Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lai tạo thành công giống lúa màu chất lượng cao từ nguồn gene lúa cổ truyền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lai tạo thành công giống lúa màu chất lượng cao từ nguồn gene lúa cổ truyền

Nam Bình

(KTSG Online) - Nhóm của TS. Đào Minh Sô, Trưởng bộ môn Chọn tạo giống cây trồng (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), vừa công bố lai tạo thành công giống lúa mới SR20 với nhiều đặc điểm tương tự giống lúa huyết rồng danh tiếng vốn đã thất truyền.

Chia sẻ với phóng viên thuộc Câu lạc bộ Phóng viên Kinh tế Nông nghiệp tại TPHCM hôm 9-4, TS. Đào Minh Sô cho biết trong quá trình khai thác nguồn gene lúa cổ truyền để tạo ra nguồn gene lúa cải tiến, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhóm nghiên cứu của ông đã chọn lựa được một số dòng lúa màu cải tiến bằng phương pháp đột biến từ các giống lúa cổ truyền.

Sau đó, công tác lai tạo được tiến hành giữa các thể biến dị đột biến có màu sắc với các nguồn gene lúa cải tiến khác nhau. Và giống lúa mới SR20 - là con lai của dòng lúa đỏ đột biến có nguồn gene cổ truyền ở trong nước và một dòng lúa đen thu thập ở nước ngoài - đã được cho ra đời.

Lai tạo thành công giống lúa màu chất lượng cao từ nguồn gene lúa cổ truyền
Giống lúa màu SR20 được lai tạo từ nguồn gen lúa màu cổ truyền trong nước và một dòng lúa đen thu thập ở nước ngoài. Ảnh: Nam Bình.

Tiến sĩ Đào Minh Sô cho hay sau một thời gian dài nghiên cứu, lai tạo và gieo trồng thử nghiệm từ năm 2015 đến nay, giống lúa SR20 đã thể hiện được tính ổn định với nhiều ưu điểm. 

Cụ thể, lúa SR20 có thể đạt năng suất 5 - 7 tấn/ha, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ 92 - 96 ngày, chống chịu sâu bệnh tốt. Sản phẩm gạo từ giống lúa SR20 được TS Sô đặt tên là gạo Mắt Rồng SR20. Gạo nấu lên có vị ngọt, dẻo vừa và giữ được độ tơi xốp giống như gạo của giống lúa huyến rồng cổ truyền. Gạo Mắt Rồng SR20 cũng khác với nhóm gạo trắng do sản xuất từ giống lúa màu nên hạt gạo có màu hồng. Màu hồng này là do lớp vỏ lụa, nơi tập trung đa phần các vi chất dinh dưỡng, được giữ lại sau quá trình tách vỏ trấu. 

Theo TS Sô, chất lượng gạo, cơm được đánh giá dựa vào hai nhóm chỉ tiêu cơ bản là chỉ tiêu về “độ ngon” và chỉ tiêu về dinh dưỡng. Trong đó, chỉ tiêu “độ ngon” phụ thuộc vào hai tính chất hóa học chính của gạo là hàm lượng amylose và độ bền gel.

Gạo Mắt Rồng SR20 từ giống lúa SR20 có màu hồng nhạt do sản xuất từ giống lúa màu. Ảnh: Nam Bình.

Hàm lượng amylose biểu thị độ mềm, dẻo của cơm và độ bền gel thể hiện độ tơi xốp của cơm. Vì vậy, trường hợp các giống có hàm lượng amylose như nhau thì giống nào có gel dài hơn sẽ ngon cơm hơn.

Gạo SR20 có hàm hượng amylose 16-17%, tương tự các giống gạo trắng đặc sản phổ biến, nhưng có chiều dài gel vượt trội, ở mức 76-80 mm so với phổ thông dụng là 50-60mm.

Do đó, cơm nấu từ gạo SR20 tơi xốp hơn. Đây là ưu điểm về tính phổ dụng của gạo SR20, có thể đáp ứng được nhu cầu của người thích gạo dẻo và cả nhu cầu của người ưa gạo tơi xốp, ít dẻo.

“Có thể nói, SR20 là loại gạo khá đặc biệt, do thể hiện được tính dẻo mà vẫn đảm bảo vị xốp của cơm nấu, điều này thể hiện rất rõ khi cơm được để nguội. Đa số các giống gạo trắng khi để cơm nguội thì các hạt cơm bị gắn chặt lại gây cảm giác khó chịu, mất ngon”, TS Sô nhận định.

Cũng theo TS Sô, chỉ tiêu dinh dưỡng được quan tâm nhiều trong gạo là các chất vi khoáng (sắt, kẽm), vitamin B (B1, 2, 6,..) và chất chống oxy hóa anthocyanine.

Khách hàng tìm hiểu loại gạo Mắt Rồng SR20 tại TPHCM. Ảnh: Nam Bình.

Đa số các chất này nằm trong vỏ cám gạo và sự hiện diện của chúng giúp tạo ra sắc tố cho hạt gạo. Hầu hết giống lúa cho gạo trắng nghèo hoặc thiếu các chất vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, việc chế biến sâu để cho ra hạt gạo đẹp (trắng bóng) đã trực tiếp loại bỏ hết các vi chất dinh dưỡng nếu có.

TS Sô cũng cho biết, giống lúa màu SR20 đã được khảo nghiệm và thử nghiệm diện rộng ở nhiều điểm tại Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Hiện lúa màu SR20 đang được trồng nhiều ở huyện Củ Chi (TPHCM) và Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Còn gạo Mắt Rồng SR20 từ giống lúa SR20 được bán ra thị trường với giá 25.000 đồng/kg.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới