Làm nhiều việc cùng lúc: chơi 'trốn tìm' với sếp
Song Thanh
(KTSG) - Theo Wall Street Journal, một nhóm nhỏ các nhân viên trong nhiều lĩnh vực, đã tìm ra một cách thức để tăng gấp đôi thu nhập trong thời kỳ đại dịch: làm hai hay thậm chí là nhiều công việc toàn thời gian từ xa. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ, không được nói với bất kỳ ai về điều này, và cũng không được làm quá nhiều việc.
Đảm nhiệm nhiều công việc cùng lúc
Tại phòng làm việc ở nhà, họ có thể xoay sở ổn thỏa với hai chiếc máy tính xách tay, cố gắng sắp xếp lịch làm việc hợp lý và né tránh các cuộc họp kéo dài. Thi thoảng, họ có thể đăng nhập vào hai cuộc họp cùng một lúc. Nhiều người nói rằng, dù làm hai công việc cùng lúc, họ cũng không phải làm quá 40 giờ/tuần.
Những nhân viên như vậy đang được khuyến khích bởi một trang mạng mới có tên gọi Overemployed, được thành lập bởi hai nhân viên công nghệ hồi đầu năm nay. Trang mạng này hướng tới việc tập hợp những người có nhu cầu làm nhiều công việc cùng lúc một cách bí mật và coi đây là cách để đối mặt với tình trạng đình trệ về tiền lương và nguy cơ sa thải gia tăng do đại dịch Covid-19.
Chia sẻ với Wall Street Journal, một trong những nhà đồng sáng lập trang mạng - một nhân viên 38 tuổi đang làm việc cho hai công ty công nghệ ở San Francisco cho biết, quyết định làm nhiều công việc cùng lúc của anh bắt nguồn từ một sự tuột dốc không phanh trong sự nghiệp. Hồi năm ngoái, sau khi vượt qua một kỳ sát hạch thăng chức tưởng như đã chắc ăn, anh rốt cuộc phải ngậm ngùi nhìn một nửa số đồng nghiệp vượt lên trước. Tiếp đó là các quyết định sa thải trong thời kỳ đại dịch khiến anh bắt đầu phải tìm kiếm một công việc khác vì lo ngại rằng, sớm muộn gì cũng sẽ đến lượt mình.
Khi nhận được lời đề nghị từ một công ty công nghệ, anh đã tính sẽ từ bỏ công việc hiện tại. Nhưng rồi sau đó, anh lại chợt nghĩ “nếu không làm như vậy thì sao?”. Năm tháng sau khi có công việc thứ hai, anh đã tham gia sáng lập trang mạng Overemployed nhằm chia sẻ với những người lao động khác về khả năng đa dạng hóa nguồn thu nhập và phúc lợi của mình.
101 cách xoay xở với sếp và đồng nghiệp
Đại dịch Covid-19 đã mang lại cho các nhân viên nhiều cơ hội hơn để né tránh sự quản lý ngặt nghèo của cấp trên.
Cho dù kiểm tra lịch làm việc nhiều đến đâu đi chăng nữa, các nhà quản lý cũng không thể theo dõi chặt chẽ những người làm việc từ xa như khi họ đến văn phòng.
Một người đang làm hai công việc cho biết, ông chủ ở công ty đầu tiên của anh đã bị phân tâm bởi việc quản lý. Nhờ đó, anh có thể chuyển bớt phần việc cho một đồng nghiệp mới - người đang muốn khẳng định bản thân.
Trong khi đó, anh có thể tận dụng chính sách PTO (nghỉ phép có hưởng lương) không giới hạn trong vòng một tháng của công ty với lý do kiệt sức vì Covid-19.
Giờ đây, anh đã hoàn thiện các kỹ năng từ chối đồng nghiệp một cách khéo léo, ví dụ như mạng Internet tại nhà không đủ tốt. Nếu một dự án bị đình trệ bởi các đồng nghiệp, anh cũng sẽ không cố gắng đưa mọi thứ trở lại đúng hướng, bởi sự chậm trễ này càng tạo điều kiện cho anh sắp xếp các công việc của mình hơn.
Những nhân viên như vậy dành cả ngày để bật tắt ba chiếc máy tính xách tay, một cho công việc, một cho mục đích cá nhân và chiếc cuối cùng cho một công việc khác. Các chiếc máy tính phục vụ cho công việc đều được đồng bộ hóa với nhau và với máy tính để bàn. “Bạn phải chuyển đổi bằng tay và cùng lúc trong não bạn sẽ phân biệt, đây là dành cho công việc thứ nhất, còn kia là cho công việc thứ hai”.
Để duy trì sự tách biệt và bí mật, những nhân viên này sẽ sử dụng các cửa sổ trình duyệt khác màu, sử dụng micro ngoài để có thể tắt tiếng mà những người khác đang tham gia cuộc gọi video không hề hay biết. Một nhân viên có thể tham gia vào nhiều cuộc họp cùng lúc bằng cách đăng nhập qua máy tính và điện thoại. “Tôi đã quen với việc nghe hai cuộc họp cùng lúc và cố gắng xử lý các vấn đề”. Việc họp trực tuyến qua điện thoại cũng cho phép người dùng có thể tắt máy nhanh chóng nếu có rủi ro lọt tiếng trong lúc thao tác tắt bật nút im lặng.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhân viên này được yêu cầu phát biểu ở cả hai cuộc họp cùng lúc? Đơn giản là chỉ cần bỏ qua một cuộc họp, trả lời câu hỏi ở cuộc họp kia và sau đó quay trở lại cuộc họp đã bỏ qua và nói “Xin lỗi, tôi gặp sự cố về mạng. Câu hỏi là gì nhỉ?”.
Thậm chí, một lựa chọn khác có thể mang lại hiệu quả còn tốt hơn, đó là hoàn toàn lờ đi cuộc họp đó. Một nhân viên thường nói với các đồng nghiệp rằng, anh không nghĩ vấn đề của họ cần tới một cuộc họp và anh có thể giúp họ nhanh hơn trên dịch vụ đa nền tảng Slack. “Mọi người cảm thấy thích điều này. Họ sẽ nghĩ rằng có thể làm được tốt công việc mà không cần phải lãng phí thời gian vào những cuộc họp như vậy”.
Lợi ích tài chính đi kèm với rủi ro khi bị phát hiện
Một kỹ sư phần mềm tại châu Âu - người đã làm hai công việc trong vài năm qua chia sẻ, hồi năm 2018, anh đã nói với công ty của mình về việc sẽ tham gia một khóa học an ninh mạng tại London. Anh đã chuyển đến đó trong vài tháng, nhưng là để thực hiện các công việc bán thời gian và kiếm thêm 350 đô la/ngày. Kể từ đó, anh đã thực hiện nhiều công việc bán thời gian khác, trong khi vẫn duy trì việc làm chính thức.
Theo Wall Street Journal, nhiều lao động làm nhiều công việc cùng lúc cảm thấy họ đang đi đúng hướng khi kiếm được 200.000-600.000 đô la/năm.
“Số tiền này thực sự đáng kinh ngạc”, một kỹ sư phần mềm 29 tuổi cho biết. Và dĩ nhiên là sự căng thẳng đi kèm cũng vậy. “Sáng nào tôi cũng thức dậy với suy nghĩ: ồ, hôm nay là ngày mình sẽ bị phát hiện”. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều nhân viên đang “chơi trò trốn tìm” với cấp trên.
Theo ông Richard Greenberg - luật sư về việc làm tại Công ty luật Jackson Lewis PC ở New York, việc làm hai công việc cùng lúc không phải là hành vi bất hợp pháp. “Điều này liên quan đến vấn đề hợp đồng nhiều hơn.
Người lao động có thể gây nguy hiểm cho việc làm của họ, nhưng có rất ít yếu tố liên quan đến vi phạm hình sự”.
Còn theo bà Claire Deason - luật sư về việc làm tại Công ty luật Littler Mendelson PC, nếu một người lao động vi phạm hợp đồng khi làm việc cho một doanh nghiệp, người sử dụng lao động có thể khởi kiện. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc thu hút sự chú ý của công chúng, và do đó, trong nhiều trường hợp, hình phạt duy nhất mà người lao động phải nhận sẽ chỉ là bị sa thải, thậm chí còn không nặng như vậy.
Vòng xoáy luẩn quẩn
Các nhân viên làm nhiều công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, bởi sự không toàn tâm toàn ý của mình. Một phụ nữ ở Atlanta, người đang làm việc cho một công ty bảo hiểm và một công ty viễn thông, thừa nhận: “Tôi chỉ đang cố gắng làm việc đủ để không bị sa thải”.
Bà Laurie Ruettimann - nhà tư vấn nguồn nhân lực tại Raleigh, từng là giám đốc điều hành nhân sự ở một công ty nằm trong danh sách Fortune 500, từng xử lý cứng rắn với một trường hợp nhân viên làm thêm một công việc khác. Sau khi bị phát hiện, nhân viên này bị đưa vào danh sách cần cải thiện hiệu suất công việc. Vài tháng sau, người này bị cho nghỉ việc.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, các nhà quản lý vẫn có nhiều lý do để không áp dụng các biện pháp mạnh, bởi việc thiếu hụt nhân sự có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức trong bối cảnh thị trường lao động eo hẹp như hiện nay.
Ông Chris Hansen - một giám đốc công ty công nghệ cho biết, hồi năm ngoái, một lập trình viên đã đồng ý rời khỏi công ty nơi anh ta đang làm việc để đến hỗ trợ công ty của ông. Tuy nhiên, nhân viên này đã không xuất hiện trong các cuộc họp của công ty và tiến độ công việc cũng không đảm bảo. Hansen sau đó biết được rằng người này vẫn chưa từ bỏ chỗ làm cũ. Nhưng rốt cuộc ông đã lựa chọn không giải quyết dứt điểm vấn đề. “Tôi cho rằng có thể loại bỏ anh ta, nhưng điều này cũng sẽ khiến tôi bị tổn thất. Dù sao thì có được ai đó, vẫn tốt hơn là không có ai”.
Bất chấp những nguy cơ bị sa thải, trò chơi trốn tìm vẫn đang tiếp diễn. Một kỹ sư tin học từng lọt vào hàng ngũ kỹ sư cao cấp nhất của công ty, đã quyết định nhận công việc thứ hai với dự định hưởng lợi từ chế độ nghỉ thai sản của cả hai công ty sau khi vợ sinh con. Tuy nhiên, sau khi đứa trẻ ra đời, người này dường như không thể từ bỏ cuộc chơi, khi đang làm việc 100 giờ mỗi tuần và kiếm được gần 500.000 đô la.
“Đó là một sự quá tải và vợ tôi cảm thấy lo lắng về việc tôi có thể làm được điều này trong bao lâu nữa”, vị kỹ sư cho biết. “Nhưng vào mỗi thứ Sáu, khi tiền đổ vào tài khoản, tôi như được hồi sinh để có thể tiếp tục”.
Nguồn: WSJ