Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làm gì để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển?

Vân Phong

-

(KTSG Online) – Cách đây 5 năm (năm 2017) tổng số các doanh nghiệp của Việt Nam là khoảng 500.000, tới thời điểm hiện nay (năm 2022) là khoảng 900.0000. Tuy nhiên, trong khi số lượng doanh nghiệp tăng khá nhanh thì thì tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn không thay đổi, vẫn chiếm đến khoảng 97,5%. Trong khi đó, việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV đang chậm hơn mong đợi và có sự không đồng đều giữa các địa phương.

Chia sẻ với KTSG Online, TS. Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), kiến nghị cơ quan quản lý nhanh chóng tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch để sự sáng tạo được phát triển tự nhiên, phù hợp với hệ sinh thái của nó.

KTSG Online: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm khoảng 97,5% số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, không thay đổi nhiều về tỷ lệ so với thời điểm cách đây 5-6 năm. Phải chăng không có nhiều DNNVV lớn lên trong những năm qua, thưa ông?

TS. Tô Hoài Nam: Trước tiên, việc các DNNVV chiếm khoảng 97% trong tổng số các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam và không thay đổi nhiều trong 5 năm qua không phải điểm “cá biệt” của Việt Nam so với các nền kinh tế khác thế giới. Hiện tỷ lệ DNNVV trong tổng số các doanh nghiệp của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, bao gồm những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và cả các nền kinh tế Đông Nam Á, đều ở mức 97-99% .

Việc thay đổi tỷ lệ này theo hướng “tăng lên hoặc giảm đi”, tôi chưa đề cập đến điều đó sẽ là đúng hay sai, nhưng có thể nói là sẽ khác với điểm chung của thế giới.

Nếu tiếp cận dưới góc độ “những con số biết nói”, nghĩa là cách đây 5 năm (năm 2017) tổng số các doanh nghiệp của Việt Nam là khoảng 500.000, tới thời điểm hiện nay (năm 2022) là khoảng 900.0000. Trong khi đó, tỷ trọng các DNNVV vẫn không thay đổi thì có thể thấy về số lượng doanh nghiệp đã lớn gia tăng tương ứng từ khoảng 12.500 doanh nghiệp năm 2017 lên 22.500 doanh nghiệp năm 2022.

Yếu tố nào khiến những doanh nghiệp còn lại chưa thể lớn và mạnh hơn trong cùng thời gian 5 năm?

Không riêng Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định DNNVV là “động lực tăng trưởng” và “xương sống” của nền kinh tế. Cộng đồng này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển trong những năm qua. Cụ thể, năm 2017, Quốc Hội ban hành đạo luật giành riêng cho khu vực này, để thiết lập đồng bộ các hệ thống chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV.

 

Sau 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, khó khăn. Cụ thể, nhiều quy định mới, đột phá, tương đối toàn diện từ hỗ trợ cơ bản tới hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, nhưng chưa thể áp dụng ngay trên thực tế vì cần có quy định hướng dẫn cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành liên quan với nội dung hướng dẫn chi tiết hoặc do các hạn chế về năng lực thực thi chính sách, pháp luật của một số cơ quan nhà nước còn yếu kém.

Trong phạm vi cuộc trao đổi này, tôi chỉ đề cập một số điểm có tính chung nhất.

Thứ nhất, cơ chế hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.

Thứ hai, nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến các địa phương chưa chủ động bố trí được kinh phí hỗ trợ theo quy định. Đa số các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình hoặc đề án hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Luật nhưng chưa bố trí được kinh phí triển khai, trong khi nguồn lực trung ương cũng chưa chủ động được để tập trung vào triển khai một số chính sách trọng tâm.

 

Thứ ba, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi hiện nay các quy định chủ yếu là hướng đến tính hình thức tổ chức, rất thiếu những quy định tác động vào sự thay đổi về quy mô, coi trọng sự phát triển số lượng hơn chất lượng cho nên giá trị thiết thực cho hoạt động sản xuất – kinh doanh không trở thành động lực chính nên họ không muốn chuyển đổi.

Thứ tư, hạn chế từ phía các DNNVV. Những vấn đề nội tại của DNNVV như quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, số liệu thiếu chính xác, thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo.

Ngoài ra, DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đại diện của mình, tổ chức hỗ trợ, cơ quan quản lý nhà nước... dẫn đến việc triển khai, hấp phụ các các nguồn lực hỗ trợ hạn chế.

- KTSG Online: Vậy các DNNVV cần gì để phát triển?

- DNNVV rất cần cơ quan quản lý nhanh chóng tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch để sự sáng tạo được phát triển tự nhiên, phù hợp với hệ sinh thái của nó. Ngoài ra, cần gia tăng tăng tỷ trọng doanh nghiệp cỡ vừa. Hiện tỷ lệ doanh nghiệp cỡ vừa ở Việt Nam chưa đến 3%, đây là mức rất thấp.

Đây là quan điểm tôi đã nhiều lần, nhiều năm bảo vệ, thậm chí tranh luận rất quyết liệt với nhiều cơ quan, tổ chức với tư cách là thành viên soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và hiện đang làm việc chuyên trách ở tổ chức đại diện cấp quốc gia của các DNNVV.

Cũng cần phải thẳng thắn nói rằng, đến nay đạo luật này đang đi vào cuộc sống, nhưng rất tiếc là việc triển khai chậm hơn mong đợi và không đồng đều giữa các địa phương.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để giúp các doanh nghiệp nhỏ trở nên lớn hơn và mạnh hơn trong thời gian tới?

Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng phải mở rộng quy mô vốn vay cho các DNNVV, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết…

Thứ hai, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Đồng thời, cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi.

Thứ ba, nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp DNNVV, gồm cả tiểu thương nghiệp nhằm hỗ trợ đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng của khách hàng, bạn hàng với xu hướng chuyển đổi từ giao dịch mua, bán hàng hoá trực tiếp sang online.

Đây được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt để giúp họ tồn tại và phát triển, bởi phần lớn doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương được xác định là công cụ thoát nghèo gắn chặt với vấn đề an sinh xã hội.

Thứ tư, thực hiện hỗ trợ qua hình thức mua sắm công đối với giá gói thầu xây dựng dưới 5 tỉ đồng và mua sắm hàng hoá dịch vụ dưới 3 tỉ đồng sử dụng ngân sách phải dành cho các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Với những gói thầu đòi hỏi  năng lực khoa học công nghệ quá cao hoặc có giá gói thầu xây dựng trên 5 tỉ đồng và mua sắm hàng hoá dịch vụ trên 3 tỉ đồng thì ưu tiên cho các nhà thầu có sử dụng nhà thầu phụ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ năm, triển khai nhanh chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ DNNVV. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup), doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang khẳng định tiềm năng phát triển theo hướng dựa vào yếu tố nâng cao năng suất thay cho yếu tố như khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ.

Nếu được hỗ trợ đầy đủ, khu vực này sẽ khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, cũng chính là phương án khả thi nhất cho Việt Nam có thể đưa được các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ từ các viện, trường vào thực tiễn cuộc sống. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam thông qua khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả được nâng tầm ở năng lực sáng tạo và yếu tố khoa học công nghệ.

Thứ sáu, tạo cơ chế thuận lợi, đặc biệt là mặt bằng và thủ tục trình tự xét duyệt dự án nhằm khuyến khích các nhà đầu tư, tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập các khu, cụm ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho DNNVV, gồm: đo lường, phân tích, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hoá, vật liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất – kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm hàng hoá cho các DNNVV.

Đây là nội dung hỗ trợ đã được “mở đường”, được khuyến khích thực hiện trong nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước và gần đây nhất là Luật Hỗ trợ DNNVV nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương chậm đổi mới về tư duy, với suy nghĩ là những dự án dạng này chỉ có nhà nước mới làm. Tư nhân thì không thể làm được với nhận định tư nhân đầu tư thì dự án phải có khả năng sinh lời cao. Đây là nhận định đang “lỗi thời”, ngược lại với những bằng chứng cho thấy sự đánh giá khác nhau, thậm trí ngược nhau về giá trị sinh lời giữa hai chủ thể tư nhân và một số cơ quan nhà nước.

Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV trên hai phương diện ban hành chính sách pháp luật và thực thi.

Với chính sách, phải nhanh chóng kiện toàn và ban hành đồng bộ các văn bản dưới luật, đồng thời hết sức chú ý đến tính hấp dẫn, khuyến khích trong các quy định để thu hút được tối đa nguồn lực ngoài nhà nước.

Với khâu thực thi, các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ DNNVV phải ưu tiên bố trí nguồn lực (chủ yếu là kinh phí tài chính) tối thiểu là gấp 10 lần năm 2021, để đạt được “ngưỡng quy mô” cần thiết mới đủ tạo tác động tích cực, lan toả nhanh chóng đến cộng đồng DNNVV.

Theo ông, tổ chức đại diện doanh nghiệp và DNNVV có thể đóng góp gì trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên phát triển?

Theo tôi, các tổ chức đại diện doanh nghiệp/DNNVV cần không ngừng hối thúc và chủ động đề nghị phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ DNNVV, tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên thông qua các hoạt động tư vấn pháp lý, kết nối thông tin, đào tạo tăng cường năng lực quản trị kinh doanh.

Thêm vào đó, các DNNVV cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác và tự cường trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình để tạo thành khối gắn kết và đoàn kết để tạo nên quy mô đủ lớn về kinh tế từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng DNNVV.

Bên cạnh hành động quyết liệt, khi cần phải dám tranh cãi, tranh luận để đòi quyền được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chính đáng Nhà nước đã ban hành. Theo nghiên cứu khảo sát của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, các DNNVV được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ nhà nước đều là những DNNVV hành động quyết liệt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Vân Phong - Hình ảnh: Lê Vũ - Đồ họa: Thu Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây