(KTSG) - Sau dư âm của vụ án Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đón nhận “cú sốc” mới từ Vạn Thịnh Phát. Sự kiện này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường.
- Vòng xoáy rủi ro trái phiếu doanh nghiệp
- Xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Lượng phát hành tiếp tục sụt giảm
Trong thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn chưa hết “nóng” khi nhà đầu tư đang liên tục lo lắng về sức khỏe của các khoản TPDN mình đang nắm giữ. Trên thực tế, kênh huy động vốn thông qua TPDN cũng đã và đang có những phản ứng đầu tiên trước các quy định chặt chẽ hơn từ Nghị định 65/2022. Các doanh nghiệp phát hành cầm chừng do nghị định mới, đồng thời cũng tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi các quy định mới.
Cụ thể trong tháng 9, hoạt động phát hành TPDN tiếp tục xu hướng giảm từ đầu quí 3-2022 đến nay với giá trị phát hành trong tháng 9 chỉ đạt 16.100 tỉ đồng, giảm 18,27% so với tháng trước và 76,44% so với cùng kỳ. Hoạt động phát hành của các tổ chức tín dụng tiếp tục dẫn đầu thị trường với tổng số 22 đợt phát hành, quy mô đạt 10.200 tỉ đồng, giảm 40,2% so với tháng trước và chiếm 63% thị trường. Trong đó, lô trái phiếu có giá trị lớn nhất 3.000 tỉ đồng thuộc về VietinBank.
Về cơ bản, hoạt động phát hành sụt giảm được cho là do phần lớn các ngân hàng đã huy động đủ nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng tỷ lệ quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN (áp dụng từ ngày 1-10-2022). Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản vẫn chưa có nhiều tiến triển khi chỉ ghi nhận hai lô phát hành trong tháng 9 với tổng giá trị đạt 2.800 tỉ đồng.
Các đơn vị phát hành bao gồm Công ty TNHH No Va Thảo Điền với lô trái phiếu 2.300 tỉ đồng và CTCP Đầu tư bất động sản Sơn Kim với lô trái phiếu 500 tỉ đồng. Giá trị phát hành ghi nhận tăng trưởng so với tháng trước, song nhìn chung hoạt động phát hành của các doanh nghiệp bất động sản vẫn tiếp tục đình trệ.
Tỉnh táo để có hành động đúng
Sau dư âm của vụ án Tân Hoàng Minh, thị trường TPDN tiếp tục đón nhận cú sốc mới từ vụ án liên quan Vạn Thịnh Phát. Sự kiện này đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường.
Trong trường hợp nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi và/hoặc gốc, việc chấp nhận đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên.
Theo dữ liệu thống kê của FiinGroup, tính tới ngày 30-9-2022, số dư TPDN ở Việt Nam ở mức hơn 1,3 triệu tỉ đồng, giảm 200.000 tỉ đồng so với cuối năm 2021. Trong số hơn 1,3 triệu tỉ đồng này, có hơn 400.000 tỉ đồng trái phiếu là do các ngân hàng phát hành (có mức độ rủi ro khá thấp).
Còn lại với khối doanh nghiệp phi ngân hàng thì trong số 920.000 tỉ đồng, dư nợ trái phiếu bất động sản hiện có số lưu hành là 455.000 tỉ đồng. Theo đánh giá của FiinGroup, con số này là lớn nhưng cũng chỉ chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Nhìn sang Trung Quốc, dư nợ TPDN lên tới 8.000 tỉ đô la Mỹ, chiếm 44% GDP nhưng nước này vẫn xử lý được sau thời gian bất ổn hai năm qua. Tỷ lệ này ở Việt Nam vào cuối năm 2021 mới chỉ đạt mức 15% GDP.
Về mặt vĩ mô, cần phải khẳng định lại rằng TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp giảm sự lệ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng, qua đó giúp chia sẻ gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng thương mại.
Vì vậy, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của kênh huy động vốn này là chủ trương nhất quán của Chính phủ. Những động thái vừa qua của các cơ quan quản lý liên quan tới thị trường TPDN, như siết chặt quy định về phát hành TPDN riêng lẻ, nâng cao tính minh bạch của thị trường… được các chuyên gia đánh giá là những biện pháp cần thiết giúp thị trường phát triển bền vững trong tương lai.
Với các nhà đầu tư trái phiếu, thực tế vài năm qua đã cho thấy đây là kênh đầu tư hấp dẫn và hiệu quả hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Mức chênh lệch về lợi tức lên tới 3-4 điểm phần trăm giữa hai kênh này là lý do thúc đẩy quy mô của thị trường TPDN lên tới 1,5 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2021.
Trước khi sự kiện Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát diễn ra, nhà đầu tư trong nước tỏ ra ít quan tâm tới những yếu tố như uy tín của tổ chức phát hành hay tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu mà họ đầu tư. Họ đặt niềm tin vào nhân viên tư vấn và nhà phân phối và phần lớn chỉ quan tâm tới yếu tố lãi suất. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ sớm có sự thay đổi sau các “cú sốc” gần đây.
Về cơ bản, trên thị trường hiện nay có hai loại TPDN là trái phiếu có tài sản bảo đảm và trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Theo các chuyên gia, khi đầu tư vào trái phiếu không có tài sản bảo đảm (tín chấp) thì cần chọn các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao trên thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần quan tâm tới mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành.
Với các trái phiếu có tài sản bảo đảm, sẽ là tốt nhất nếu nhà đầu tư tìm và chọn được các trái phiếu được bảo đảm bởi tài sản có tính thanh khoản cao như giấy tờ có giá, chứng chỉ tiền gửi ngân hàng, hay cổ phiếu của các doanh nghiệp có thanh khoản cao. Nếu cổ phiếu có thanh khoản thấp thì khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ, sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý tài sản bảo đảm loại này.
Với những trái phiếu được bảo đảm bởi bất động sản, máy móc thiết bị… thì thực tế tại các ngân hàng thương mại nhiều năm trở lại đây cho thấy, việc bán các tài sản bảo đảm loại này để thu hồi nợ là không hề dễ dàng và mất rất nhiều thời gian, công sức.
Trên cơ sở đó, FiinGroup khuyến nghị nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN nên giữ bình tĩnh trước các thông tin nhiễu loạn được lan truyền, tránh việc bán tháo và cắt lỗ TPDN đang nắm giữ mà không đánh giá được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp phát hành. Trong trường hợp nhà đầu tư đang sở hữu các trái phiếu mà doanh nghiệp không thể trả lãi và/hoặc gốc, việc chấp nhận đàm phán và dàn xếp với doanh nghiệp và các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp tốt cho các bên.
Sau vụ lùm xùm TPDN Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát là bài học cảnh giác cho những nhà đầu tư cần tìm hiểu kĩ lưỡng trước khi “xuống tiền”.