bất động sản cũng khá sôi động trong những tháng gần đây, sau các cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm gây xôn xao, cũng như trước các kế hoạch, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh triển khai để góp phần phục hồi kinh tế mà sẽ kéo theo giá bất động sản tại nhiều khu vực hưởng lợi. Cộng thêm lãi suất đang ở mặt bằng thấp như hiện nay, dòng vốn cũng đang luân chuyển mạnh vào kênh nhà đất.
Thứ ba là thị trường vàng cũng có dấu hiệu nổi sóng trở lại trong những tuần gần đây, khi lạm phát tăng vọt tại Mỹ và tình hình địa chính trị căng thẳng giữa Nga - Ukraine, mà giới phân tích lo ngại có thể sớm leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự. Ảnh hưởng theo thị trường vàng quốc tế, cộng thêm hiệu ứng “ngày Thần tài”, giá vàng SJC trong nước đã có lúc leo lên trên mốc 63 triệu đồng/lượng.
Với triển vọng tăng giá tích cực trong thời gian tới, không loại trừ khả năng một lượng tiền gửi tiết kiệm đã, đang và có thể tiếp tục chuyển dịch vào thị trường vàng, nhất là khi lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay vẫn ở mức thấp trong khi lạm phát lại đang chịu nhiều áp lực gia tăng trở lại.
Dù chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,19% trong tháng 1, và so với cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 1,94%, mức lạm phát tháng 1 thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay (ngoại trừ năm 2021), nhưng trước sức cầu đang hồi phục khi nền kinh tế mở cửa trở lại, cộng thêm áp lực từ giá dầu thế giới tăng vọt và nguy cơ thiếu hụt xăng dầu trong nước, lạm phát trong năm nay được đánh giá là khó lường.
Trong khi tình hình huy động vốn không mấy khả quan, dòng vốn đầu ra của hệ thống ngân hàng tiếp tục chứng kiến sự khởi sắc. Sau khi đạt tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 ở mức hơn 13,5%, trong đó riêng quí 4 đã chiếm đến một nửa con số tăng trưởng trên, hoạt động cho vay của các ngân hàng trong tháng 1 năm nay đã tăng mạnh mẽ đến 2,74% so với cuối năm 2021 và tăng 16,32% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so với mức tăng khiêm tốn 0,53% trong tháng 1-2021, có thể thấy hoạt động tín dụng trong năm nay đã bứt phá ngay từ tháng đầu năm.
Điều này cho thấy dòng vốn trong nền kinh tế đã khai thông trở lại, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ. Giới phân tích cũng cho rằng với triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế sẽ khiến nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, nhất là khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay vẫn duy trì ở mức 14%.
Ngoài ra, với các gói kích cầu kinh tế được triển khai trong năm nay cũng như các gói hỗ trợ lãi suất của ngành ngân hàng trong thời gian tới, tín dụng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ ngay từ những tháng đầu năm. Các áp lực này có thể khiến nhiều ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động, như những gì chúng ta đang chứng kiến.
Dù vậy, hầu hết các ý kiến cũng tin rằng tuy mặt bằng lãi suất trong năm nay có thể chịu áp lực nhiều hơn, nhưng mức tăng sẽ không quá lớn khi cơ quan quản lý buộc phải có những chính sách, công cụ giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ lộ trình phục hồi của nền kinh tế. Vì vậy, bất cứ diễn biến tăng sốc nào của mặt bằng lãi suất nếu có cũng chỉ sẽ mang tính chất thời điểm, còn về dài hạn kỳ vọng vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát của nhà điều hành, nhất là khi việc giảm lãi suất cho vay tiếp tục được đặt ra như là mục tiêu quan trọng trong năm nay của Chính phủ và NHNN.