Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làm gì trong thời khủng hoảng?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm gì trong thời khủng hoảng?

(TBKTSG) - Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, gây nguy cơ cao cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Về phần mình, các doanh nghiệp cần xem xét lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, đánh giá lại thị trường xuất khẩu hoặc nội địa, định biên nhân sự hợp lý hơn, cắt giảm chi phí không cần thiết, các tiêu hao, lãng phí, tiết kiệm vật tư, kể cả khi dự trữ cũng phải tính toán đến biến động giá giảm chứ không phải giá tăng; xây dựng định mức mới theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành và đẩy mạnh các biện pháp tiếp thị và quảng bá như giảm giá bán để duy trì sức mua.

Rõ ràng đối với các doanh nghiệp, đây là thời điểm sắp xếp lại cơ cấu, mặt hàng, thị trường, xây dựng nhận thức “đối mặt với khủng hoảng để tồn tại”. Tuy nhiên, nếu chỉ doanh nghiệp đơn lẻ xử lý khủng hoảng không thôi thì chưa đủ, cần có kế hoạch xử lý khủng hoảng ở cấp quản lý nhà nước, ở sự điều hành chính sách của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

    - Chính phủ cần tuyên bố rõ Việt Nam đang ở giai đoạn nào của từng thời kỳ khủng hoảng và mức độ suy giảm kinh tế. Sự công khai minh bạch này rất cần thiết vì doanh nghiệp phụ thuộc vào sự điều chỉnh chính sách của Chính phủ.

    - Các bộ chuyên ngành cần chỉ đạo và tổng hợp nhiều hơn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân để có thể đề ra các giải pháp thích hợp.

    - Không nên thực hiện các chính sách làm tăng thêm các khoản chi của các doanh nghiệp trong thời điểm này như việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa được Quốc hội thông qua và áp dụng từ 1-1-2009 (chỉ nên thực hiện bộ luật này khi các doanh nghiệp và Chính phủ cùng có chung đánh giá rằng thời kỳ khủng hoảng đã qua và doanh nghiệp có đủ điều kiện để hoạt động và tạo ra lợi nhuận). Chủ trương giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này là một chủ trương đúng đắn.

    - Xem xét việc điều tiết vốn và lãi suất ngân hàng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là một việc làm cấp bách và cần thiết đối với doanh nghiệp tư nhân (dù lãi suất vay hợp lý nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không dám vay vì sợ sản phẩm không tiêu thụ được do thị trường suy giảm sức mua), cần tiếp tục hạ lãi suất cơ bản, nên giảm hoặc hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhằm giúp doanh nghiệp có thể tự cân đối và điều tiết vốn khi không vay được tiền của ngân hàng.

    - Chính phủ cần xây dựng các nhóm giải pháp năng động, linh hoạt. Khi cần điều chỉnh chính sách thì có thể thực hiện nhanh, tạo ra được sức bật và kích thích nền kinh tế.

Ngoài ra, cần sớm đưa ra các dự báo chính xác để doanh nghiệp có thể chủ động, và cần tuyên bố năm 2009 sẽ không tăng giá điện, xăng dầu, khí ga, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trị bệnh cho người và các loại sản phẩm thiết yếu, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân. Đó cũng là cách Nhà nước giúp cho doanh nghiệp và người dân cùng tham gia khắc phục hệ quả suy giảm kinh tế.

ĐỖ LONG - Công ty Bita’s

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới