(KTSG) - Tôi làm nông dân tại một trang trại việt quất ở phía Tây nước Úc cùng với hội nông dân đa quốc tịch từ Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đài Loan, Bhutan và cả Việt Nam. Chúng tôi đều theo diện thị thực 462 – work and holiday visa (thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ) với yêu cầu độ tuổi dưới 30 tuổi, có trình độ cao đẳng hoặc đại học, biết tiếng Anh, sức khỏe tốt, tiểu sử bản thân và nhân thân minh bạch… Chúng tôi được phép làm việc tại một số vùng quy định trên đất nước Úc.
- Liên kết ngành lúa gạo: Nông dân gia công cho doanh nghiệp có được hay không?
- Bản quyền giống thanh long LD1: Đừng bỏ quên quyền lợi của nông dân
Dù mang danh là nông dân, nhưng xuất thân của chúng tôi không phải thuần nông, tức… “tay ngang”. Chúng tôi là sinh viên, hay từng là chuyên viên trong một số ngành nghề tại nước nhà. Tất cả quy tụ đến miền đất xa xôi vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chính yếu là một hay hai mục tiêu: thu nạp thêm trải nghiệm, khám phá mới; đạt tới mức thu nhập mong muốn để tự do tài chính. Bạn cũng có thể đến đây với bất cứ lý do chính đáng nào.
Chủ trang trại có thể trả công tối thiểu, tức “bao giờ” (mức 26,73 đô la Úc/giờ). Đổi lại, bạn cũng phải có mức thành quả lao động được chủ chấp nhận. Điều khiến cho tất cả nông dân ở trang trại chúng tôi đang làm yên tâm nhất đó là vị chủ rất công tâm, rạch ròi. Họ tính đúng từng phút từng giờ làm việc cho mỗi nhân công kèm theo phiếu lương, kê khai thuế, quỹ lương hưu rõ ràng, đúng hẹn.
Và cũng có câu chuyện khác được kể từ nhân chứng là một bạn nông dân từng làm ở nông trại kia. Vị quản lý đưa ra mức phạt đối với người làm chậm: phải nghỉ làm việc trong vòng 2-3 giờ (không được trả tiền) để suy nghĩ ra cách làm việc sao cho nhanh hơn. Dần dà như bị ép, những nhân công không cải thiện được tốc độ, năng suất làm việc phải tự nguyện nghỉ làm, sau những hình phạt.
Một câu chuyện khác nữa được kể bởi người nông dân từng bị ép giá công đến mức phải nghỉ việc, vì tính ra chẳng bõ bèn gì so với công sức bỏ ra. Người chủ nói lý do đơn giản: không có người này thì có người khác. Hay một câu chuyện còn đáng buồn hơn, khi hội đồng hương chia bè phái rắp tâm khai trừ ai đó, rồi kết nạp thành viên khác.
Vấn đề “chủ - tôi” có thể chia làm hai thái cực. Bạn sẽ làm việc tại một thiên đường tử tế hoặc một địa ngục đày ải. Tuy vậy, nếu tôi may mắn tìm được một nơi làm việc thuận lợi nhân hòa, không có nghĩa người khác sẽ rơi vào chốn gian truân. Cơ hội như cánh cửa để bạn bước vào nếu được chào đón, hoặc bước ra nếu buộc phải từ bỏ.
Nhưng dẫu sao, trong khi lao động ở xứ người, thiết nghĩ mỗi người cũng nên giữ hình ảnh là người “nông dân đẹp”. Như không thể mạnh ai nấy làm, nên có quy củ, biết trước biết sau; không bày trò thủ đoạn, gian manh tráo trở; không ngần ngại nói “xin lỗi” và “cảm ơn” khi va chạm hay nhận được giúp đỡ, dù là những điều nhỏ nhất.
Khi đã xác định chung sống thì không nên có sự phân biệt, kỳ thị xuất thân, kiểu người từ quốc gia này thì hay thế, từ đất nước kia thì thế kia, cũng không nên “trông mặt mà bắt hình dong”. Tôi đã từng nhận được những sự giúp đỡ rất đỗi chân thật, không nghi ngại từ những người bạn xung quanh, song cũng từng chứng kiến những trò gian tham ranh mãnh.
Nước Úc còn nhiều nơi đất rộng người thưa. Người từ nơi khác đến, tuy kẻ trước người sau, song có thể kết nối làm nên mạng lưới quen biết để giúp đỡ nhau nơi đất khách quê người.
Bạn có thể tìm kiếm thông tin về những cơ hội việc làm được đăng tuyển trên các trang web uy tín như waytree.com, gumtree.com.au. Bạn có thể tham khảo kinh nghiệm từ đàn anh đàn chị trên trang tiếng Việt workingholidayuc.com, hoặc tham gia vào các hội nhóm để xem và đọc tin tuyển dụng, đánh giá, bình luận về một số nơi làm việc.
Bạn cũng có thể tự “rao” về bản thân bằng viết bài tự giới thiệu, mô tả năng lực, biết đâu bạn sẽ kết nối được với những đồng nghiệp đi trước hoặc các vị chủ đang cần người.
Tôi nhớ một câu tục ngữ Hàn Quốc, tạm dịch là “Lòng tốt từ nhà kho mà ra”. Tôi nghĩ về nhà kho là nơi người nông dân cất giữ lương thực sau vụ thu hoạch. Khi nhà kho dồi dào thì ta mới thoải mái dành sự quan tâm của mình đến người khác. Và nếu có thứ lương thực nào có thể lấp đầy “nhà kho nội tâm” mà không lo mối mọt hư hại, thì đó chính là niềm tin rằng: ta nên là một người có tâm tính tốt. Dù làm gì hay ở đâu, ta cũng cần tự chuẩn bị cho mình điều đó.
Làm việc thì phải có tâm, mới mong thành công lâu dài. Nông dân ta nổi tiếng là chất phác, chịu thương, chịu khó. Lý do gì không giàu lên được ? Tuy nhiên ở ta, nông dân dù có cơ hội làm chủ, nhưng thu nhập vẫn ít, vì vậy lớp trẻ ly nông phần lớn. Ở xứ người, tuy làm thuê, thu nhập có thể cao hơn, nhưng không phải dễ dàng ai cũng qua bển để làm. Làm chủ và làm có tâm, chắc chắn phải tốt hơn đi làm thuê rồi. Quan trọng là phải thay đổi cách nghĩ và cách làm ăn.