Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lam lũ nghề soi ếch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lam lũ nghề soi ếch

Tranh thủ ăn bữa cơm chiều trên ghe trước khi lên đường soi ếch. Ảnh: LHV.

(TBKTSG) – Nghề soi bắt ếch mà một số người quen gọi là săn “gà đồng” không biết có tự bao giờ, là nghề “gia truyền” ở một số làng quê sông nước miền Tây dù thu nhập chẳng là bao. Vì nghèo người dân buộc phải bám nghề và đa phần những gia đình theo nghề này con cái học hành chẳng đến đâu…

Cánh vạc đêm sương 

Dân soi ếch không khác gì những cánh vạc ăn đêm. Sương khuya lạnh buốt, mặc mưa sa rơi trắng đêm dài, họ vẫn lầm lũi đi trên những chiếc xuồng ba lá độc mộc, nhè nhẹ bơi tìm ếch bắt. Hầu như ai theo nghề này học vấn cũng rất thấp, con nhà nghèo. 

Cứ vào khoảng 3-4 giờ chiều là dân soi ếch kệ nệ xuồng, bình, chĩa chọt, cơm đùm cơm nắm lên đường. Ở cái xóm nghèo Kinh Quýt (xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) tất cả các gia đình đều làm nghề soi ếch. Mùa lũ về ngập đồng, ếch xuất hiện nhiều nên là mùa làm ăn chính của dân săn “gà đồng”.

Soi hết đồng nhà, họ còn sang tận những cánh đồng xa ở Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang hoặc nơi giáp ranh biên giới Tây Nam. Thế nhưng, thức thâu đêm mỗi người cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn đồng, đủ đong gạo cho những bữa cơm nghèo. 

Tại rừng tràm Huệ Đức, thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, từng là căn cứ kháng chiến của An Giang, cũng có nhiều người làm nghề săn “gà đồng” mùa nước nổi.

Hoàng hôn buông dài trên mặt kênh Huệ Đức cũng là lúc bến sông này trở nên náo nhiệt. Hàng chục chiếc xuồng soi đậu nối đuôi nhau dưới bến, chuẩn bị cho một chuyến đi soi suốt 12 tiếng đồng hồ trong đêm vắng.

Vào cuộc mưu sinh ai cũng tranh thủ. Tranh thủ ăn vội bữa chiều vỏn vẹn chỉ cơm trắng và thịt ếch, để vào những cánh rừng bạt ngàn vùng Tân Tuyến, Cô Tô (Tri Tôn) săn tìm mấy chú “gà đồng”.

“Nói về cái nghề này thì tổn sức lắm. Phải thức thâu đêm mà ngày về ngủ chẳng được bao nhiêu thì lại đến giờ đi soi tiếp. Cực vậy chứ soi bữa có, bữa không, còn tùy thuộc vào trời. Lang bạt kỳ hồ, tha phương khắp tứ xứ nên chẳng ở nhà được mấy hôm” – anh Nguyễn Thanh Hải (37 tuổi) quê ở cầu Kinh Quýt , xã Tân Tiến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, vừa nuốt vội đũa cơm đạm bạc vừa tâm sự.   

Tại một đoạn kênh Huệ Đức, tranh thủ giây phút hiếm hoi trước lúc lên đường săn “gà đồng”, chúng tôi tiếp chuyện cùng anh Nguyễn Thanh Hà (42 tuổi), người đã 17 năm làm nghề soi ếch ở làng Vọng Thê (Thoại Sơn). Anh Hà nói lát nữa hai cha con anh phải đi xuồng hàng chục cây số tìm ếch để soi. Tùy đồng gần hay xa mà giờ xuất bến sớm hoặc muộn. Nhưng thông thường, độ 4 giờ chiều là tất cả phải khởi hành. Chừng 7 giờ tối là đến nơi.

Anh Hà kể: “Khi đi thì anh em cùng đi cả đoàn gần chục chiếc xuồng máy nhỏ. Đến địa điểm soi cũng là lúc ếch không còn nhận thấy bóng người thì chia nhau mỗi thợ soi một chiếc xuồng đi săn bắt. Đồ nghề mang theo chỉ là cây chỉa bắn (để bắn chuột), cây chỉa soi (để đâm ếch) và bộ đèn bình. Cứ thế, chúng tôi lọ mọ suốt đêm rảo qua mấy bờ kênh xâm xấp nước, gặp ếch là rọi thẳng đèn làm chúng chóa mắt ngồi yên thì đưa chỉa đâm bắt”.

Trên những cánh đồng lênh láng nước, nhiều bờ ruộng bị ngập, bọn chuột đồng và rắn nước, rắn hổ hành… không thể trú ngụ trong hang đành trèo lên cây sinh sống. Đêm xuống, bọn chúng cũng như những người thợ săn, rời nơi trú ẩn ra ngoài tìm kiếm thức ăn. Đấy là lúc dân soi ra tay truy tìm để thu về chiến lợi phẩm.

“Ngoài bộ đồ nghề soi ếch, chúng tôi còn mang theo thùng ướp nước đá để khi có ếch bị đâm chết thì làm thịt bỏ vào muối lạnh luôn. Mỗi đêm làm thịt độ ba lần, 22 giờ, 24 giờ và 2 giờ sáng hôm sau” – anh Hà cho biết.

Đến khoảng 4 giờ sáng ngày hôm sau cả hội soi “gà đồng” mới quay về, tiện thể ghé vào chợ bán hết số ếch, chuột, rắn vừa bắt được đêm qua. Về đến nhà thì bình minh đã rõ mặt người, cơm nước buổi sáng xong họ mới được ngả lưng, ngủ vùi. Đến 4 giờ chiều, họ lại tiếp tục một chuyến đi săn mới.

“Có khi nhà bận công chuyện thì ngủ được chỉ ba, bốn tiếng đồng hồ là phải thức. Cứ thế, sức khỏe ngày càng suy kiệt, vì phải thường xuyên thức trắng đêm” – anh Trương Thanh Vũ (37 tuổi) với 15 năm làm nghề soi ếch ở huyện Châu Thành tâm sự.

Nghèo vẫn hoàn nghèo

Những con ếch lớn như thế này bây giờ rất hiếm thấy ngoài thiên nhiên mà chủ yếu là ếch nuôi. Ảnh: LHV.

Cuộc sống kham khổ, nghề không mấy người thích làm, nhưng con cái của những người làm nghề săn “gà đồng” rồi cũng nối gót theo cha. Họa hoằn lắm các em học đến lớp 7, lớp 8 là cao. Đa phần còn lại chỉ nhấp nhem vài ba con chữ trường làng, rồi cũng phải lao vào cuộc mưu sinh.

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hà có bốn đứa con thì ba đứa chỉ học đến lớp bốn, lớp năm là phải nghỉ. “Bởi nhà nghèo nên không có tiền cho con ăn học. Trong nhà còn một đứa đang học lớp 3, chắc chờ khi nào biết đọc, biết viết chút đỉnh tôi cũng phải kéo nó về làm thuê làm mướn, soi ếch kiếm sống; chứ tiền đâu học tiếp bây giờ”, anh Hà than thở.

Cái vòng luẩn quẩn như thế đã đeo đẳng gia đình anh Hà qua nhiều thế hệ. Anh kể vì cha mẹ nghèo nên khi lập gia đình anh chẳng có thứ gì làm của hồi môn. Vợ chồng cùng nhau kéo ra đồng làm thuê, cắt lúa mướn. Mùa lũ đến tranh thủ mua lưới giăng cá bán kiếm tiền. Gần 20 năm trước, khi thấy nghề soi ếch thu nhập khá hơn nên bỏ nghề lưới chuyển sang săn ếch.

“Trước đây mỗi đêm soi bán cả ếch, chuột, rắn kiếm cũng được cả trăm ngàn, đủ trang trải. Bây giờ con cái ngày một lớn, vật giá leo thang mà ếch đồng cũng cạn kiệt nên cuộc sống khó khăn hơn. Hồi trước mỗi đêm một mình tôi có thể săn được 5 ki lô gam ếch. Bây giờ, thêm thằng con trai lớn mà suốt đêm cũng chỉ bắt được nhiều lắm là 4 ki lô gam. Mỗi ký ếch hiện có giá 20.000 đồng, trừ chi phí xăng, nước đá… còn hơn phân nửa, đủ đong gạo cho sáu miệng ăn trong ba ngày. Đêm nào mưa to gió lớn phải nằm nhà là cái đói lại chực chờ”, anh Hà nói. 

Không riêng anh Hà, nhiều người làm nghề săn bắt ếch ở xã An Hòa (Châu Thành) cũng có hoàn cảnh tương tự. Như vợ chồng anh Trương Minh Vũ và chị Nguyễn Thị Hường làm nghề trên 15 năm nhưng đến nay vẫn đủ bề túng thiếu. Hơn 15 năm làm nghề này anh không mua nổi cái nền nhà nên hiện vẫn còn ở nhờ nhà người thân. Gia đình chỉ có hai đứa con, nhưng đứa lớn mới vào lớp 7 đã phải nghỉ, vì không có tiền lo tập sách, học phí.

Nhiều người làm nghề soi ếch cho biết, mấy năm trước họ được công nhận là gia đình nghèo và được chính quyền địa phương cấp sổ hẳn hoi. Tuy nhiên, vì muốn kéo giảm chỉ tiêu hộ nghèo nên hiện nay chính quyền không còn cấp sổ hộ nghèo cho họ nữa. “Mấy năm trước địa phương đến nhà rút sổ và nói là “mượn về thay sổ mới”, rồi mất biệt đến nay. Bởi không thuộc diện hộ nghèo nên con cái chúng tôi cũng không được miễn tiền học phí. Vì thế, khi lo hết nổi thì đành phải bấm bụng cho con nghỉ học, về nhà chẳng biết làm gì”, nhiều thợ soi ếch tâm sự.

LÊ HOÀNG VŨ – THANH TUẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới