Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làm gì để vượt qua nỗi sợ ‘call margin’?

Lê Xuân Huy (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Onine) - Thống kê mới đây cho thấy dư nợ margin trên thị trường chứng khoán trong quí 1-2024 đạt kỷ lục và vượt cả giai đoạn thị trường ở vùng đỉnh hơn 1.500 điểm. Dữ liệu này đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại lịch sử của nhịp giảm rất mạnh năm 2022 có thể lặp lại. Vậy, nhà đầu tư nên làm gì để sử dụng margin một cách hiệu quả?  

Kể từ năm 2020 cho tới nay, sau đại dịch Covid-19, thanh khoản giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng mạnh với nhiều phiên lập kỷ lục. Trong đó, phiên kỷ lục cao nhất từ trước đến nay ghi nhận thanh khoản toàn thị trường đạt 2,2 tỉ đô la Mỹ, gấp 12 lần so với thanh khoản trung bình năm 2019. Thanh khoản giao dịch tăng cao đến từ sự gia tăng nhanh chóng của nhóm nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán kết hợp với nhu cầu vay ký quỹ (margin) tăng mạnh của chính nhóm nhà đầu tư này.

Theo quy định, một công ty chứng khoán không được phép cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vay margin ngày càng cao của nhà đầu tư, các công ty chứng khoán đã có một giai đoạn tăng vốn thần tốc từ năm 2020 cho tới nay. Việc tăng vốn này đã đáp ứng được gần như tất cả các nhu cầu vay margin của nhà đầu tư.

Theo số liệu mới nhất, trong quí 1-2024, dư nợ margin đã lập kỷ lục khi lên tới 191.300 tỉ đồng, thế nhưng “room” cho vay vẫn còn thừa gần 300.000 tỉ đồng. Do đó, quy mô dư nợ có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới1.

Vay margin là việc nhà đầu tư vay một phần tiền của công ty chứng khoán để mua cổ phiếu. Ví dụ với tỷ lệ 50%, họ chỉ cần bỏ ra một nửa số tiền cần mua, nửa còn lại công ty chứng khoán sẽ cho vay. Khi cổ phiếu tăng 15%, nhà đầu tư sẽ lãi 30% trên số vốn bỏ ra. Còn khi cổ phiếu giảm 15%, nhà đầu tư sẽ lỗ 30%. Tiếp theo đó, nhà đầu tư sẽ bị “call” margin, tức phải nộp thêm tiền vào tài khoản, nếu không cổ phiếu sẽ bị công ty chứng khoán bán.

Quy mô dư nợ margin ngày càng lớn đồng nghĩa nhà đầu tư có thể nâng cao lợi nhuận khi thị trường tăng, nhưng sẽ ẩn chứa rủi ro rất lớn khi thị trường giảm, vì khi thị trường giảm có thể sẽ kích hoạt làn sóng call margin trên diện rộng. Từ đó, thị trường sẽ giảm mạnh hơn và sâu hơn, và rộng hơn khiến cho các nhà dầu tư vay margin để mua cổ phiếu thua lỗ nặng nề.

Quá khứ đã từng xảy ra hiện tượng này. Nhìn lại giai đoạn thị trường từ quí 2-2020 đến quí 1-2022, chỉ số VN-Index đã tăng mạnh từ vùng 660 điểm lên trên vùng 1.500 điểm. Dư nợ margin khi đó cũng tăng mạnh lên mức kỷ lục đã giúp cho rất nhiều nhà đầu tư lãi lớn.

Tuy nhiên, tới quí 2-2022, thị trường xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực khiến cho VN-Index giảm mạnh, đồng thời kích hoạt làn sóng call margin trên diện rộng. Thông tin xấu cộng hưởng cùng làn sóng call margin đã khiến thị trường giảm rất nhanh và mạnh.

Theo đó, chỉ trong vòng 7 tháng, thị trường đã giảm tới 40%, tương đương gần 600 điểm. Nhiều nhà đầu tư từ lãi lớn trong giai đoạn thị trường tăng đã mất hết toàn bộ lợi nhuận, thậm chí còn âm vốn đáng kể.

Như vậy, margin luôn ẩn chứa những rủi ro lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mà nó mang lại. Do đó, trước khi nghĩ tới lợi nhuận có thể mang lại khi sử dụng margin, nhà đầu tư nên quản trị rủi ro chặt chẽ. Để quản trị một cách tốt nhất, trước khi sử dụng margin, nhà đầu tư nên đặt ra các nguyên tắc của mình và tuyệt đối tuân thủ những nguyên tắc đó.

Đầu tiên, nhà đầu tư chỉ sử dụng margin khi thị trường đang có xu hướng tăng. Còn trong trường hợp thị trường có xu hướng giảm và đi ngang thì không nên mua cổ phiếu bằng margin. Khi xu hướng tăng của thị trường đã kết thúc, nhà đầu tư cần phải bán cổ phiếu ngay để đưa dư nợ vay margin về mức 0.

Chỉ nên sử dụng margin cho các giao dịch ngắn hạn. Khi giá cổ phiếu biến động không đúng như dự đoán, nhà đầu tư nên bán ra cổ phiếu để tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu khác thay vì nắm giữ dài hạn để chờ đợi giá cổ phiếu tăng lên.

Điều thứ hai, nhà đầu tư nên giới hạn những cổ phiếu có thể mua bằng margin dựa trên các yếu tố như: doanh nghiệp có cơ bản tốt, thông tin tài chính minh bạch, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu dưới 1… Bên cạnh đó, thanh khoản cổ phiếu cần trên 500.000 cổ phiếu/phiên và không có sự biến động quá nhanh, quá mạnh trong thời gian ngắn như trần, sàn liên tục.

Điều thứ ba, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng cách mua từ 3-4 cổ phiếu, đồng thời đặt ra tỷ lệ sử dụng margin tối đa để hạn chế rủi ro bị call margin khi thị trường giảm điểm. Bên cạnh đó, khi thị trường không thuận lợi, những cổ phiếu được mua bằng margin giảm giá sẽ giảm rất nhanh. Do đó, nhà đầu tư nên đưa ra nguyên tắc cắt lỗ cố định khoảng từ 4-5%.

Cuối cùng, những nhà đầu tư sử dụng margin để mua cổ phiếu phải luôn chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng để sẵn sàng đối mặt với bất kể tình huống biến động nào của thị trường. Có như vậy, nhà đầu tư mới có thể tự tin để mua bán theo đúng nguyên tắc mà bản thân đã đặt ra từ trước khi mua cổ phiếu.

---

(*) Chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân

1https://vneconomy.vn/du-no-margin-von-chu-so-huu-thap-ky-luc-room-cho-vay-thua-khong-lo-gan-300-000-ty.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Call Margin là một dạng đòn bẩy tài chính. Như thế thì thị trường mới sinh động hơn mức bình thường. Nguyên tắc sử dụng đòn bẩy tài chính là chủ nhân phải biết kiềm chế khi cần thiết. Như vậy, cũng có nghĩa là vẫn có tình huống không kiềm chế vì bất cứ lý do nào. Với những người thành thạo thị trường, họ chấp nhận rủi ro như là một phương án kinh doanh nằm trong sự chủ động tính toán. Tuy nhiên, bất luận tình huống nào thì cũng luôn có một chỗ dựa hoặc lối thoát nào đó. Cách khả dĩ nhất là luôn có một trụ cột tài chính bổ sung, luôn đồng hành. Điều này tùy thuộc chủ yếu vào uy tín của tổ chức/ cá nhân đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới