Thứ Ba, 2/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Làm gì để kìm đà tăng của lạm phát?

Phạm Minh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – LTS: Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đang thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội mà một trong những nội dung nóng nhất là năm nay nguy cơ lạm phát trong nước vượt mức mục tiêu 4%, giữa bối cảnh lạm phát của thế giới đang rất cao. Kinh tế Sài Gòn xin giới thiệu góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, phân tích bức tranh thực tế hiện nay, dự báo tình hình sắp tới và đề xuất các giải pháp nhằm kìm đà tăng của lạm phát.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

Lạm phát đang chủ yếu do giá xăng dầu tăng, giải pháp nên bắt đầu từ đây…

Lạm phát hiện nay đến từ ba nhóm yếu tố lớn.

Thứ nhất, lạm phát do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy làm giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên, vật liệu tăng mạnh.

Thứ hai, giá cả nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới đầu vào của nền sản xuất. Mặt hàng này đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế, được sử dụng trong hầu hết các ngành sản xuất và tiêu dùng. Xăng dầu tăng làm chi phí sản xuất gia tăng.

Các con số thống kê cho thấy, lạm phát bình quân năm tháng đầu năm nay ở mức 2,25%, các mặt hàng xăng dầu và gas đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm. Đặc biệt, xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí đầu vào của nền kinh tế, đây là tỷ lệ khá lớn. Xăng dầu tăng 10% có thể khiến GDP giảm 0,5 điểm phần trăm, lạm phát tăng 0,26 điểm phần trăm.

Các nguyên, vật liệu khác cũng tăng giá do tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine, chính sách zero Covid của Trung Quốc. Với 37% giá trị nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, việc tìm kiếm các nguồn mới làm chi phí đầu vào tăng, tác động không nhỏ tới lạm phát. Theo tính toán của chúng tôi, giá cả đầu vào tăng 1%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 2,06%.

Thứ ba, tổng cầu tăng đột biến trong năm nay có thể gây áp lực lên lạm phát. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội quy mô 350.000 tỉ đồng cùng các gói hỗ trợ hậu Covid-19 làm cho tổng cầu tăng đột biến. Đặc biệt, gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trị giá 113.000 tỉ đồng có khả năng gây thêm sức ép lên lạm phát khi có nhu cầu về các nguyên, vật liệu xây dựng nhưng nguồn cung đang bị gián đoạn, giá cả tăng cao.

Chính phủ đang rất quan tâm tới việc làm thế nào để giữ đà tăng giá không quá cao. Với xăng dầu, Việt Nam cần đảm bảo đủ nguồn cung trong nước. Chính phủ có thể điều tiết và kiểm soát tốt giá xăng dầu bằng cách điều chỉnh, cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến mặt hàng này như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và tiếp tục nghiên cứu tiếp tục bỏ 50% thuế bảo vệ môi trường còn lại.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Ngoài cắt giảm thuế, phí xăng dầu, có thể xem xét trì hoãn việc tăng giá dịch vụ công

Hiện chưa thấy dấu hiệu lạm phát có thể hạ nhiệt nửa cuối năm.

Thứ nhất, chi phí đẩy giá hàng hóa, nguyên, vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới lạm phát. Giá nhập khẩu từ bên ngoài tăng do các biến động của thị trường thế giới. Giá nhiên liệu thế giới tăng tính vào giá hàng hóa nhập khẩu cũng như sản phẩm tại thị trường trong nước. Nhiên liệu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong lạm phát của Việt Nam.

Trong khi đó, chưa có dấu hiệu cho thấy giá nhiên liệu giảm. Dự báo trung bình về giá dầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn ở khoảng 110 đô la Mỹ/thùng. Yếu tố này sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát của Việt Nam.

Lạm phát bình quân năm tháng đầu năm nay ở mức 2,25%, các mặt hàng xăng dầu và gas đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm. Xăng dầu tăng 10% có thể khiến GDP giảm 0,5 điểm phần trăm, lạm phát tăng 0,26 điểm phần trăm. Xăng dầu chiếm 3,52% trong tổng chi phí đầu vào của nền kinh tế. Giá cả đầu vào tăng 1%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tăng 2,06%.

Thứ hai, một số dịch vụ công đang gặp sức ép phải tăng giá sau thời gian dài dịch Covid-19, đặc biệt là giáo dục và y tế. Trong trường hợp Chính phủ kìm hãm chưa tăng giá các dịch vụ tại cơ sở công lập, các đơn vị tự quyết về kinh phí cũng sẽ tìm cách tăng giá. Đây sẽ là một thành tố để lạm phát tăng.

Thứ ba, sau thời gian dài dịch bệnh, cầu tiêu dùng bị kìm hãm trước đây bùng nổ trở lại như ở một số ngành dịch vụ, du lịch, đi lại… Cầu tiêu dùng phục hồi khiến lạm phát do cầu kéo cũng có xu hướng tăng.

Để có thể làm chậm đà tăng của lạm phát, Chính phủ có thể xem xét việc giảm giá xăng dầu bằng cách cắt giảm sớm các khoản thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và 50% còn lại của thuế bảo vệ môi trường…

Trong điều kiện cho phép, Nhà nước có thể trì hoãn việc tăng giá dịch vụ công nhưng phải đi kèm với các trợ cấp khác đối với các đơn vị này như trợ cấp lương thưởng cho nhân viên hay trợ giá dịch vụ.

Các yếu tố từ thị trường thế giới tác động tới thị trường là bất khả kháng. Tuy nhiên, Việt Nam cần tích cực khơi thông các tắc nghẽn để tăng nhanh dòng lưu chuyển của hàng hóa, dịch vụ. Khi dòng tiền “quay” nhanh hơn có thể giúp lạm phát không đổi.

PGS. TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, trường Đại học Kinh tế quốc dân:

Cẩn thận với sức ép lạm phát từ… kích thích kinh tế

Đầu năm nay, trong báo cáo Đánh giá kinh tế thường niên, chúng tôi nhận định sức ép lạm phát với Việt Nam hiện hữu. Nhận định này đưa ra tại kịch bản giá xăng tăng khoảng 41-42% so với năm trước, tức khoảng 28.000-29.000 đồng/lít. Gần đây, giá xăng dầu diễn biến phức tạp, vượt mức kịch bản báo cáo. Giá xăng dầu còn tác động tới lạm phát lớn hơn nữa trong thời gian tới, khi xăng dầu là hàng hóa ảnh hưởng mạnh đến chi phí đầu vào của nền kinh tế.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% đặt ra vào tháng 10-2021, khi thế giới chưa chịu tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine và chưa có các cú sốc về giá xăng dầu. Như vậy, lạm phát có thể tăng cao hơn so với báo cáo và tăng hơn nữa khi giá xăng dầu tiếp tục đi lên. Chi phí đẩy sẽ tác động đến lạm phát trong những năm tới.

Lạm phát cầu kéo cũng có thể xảy đến khi tổng cầu tăng nhanh. Các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội như gói 350.000 tỉ đồng tung ra nền kinh tế cùng với sự phục hồi trở lại của các ngành dịch vụ sau dịch bệnh có thể tác động đến tổng cầu. Tổng cầu gia tăng, chi tiêu tăng cũng gây sức ép lên lạm phát.

Trước tác động của giá xăng dầu đến lạm phát, tôi cho rằng cần giảm bớt đà tăng giá. Một số kiến nghị được đưa ra như giảm các loại thuế, phí mà mặt hàng này đang phải gánh. Giá xăng dầu vẫn đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, câu hỏi đặt ra là mặt hàng này có thực sự là sản phẩm cần đánh thuế hay không? Quỹ bình ổn giá xăng dầu có vai trò gì trong giai đoạn hiện nay khi giá xăng dầu ở mức cao như vậy?

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế tác động đến tổng cầu phải rất cẩn trọng, đặc biệt là chính sách nới lỏng tiền tệ. Tỷ lệ dư nợ tín dụng, tỷ lệ phương tiện thanh toán không cần tăng. Điều quan trọng nhất là hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất để tránh tạo sức ép cho lạm phát.

Ớ phía chính sách tài khóa, đầu tư công, chi tiêu Chính phủ là một trong những động lực để tăng trưởng kinh tế nhưng các hoạt động này phải thật hiệu quả mới không gây sức ép tới lạm phát.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế xã hội (MASSEI):

Tránh bơm tiền rẻ, dễ dãi vào nền kinh tế

Trong bối cảnh giá nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng mạnh như hiện nay, các nền kinh tế như Mỹ, EU đối mặt với mức lạm phát trên 8%, tôi cho rằng mức độ tăng giá của Việt Nam chưa đáng lo ngại.

Khoảng thời gian dịch bệnh, các nước đều triển khai các chính sách hỗ trợ như nới lỏng tiền tệ, mở rộng tài khóa. Với các chính sách kích cầu, tiền được bơm thẳng vào nền kinh tế. Khi gặp các vấn đề tắc nghẽn nguồn cung, giá cả tăng vọt cộng hưởng với các chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng làm cho lạm phát tại các nước châu Âu, Mỹ tăng mạnh thay vì chỉ mang tính chất nhất thời, ngắn hạn như bản chất của các cú sốc cung thông thường.

Việt Nam cũng thực hiện một loạt chính sách hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh, tuy nhiên, hiệu quả chưa thực sự cao, tiền chưa bơm mạnh vào nền kinh tế. Vì vậy, giai đoạn này lạm phát của Việt Nam vẫn ảnh hưởng chủ yếu bởi các cú sốc về nguồn cung đến từ giá xăng dầu, nguyên, vật liệu, hàng hóa…

Về giải pháp, để tránh cộng hưởng chính sách, Chính phủ cần kiểm soát tốc độ tăng tín dụng ở các ngân hàng và tránh bơm tiền rẻ, dễ dãi vào nền kinh tế. Giá cả tăng theo thị trường là điều hoàn toàn hợp lý. Chính phủ có thể có những công cụ về thuế để tốc độ tăng chậm lại, không quá sốc, tuy nhiên cần tránh hình thức bao cấp. Bao cấp tạo khoảng cách lớn giữa giá trong nước và thế giới sẽ rất nguy hiểm trong nền kinh tế thị trường.

Theo Bộ Công Thương, trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32%. Như vậy, với mức giá khoảng 31.000 đồng/lít hiện nay, nếu không có thuế, phí, giá xăng của Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 đô la Mỹ/lít).
Cơ cấu thuế trên mỗi lít xăng dầu có tỷ lệ như sau: thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế xuất nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%. Về thuế bảo vệ môi trường, từ ngày 1-4 đến 31-12-2022 được giảm 50% so với mức quy định đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel, madut, dầu nhờn, mỡ nhờn; riêng dầu hỏa giảm 70%. Giá trị giảm trong khoảng từ 700-2.000 đồng/lít. Sau thời gian này, thuế trở lại mức ban đầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới