Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làm gì để vượt qua suy thoái?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm gì để vượt qua suy thoái?

Kể cả khi ngân hàng mở cửa, doanh nghiệp cũng chỉ mạnh dạn đi vay khi biết chắc chắn rằng sẽ bỏ vốn vào đâu - Ảnh: Lê Toàn.

LTS: Cùng với suy thoái chung của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở trong nước từ cuối năm ngoái đến nay đã phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, kinh doanh, thậm chí đã đóng cửa. Họ đang và sẽ làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng này?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sẽ mở diễn đàn "Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) làm gì để vượt qua suy thoái?" ghi nhận ý kiến, suy nghĩ của các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cũng như các bài viết của phóng viên phản ánh tình hình khó khăn của doanh nghiệp và những đề xuất, kiến nghị có thể giúp doanh nghiệp trụ vững trong "cơn lốc" suy giảm kinh tế.

Bài vở, ý kiến tham gia diễn đàn "Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) làm gì để vượt qua suy thoái?" xin gửi về tòa soạn theo email: online@thesaigontimes.vn

Để mở đầu cho diễn đàn, tòa soạn xin giới thiệu bài viết của phóng viên Ngọc Lan ghi nhận trường hợp khó khăn của một doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất (doanh nghiệp này đề nghị không nêu tên): 

Khi cánh cửa khép...

(TBKTSG Online) - Thế là những lo lắng của chị X - một người phụ nữ luôn mềm dẻo trên thương trường suốt 20 năm qua, về nguy cơ tạm đóng cửa doanh nghiệp trước sự suy giảm kinh tế từ 6 tháng trước, đã bị trở thành hiện thực kể từ ngày 23-2.

Câu chuyện của chị X liên quan đến hơn 500 con người khác đang vật lộn với một cuộc “thất nghiệp” toàn diện từ vật chất đến tinh thần.

Chị X, người phụ nữ gần 50 tuổi - với vẻ bề ngoài trẻ hơn tuổi thật, giản dị và nhanh nhẹn, làm giám đốc một công ty cổ phần chuyên sản xuất mặt hàng giày dép gia công xuất khẩu cho Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Nhà máy của chị đặt tại Hà Đông (Hà Nội).

Trước khi bước ra điều hành một doanh nghiệp ngoài nhà nước, chị đã từ chối một vị trí lãnh đạo cấp vụ ở Bộ Công nghiệp trước kia (nay là Bộ Công Thương), vì thích làm những công việc liên quan trực tiếp đến sản xuất hơn là ngồi bàn giấy làm chính sách.

Cách đây chừng nửa năm, khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ nổ ra, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu ở Việt Nam, tôi đã ngồi với chị để được nghe những câu chuyện thực tế về việc doanh nghiệp như thế làm cách nào để chống đỡ lại sức “công phá” của cơn khủng hoảng, nhất là khi các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường chính đang bắt đầu mất dần và người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu bắt đầu thắt chặt chi tiêu.

Ở thời điểm ấy, người phụ nữ này rất khó khăn mới có được những phút giây thư thả bởi còn lo đi về giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và một số thị trường châu Âu khác để đàm phán, tìm kiếm và duy trì đơn hàng.

“Tình trạng này không nói trước được điều gì và tôi e rằng, đến năm 2009, khi độ trễ khủng hoảng ngấm sâu, bạn sẽ chứng kiến cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn và cảnh nhiều nhà máy đóng cửa đến thế nào”, câu nói mà tôi được nghe từ nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng đã  lặp lại ở người phụ nữ có 20 kinh nghiệm trên thương trường và  “luôn biết mình ở đâu” với vẻ ngoài lúc nào cũng nhẹ nhàng và có phần kín đáo.

Thế rồi ba tháng sau, trên một cuộc điện thoại, chị nói rằng, 8 dây chuyền sản xuất của công ty đã tạm ngừng hoạt động, chỉ còn lại 3 dây chuyền đang thực hiện những đơn đặt hàng đã ký từ trước. Lúc ấy, cũng là thời điểm Hà Nội phải hứng chịu một cơn ngập lụt chưa từng có trong lịch sử.

Các dây chuyền sản xuất đã tạm ngừng hoạt động nhưng công nhân vẫn đi làm để dọn vệ sinh vì nước ngập lên bất ngờ, máy móc trục trặc phải được bảo dưỡng để đợi đơn hàng vận hành trở lại. Riêng tiền dầu máy để bảo dưỡng cho một dây chuyền sản xuất, theo chị tính cỡ khoảng 200 triệu đồng.

Ở một doanh nghiệp khác mà chị làm cổ đông lớn, có nhà máy tại Hải Phòng chuyên sản xuất hàng trang trí vào thị trường Mỹ, thì tác động của suy giảm kinh tế cũng đến rất nhanh. Đối tác bên Mỹ phá sản. Đối tác ở Đài Loan đã phải bay sang Hà Nội để bàn cách giải quyết cho nhà máy, vì đầu ra ở Mỹ đã không còn tồn tại nữa.

Lúc ấy, dốc hết tâm lực của một người có 20 năm kinh nghiệm làm ăn với các đối tác nước ngoài, cộng với khả năng thông thạo tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, chị có mặt ở tất cả các thị trường quen thuộc, liên tục thắt chặt các quan hệ với đối tác ở Trung Quốc, châu Âu để tìm những đơn hàng giá rẻ cho hơn 500 con người đang trông chờ vào các đơn hàng ở nhà máy gia công giày xuất khẩu.

Nhưng đến cuối tuần vừa rồi, thì những cố gắng ấy tạm thời phải khép lại. Doanh nghiệp mà chị và các cộng sự đã cùng chèo chống yên ổn trong suốt quãng thời gian qua đã chính thức phải tạm đóng cửa. Dù đã chuẩn bị tinh thần, đón trước tình hình và cố gắng hết sức, nhưng người phụ nữ cứng cỏi ấy đã không trụ được.

Tôi biết chị không thiếu tiền và tài sản sau chừng ấy năm lăn lộn ở thương trường. Kể cả khi nhà máy đóng cửa vĩnh viễn, chị vẫn đủ sức, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính để tiếp tục kinh doanh các lĩnh vực khác, dù quy mô và tính chất có thể khác đi. Có điều, nỗi lo cho hơn 500 lao động cũng như gia đình họ phía sau khiến tâm trí chị không yên.

Một câu hỏi của tôi: “Rất nhiều doanh nghiệp còn nhỏ hơn doanh nghiệp của chị, có thể còn gặp khó khăn hơn chị nhưng họ vẫn cầm cự được, không lẽ chị sớm 'đầu hàng'?”. “Vì người ta không dễ chia sẻ những khó khăn với bạn, vì doanh nghiệp không thể nói thật hết với bạn bởi đằng sau họ là những khoản vay ngân hàng, là đời sống của bao nhiêu con người. Nếu nói ra giải quyết được gì thì có thể họ sẽ nói. Nhưng cách tốt nhất là họ làm, cho đến khi không còn cách để làm mới thôi”, chị nói.

“Những bạn hàng truyền thống của chị suốt bao năm qua đâu?”. “Gần nhất là một hãng giày rất nổi tiếng của Anh, đối tác lâu năm mà chúng tôi xuất sang hàng trăm ngàn đôi/đơn hàng đã phá sản. Còn một đơn hàng cuối cho họ, chúng tôi vẫn chịu tiền vận chuyển qua đó, may ra khi thanh lý tài sản và rà soát các hợp đồng, trong khách hàng còn có tên chúng tôi được pháp luật tính toán chi trả. Để hàng lại trong nước cũng không giải quyết được gì”.

Các đối tác khác ở Trung Quốc, Đài Loan, nếu người nào ít bị ảnh hưởng thì cũng đã co hẹp 50% công suất. Chị nói rằng, họ lo cho họ chưa xong.

“Phao” tiếp sức cho doanh nghiệp như tiền hỗ trợ lãi vay từ gói kích cầu của Chính phủ, mức ưu đãi lãi suất thấp từ các ngân hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu, rồi giãn nợ, giảm thuế và hoàn thuế... không phải là vấn đề nằm ngoài sự quan tâm của chị. “Tôi sẵn sàng vay ngân hàng để tiếp tục trả lương cho công nhân và duy trì nhà máy vì bây giờ mới chỉ là tạm đóng cửa, khi nhà máy hoạt động trở lại, đi tìm kiếm và đào tạo nhân công cũng là vấn đề. Nhưng tôi không thể vay khi trong tay chưa chắc chắn các đơn hàng”, chị cân nhắc.

Sự suy giảm dây chuyền từ các đối tác khiến cho các hợp đồng đàm phán chưa có câu trả lời cuối cùng nên không thể vay tiền ngân hàng hay đầu tư vì chưa biết chính xác đến thời điểm nào mới khôi phục được sản xuất. Đầu vào gặp nút thắt, chị nghĩ đầu tư vô định còn mạo hiểm hơn tạm dừng.

Câu chuyện của chị X không phải là câu chuyện khó thấy ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thời điểm này. 

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới