Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Làm Người trước đã!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Làm Người trước đã!

Một không gian riêng của trẻ em tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM. Đọc sách có chọn lọc là một cách giúp trẻ nâng cao nhận thức và khả năng phân biệt cái đẹp, cái xấu. Ảnh: Uyên Viễn.

(TBKTSG) - LTS: Tuần trước, TBKTSG có đăng tải một số ý kiến của các bậc phụ huynh, chia sẻ mối lo lắng trước “sức hấp dẫn khó kiểm soát” của Internet đối với con em họ. Tuần này, chúng tôi giới thiệu một góc nhìn khác về vấn đề “con cái với Internet” qua bài viết dưới đây của tác giả Trần Minh.

Internet, phát minh kỳ diệu của thời hiện đại. Với lượng thông tin khổng lồ cùng những chức năng giao tiếp linh hoạt, Internet đang tác động lên suy nghĩ, lối sống của hàng tỉ người. Vậy mà đối với nhiều bậc phụ huynh, Internet là con quái vật xấu xa, lúc nào cũng như chực chờ tấn công con cái họ.

Suy nghĩ đó cũng đáng chia sẻ. Nếu nhìn một bạn trẻ chưa đến tuổi vị thành niên suốt ngày ngồi lì bên máy tính chơi một thứ “game đánh đấm” nào đó, hoặc chat liên tục, hay dán mắt hàng giờ vào những trang chi chít chữ nghĩa mà chúng ta không biết nội dung là gì thì quả là đáng ngại thật.

Nguy hại từ Internet đã được đề cập quá nhiều: tình dục, bạo lực, lừa đảo, cờ bạc..., nghiêm trọng hơn, Internet còn có thể là nơi bọn buôn người ẩn nấp. Khi càng lo lắng, như một cách phản ứng tự nhiên, người lớn càng muốn kiểm soát.

Mỗi khi bàn đến chủ đề con cái với Internet, tuyệt đại đa số phụ huynh đều bày tỏ suy nghĩ làm thế nào để hạn chế (thực chất là cấm đoán) con em mình đến gần máy tính. Họ bàn nhau những thông tin gì là nguy hại; kháo nhau những phần mềm nào hỗ trợ làm bức tường lửa ngăn chặn thông tin; trao đổi kinh nghiệm làm sao để con em mình quên đi máy tính...

Nhưng có lẽ những suy nghĩ kiểu “kiểm soát”, hay nói một cách văn minh hơn là “hướng dẫn” đó hoàn toàn không có căn cứ vững vàng. Một người tự cho mình quyền quyết định gạn lọc thông tin nào tốt, thông tin nào xấu để cung cấp cho người khác chỉ khi họ nghĩ họ hoàn hảo hơn, thông minh và hiểu biết hơn. Trong trường hợp này, tại sao phụ huynh lại nghĩ rằng mình là người biết về Internet hơn những đứa trẻ?

Người lớn chỉ là người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm sống hơn. Nhưng điều đó hoàn toàn không có liên hệ gì đến sự hiểu biết thấu đáo hơn về những tác động của các trò chơi, của các cộng đồng mạng mà con em mình đang sống qua thế giới Internet. Nhiều người lớn, trong đó có rất nhiều người làm cha mẹ cũng đang là nạn nhân của Internet (nghiện game; nghiện chat; bị kích động, dẫn dắt bởi những luồng thông tin trên mạng...). Vậy thì có lý hay không khi mà nạn nhân này lại bàn chuyện kiểm soát nạn nhân kia?

Nhìn nhận những ứng xử của phụ huynh đối với quan hệ giữa con em với Internet như là một vấn đề của quy trình giáo dục cũng thấy có điều bất ổn. Nhiều người ở các thế hệ đã trưởng thành trong xã hội Việt Nam hiện nay từng là nạn nhân của lối giáo dục phong kiến giáo điều, cứng nhắc: trò tuyệt đối phải nghe lời thầy, đã hiểu quá rõ những mặt trái của nó. Bây giờ, qua việc lúc nào cũng muốn cấm đoán, hạn chế con cái, chẳng lẽ, họ lại tiếp tục áp đặt kiểu giáo dục cổ hủ đó vào thế hệ con cháu chăng?

Internet ngày nay không chỉ là một kho thông tin, nguồn giải trí, mà đang là một xã hội đặc biệt trong xã hội lớn mà chúng ta đang sống. Trong đó có người tốt người xấu; có người dễ mến đáng kết bạn, có người dễ ghét cần tránh xa; có cả điều thiện lẫn điều ác. Tách con mình ra khỏi xã hội đó hoặc cho dù chỉ là hạn chế sự tiếp xúc đi nữa, cũng có thể khiến sự phát triển của đứa trẻ có nguy cơ què quặt.

Ở thời đại Internet này, vai trò của các bậc phụ huynh, nên chăng, là bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình, giáo dục cho con em kỹ năng tồn tại tốt trong xã hội mạng đó. Cần dạy cho trẻ cách thức phân biệt đâu là điều thiện, đâu là cái ác; hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng tiếp nhận thông tin, suy nghĩ, hành động phù hợp với lẽ phải và đạo đức xã hội. Cần chăm sóc, nuôi dưỡng tình cảm nơi đứa trẻ nhiều hơn để chúng có thể cảm nhận và trân trọng vẻ đẹp của nhân tính trước những cám dỗ thường tình mang tính bản năng. Hãy bồi dưỡng cho con em ý thức trách nhiệm khi hòa nhập cộng đồng...

Dạy con làm Người trước sự tấn công của Internet hơn là nghĩ đến một biện pháp áp đặt nào đó. Quý phụ huynh có đồng tình với tôi?

Mưa dầm thấm đất?

Đọc những nỗi băn khoăn, lo lắng của các bậc phụ huynh trên TBKTSG trong vấn đề “Con cái với Internet”, tôi thấy có bóng dáng mình trong đó. Tôi cũng là một người mẹ có con trai có lúc đã bị coi là vướng chứng nghiện “game online”. Đó là những năm con tôi học cấp 2. Tôi đã từng hết lời khuyên răn và rèn luyện ý thức của con qua những bài báo về tác hại của Internet, cũng đã đi tìm những “giải pháp ngoài mạng” như chị Thanh Ý để hướng con vào những say mê lành mạnh khác, từng định hướng cho con phải chuyên tâm vào con đường học vấn...

Thực tình tôi cũng chẳng rõ là nhờ may mắn hay là kết quả phải có của những lời giảng giải mưa dầm thấm đất, con tôi dần thay đổi. Nhưng chẳng phải là cháu chịu “cai mạng” mà thay vì chỉ ngồi chơi game suốt, cháu đã biết dành thời gian cho việc thu thập các kiến thức, tài liệu tìm kiếm trên mạng, phục vụ cho một số bài thuyết trình của các môn học, hoặc lên các diễn đàn bàn luận với bạn bè gần xa (trong đó có cả các “game thủ” đã từng chơi chung với cháu) về cách giải một số bài toán hình học, lượng giác hóc búa...

Tôi biết con đã nhận ra ích lợi của Internet cho nhu cầu học tập ở những năm cấp 3. Rồi sự ích lợi đó ngày càng được cháu khai thác nhiều hơn. Cháu đã có những giờ giải trí bằng việc tập chơi đàn piano trên máy tính, hay thư giãn với các bản nhạc hòa tấu không khó tìm thấy trên mạng...

Tôi đã không thể phủ nhận những lợi ích từ Internet đối với việc tiếp thu kiến thức, hấp thụ văn hóa ở con trai. Phải chăng điều quan trọng là trẻ nhận thức được những điều tốt xấu, từ đó định hướng việc sử dụng Internet đúng mục đích? Khi đó, Internet là một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống. Tôi từ một bà mẹ khổ tâm và bất lực, chỉ có thể nêu chút kinh nghiệm là cần kiên nhẫn gần gũi tâm sự với con, có khi chúng hiểu ra...

Thanh Thanh (quận 7, TPHCM)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới