Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Làm ăn với thị trường Nga

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm ăn với thị trường Nga

Với thị trường Nga, cá nặng đến 1,7 – 2kg vẫn được chấp nhận. Ảnh chupj tại một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu ở Tiền Giang. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Khi các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ và châu Âu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tính đến việc mở rộng sang thị trường Nga và Đông Âu. Tuy nhiên, có khá nhiều rào cản mà doanh nghiệp phải vượt qua nếu muốn khai thác thị trường tiềm năng này.

Mở lối đi riêng

Nhiều doanh nghiệp tham dự Hội thảo Chiến lược xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga và các nước Đông Âu do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM vừa tổ chức đều cho rằng, không phải đến bây giờ họ mới tìm hiểu về thị trường Nga mà ngay từ nhiều năm trước, họ đã tiến hành những việc cần thiết để đưa hàng hóa vào thị trường truyền thống này.

Ông Trần Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Satra Thái Sơn, cho rằng thị trường Nga và Đông Âu có nhiều đặc tính mà nếu không nắm vững, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều trở ngại.

Trước hết là đặc tính về phương thức thanh toán. Do tập quán kinh doanh, các doanh nghiệp Nga chuyên kinh doanh nhập khẩu hàng nông, thủy sản không mở L/C, mà thường chọn phương thức thanh toán T/T nhiều lần, trước và sau khi giao hàng (bên mua thường đặt cọc 10-20% và sẽ trả phần còn lại sau khi nhận được hàng).

Thêm nữa, đa số doanh nghiệp Nga nhập hàng từ Việt Nam thường là doanh nghiệp nhỏ và vừa với giá trị đơn hàng thấp nên chỉ mở được L/C ở một số ngân hàng nhỏ của Nga mà những ngân hàng Việt Nam không tin tưởng trong việc bảo lãnh.

Ông Nguyễn Quốc Phong, Phó phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), cho rằng các doanh nghiệp nên tìm phương thức thanh toán khác phù hợp.

“Giải pháp của Biti’s là tìm đối tác kinh doanh uy tín, tin cậy, ưu tiên các đối tác là người Việt đã có thời gian kinh doanh ở thị trường sở tại lâu năm, am hiểu đặc tính, nhu cầu tiêu dùng và hệ thống pháp lý một cách tường tận. Vì việc mua bán, trao đổi dựa trên chữ tín là chính nên khi làm ăn với thị trường Nga, phải bắt đầu từ những lô hàng nhỏ, tức phải tiến hành từng bước một, đừng quá vội vàng”, ông Phong cho biết thêm. Nhiều doanh nghiệp Nga có thói quen khi mua hàng chỉ ghi trên tờ khai một phần năm giá trị món hàng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan và Vụ Thị trường châu Âu, trong chín tháng đầu năm 2008, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã xuất sang Nga gồm cao su đạt 33,9 triệu đô la Mỹ, hạt điều 33 triệu, cà phê 28 triệu, dệt may 69 triệu, giày dép 27 triệu, mì ăn liền 19 triệu đô la…

Một điểm cần lưu ý là hệ thống pháp luật của Nga thay đổi thường xuyên, thời gian chuẩn bị áp dụng khá ngắn. Nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, cách nhận định, đánh giá chất lượng hàng hóa của hải quan, cơ quan chức năng của Nga còn tùy tiện, chủ yếu dựa vào cảm tính.

Tốt nhất là doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin và bám sát những thay đổi trong chính sách thương mại – hàng hóa của Nga. Ngoài Đại sứ quán Việt Nam ở Nga, còn một số kênh thông tin khác mà doanh nghiệp có thể tiếp cận như Phòng Thương mại và Công nghiệp của Nga, Hội đồng Thương mại Hung-Việt, Hội Doanh nghiệp Việt Nam ở Nga, Ukraine…

Một cách tiếp cận khác cũng được các chuyên gia đưa ra là, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng tối đa sự hậu thuẫn từ cộng đồng người Việt Nam đang làm việc, học tập và sinh sống tại Nga, để phát huy thế mạnh hàng hóa của mình tại thị trường này.

Chia sẻ kinh nghiệm làm ăn ở Nga, ông Hương cho rằng doanh nghiệp cần có một công ty con ở Nga để thuận lợi trong việc tìm kiếm, xây dựng mối quan hệ và nắm bắt thông tin đối tác. “Trong trường hợp bị đối tác từ chối mua hàng, doanh nghiệp Việt Nam có thể giải quyết bằng cách bán hàng trực tiếp vào thị trường Nga thông qua công ty con của mình”, ông Hương nhấn mạnh. Thủ tục thành lập một công ty con ở Nga khá đơn giản, với chi phí khoảng 1.000 đô la Mỹ.

Theo kinh nghiệm của ông Hương, muốn mở rộng làm ăn với Nga, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm kiếm đối tác, không thể ngồi yên đợi. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ đi kèm như xây dựng trung tâm thương mại làm cầu nối trung gian.

Công ty Thái Sơn hiện đang xây dựng một trung tâm bán sỉ hàng Việt Nam là Pacific Plaza với tổng diện tích 25.000 mét vuông, gồm hai tầng: tầng một là khu kinh doanh hàng hóa (bán hàng theo mô hình chợ) và tầng hai là các văn phòng đại diện, giới thiệu, phân phối…

Ông Hương cho biết, giá cho thuê mặt bằng tại đây chỉ bằng một phần tư so với giá mặt bằng chung tại Moscow. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi đến thuê mặt bằng còn được hỗ trợ về giao tiếp, cách tiếp cận đối tác, các vấn đề pháp lý, các thủ tục nhập khẩu hàng hóa…

Phải nhanh chân

Khó cho ngành dệt may

Tại cuộc họp giữa các thành viên của Hội Dệt may Thêu đan TPHCM vừa qua, ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch hội, nhận định mặc dù một số thị trường mới như Nga, Trung Đông và châu Phi đang có tín hiệu khá tốt, nhưng đa số các doanh nghiệp của Việt Nam còn khá lạ lẫm với những thị trường này nên vừa làm vừa thăm dò là chủ yếu. Do đó, khả năng đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường này được hay không vẫn còn chưa nắm chắc được.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết do có khuynh hướng bảo hộ hàng may mặc trong nước nên Nga đang áp dụng mức thuế nhập khẩu 20 đô la Mỹ cho một ki lô gam hàng dệt may. Mặc dù Nga là thị trường khá tốt, nhưng thuế cao lại là rào cản khá lớn cho doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng đơn hàng sang thị trường này trong thời gian tới.

VĂN NAM

Theo nhiều chuyên gia, Nga là một thị trường tiềm năng và khá dễ tính nếu so với thị trường Mỹ hay các nước EU. Chẳng hạn, xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ thì cá phải có trọng lượng từ 1-1,05 ki lô gam, không có mỡ, trong khi cá nặng đến 1,7-2 ki lô gam vẫn được chấp nhận ở thị trường Nga.

Thêm nữa, mức tiêu thụ của thị trường Nga là khá lớn, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và người tiêu dùng không có thói quen mặc cả. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện mỗi năm Nga nhập khoảng 1,2 triệu tấn thủy sản các loại từ hơn 30 quốc gia. Đối với Việt Nam, Nga hiện là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, chiếm 15% tổng sản lượng.

Ngoài thủy sản, thị trường Nga có nhu cầu rất lớn về hàng nông sản (gạo, cà phê, trái cây…), hàng may mặc, hàng công nghiệp nhẹ.

Đối với sản phẩm rau quả đông lạnh, hiện Nga mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Mức tiêu thụ rau quả của Nga là 365 triệu đô la Mỹ, chín tháng đầu năm 2008 Việt Nam xuất được 30,107 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu doanh nghiệp kinh doanh kiểu “ăn xổi ở thì” tại Nga thì nguy cơ mất thị trường này là khá cao.

Từ ngày 1-1-2009, Cục Thú y và Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) sẽ áp dụng nhiều quy định mới, nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng hàng thủy sản nhập khẩu.

VPSS sẽ trực tiếp kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản (tỷ lệ lớp nước đá phủ lên trên bề mặt sản phẩm không vượt quá 10%) và các doanh nghiệp chỉ được phép xuất khẩu vào thị trường này dựa trên công suất thực tế của nhà máy, nghĩa là không được phép xuất sản phẩm gia công ở các cơ sở chế biến bên ngoài. Hàng hóa trước khi đi vào thị trường Nga phải được cơ quan chuyên ngành của Việt Nam cấp chứng thư điều kiện xuất khẩu và sau đó sẽ được VPSS kiểm định lại.

Trong tám tháng đầu năm 2008, đã có 38 lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Nga bị cơ quan chức năng nước này cảnh báo vì không đảm bảo chất lượng và 6 trong tổng số 38 doanh nghiệp xuất khẩu vào Nga bị tạm đình chỉ xuất khẩu.

Thêm nữa, hàng hóa Việt Nam xuất sang Nga phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc. Chẳng hạn, riêng thị trường Moscow, 50-60% hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc. Nếu không trực tiếp xuất khẩu bằng chính thương hiệu của doanh nghiệp thì sản phẩm của Việt Nam sẽ kém sức cạnh tranh và khó tạo dựng thương hiệu tại thị trường này.

Nhiều doanh nghiệp làm ăn với Nga lại quên tận dụng thế mạnh của cộng đồng kiều bào Việt Nam tại đây. Hiện có khoảng 70-80% người Việt tại Nga sống bằng nghề bán hàng, giới thiệu sản phẩm của Trung Quốc.

Một khi tiếp cận và xây dựng uy tín với thị trường Nga, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận với thị trường các nước Đông Âu. Hiện ở khu vực vùng Viễn Đông và Siberia, hàng hóa của các quốc gia khác chưa xuất hiện nhiều và Việt Nam có khoảng cách địa lý thuận lợi khi vận chuyển hàng hóa đến khu vực này.

MỸ HẠNH

Người Nga mê biển

Du khách Nga đã trở lại Việt Nam cách đây hơn bốn năm. Có thể nói, 80% khách Nga đến với Việt Nam trốn cái lạnh của mùa đông đã ở lại Mũi Né. Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong năm 2008, du khách Nga cũng dẫn đầu bảng, vượt qua du khách Đức vốn là khách hàng quen thuộc của tỉnh Bình Thuận từ nhiều năm nay. Ông Igor Nikolaevich, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Nga Lanta – an Tour, đã từng chia sẻ rằng lượng khách Nga sẽ còn tăng hơn nữa, với điều kiện số phòng ở các resort tại Bình Thuận có nhiều hơn.

Nếu so với du khách châu Âu, khách Nga chi tiêu nhiều, đặc biệt về ẩm thực. Khách Nga dùng rất nhiều rượu mạnh cho bữa ăn tối và thích thưởng thức các loại hải sản cao cấp. Mức độ hưởng thụ tối đa cho một kỳ nghỉ mùa đông của khách Nga còn thể hiện qua việc tận dụng các dịch vụ spa, làm tóc, chăm sóc thân thể bằng các loại dược thảo. Họ sẵn sàng trả mỗi lần sử dụng dịch vụ với mức giá từ 50-100 đô la Mỹ.

Ngoài các nhu cầu trên, mua sắm cũng là một nguồn thu khá lớn từ những du khách này. Các mặt hàng trang sức bằng đá quý, ngọc trai, các đồ dùng được làm bằng da ca sấu, quần áo thời trang làm bằng cotton cũng rất thu hút khách mua sắm. Chúng tôi cũng cố tìm hiểu thêm về đặc tính mua sắm, tiêu xài của khách Nga, được biết thêm họ rất ít khi cho tiền “tip” sau khi ăn uống, làm các dịch vụ. Điều này rất khác với du khách Mỹ, Úc, Canada… việc cho tiền “tip”  nhân viên là một thói quen rất bình thường.

Hàng năm ở Nga vẫn tổ chức các hội chợ du lịch vào tháng 10 tại Moscow, đây là dịp để các khách sạn, resort của Việt Nam tham gia giới thiệu về sản phẩm của mình. Tôi tin rằng trong một thời gian ngắn sắp tới, các resort tại Phú Quốc, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ giới thiệu sức hấp dẫn của địa phương mình cho khách Nga. Việt Nam không chỉ có bãi biển, thức ăn ngon, con người thân thiện mà còn là một điểm du lịch văn hóa!

PHÙNG KIM VY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới