Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát cao kỷ lục, châu Âu đứng trước lựa chọn khó khăn

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dù Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất, hơn một nửa trong số 19 nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) chứng kiến ​​chỉ số giá tiêu dùng tăng hai con số. Giờ đây, ECB đang đứng trước áp lực duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ để dập tắt lạm phát. Song, nỗ lực kiềm chế giá cả bằng cách làm cho chi phí vay trở nên đắt đỏ hơn có thể khiến các nước châu Âu rơi vào suy thoái kinh tế, làm tắc nghẽn đầu tư và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) thuộc Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 31-10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở khu vực eurozone trong tháng 10 tăng cao kỷ lục 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi đã tăng 9,9% vào tháng trước đó. Giá năng lượng và lương thực tăng vọt, tiếp tục đẩy lạm phát của eurozone lên mức kỷ lục.

Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng là nguyên nhân chính đẩy lạm phát của eurozone lên mức cao kỷ lục - Ảnh: Getty

Trong 12 tháng qua, giá năng lượng tăng 41,9% trong khi giá lương thực tăng 13,1%. Với việc Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, giá lương thực có thể còn tăng cao hơn nữa.

Hơn một nửa số nước thành viên eurzone ghi nhận CPI tăng cao ở mức hai con số trong năm tính đến tháng 10, bao gồm Đức (11,6%), Hà Lan (16,8 %); Ý (12,8%) và Slovakia (14,5%). Ở các nước vùng Baltic, tốc độ tăng của CPI vượt mức 21%.

CPI tăng cao đến ngạc nhiên ở châu Âu báo hiệu rằng lạm phát ngày càng lan rộng hơn trên khắp châu lục dù tăng trưởng đã chậm lại, làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách nhằm chèo lái các nền kinh tế vượt qua một mùa đông khó khăn, có thể xảy ra suy thoái.

Đà tăng không ngừng của lạm phát làm nổi rõ những lựa chọn khó khăn mà các nhà lãnh đạo châu Âu và ECB đang đối mặt. Với quyết tâm ngăn chặn đà tăng giá cả, tuần trước, ECB đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần hai liên tiếp, điều mà ECB chưa bao giờ thực hiện mức tăng lãi suất lớn như vậy kể từ năm 1999.

Nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng cách làm cho chi phí vay trở nên đắt đỏ hơn sẽ khiến các nước châu Âu rơi vào suy thoái kinh tế, làm tắc nghẽn đầu tư và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo: “Các nhà hoạch định chính sách châu Âu phải đối mặt với sự đánh đổi đau đớn và các lựa chọn chính sách khó khăn khi họ giải quyết sự kết hợp độc hại giữa tăng trưởng yếu và lạm phát cao đang có thể trở nên tồi tệ hơn”.

Dù EC ghi nhận trong quí vừa qua, GDP của eurozone tăng 0,2%, cao hơn mức dự báo, nhiều nhà kinh tế nhất trí rằng suy thoái ở châu Âu là điều không thể tránh khỏi. Một số nhà kinh tế dự báo, tăng trưởng trong ba tháng cuối năm của eurozone sẽ xấu đi rõ rệt. ECB đang tìm cách chế ngự lạm phát mà không khiến nền kinh tế lao vào vòng xoáy đi xuống.

Khi Christine Lagarde, Chủ tịch ECB thông báo tăng lãi suất vào tuần trước, bà phát tín hiệu rằng lập trường siết chặt tiền tệ của ECB có thể dịu lại. Tuy nhiên, mức lạm phát tăng cao hiện nay có khả năng khuyến khích các thành viên của Hội đồng thống đốc ECB phản đối mạnh mẽ hơn bất kỳ động thái hạ nhiệt lãi suất nào.

“Tôi dự báo điều này sẽ làm tăng sự chia rẽ bên trong Hội đồng thống đốc ECB”, Lucrezia Reichlin, giáo sư kinh tế tại trường Kinh doanh London, nói khi đề cập đến báo cáo lạm phát mới nhất của Eurostat.

Reichlin cho rằng sự kết hợp giữa lạm phát và tăng trưởng GDP cao hơn dự kiến cho thấy rằng thiếu hụt nguồn cung không phải là vấn đề duy nhất vì nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng cũng đang góp phần làm tăng giá cả.

Chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng đã góp phần giúp Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 0,3% trong quí 3. Trong khi đó, nền kinh tế của Ý tăng trưởng 0,5% và Thụy Điển tăng 0,7%.

IMF đã kêu gọi các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong năm tới nếu có thể. IMF lưu ý rằng “gần một nửa mức tăng lạm phát cơ bản gần đây của châu Âu vẫn không giải thích được bởi các nguyên nhân thông thường của nó”. Điều này cho thấy rằng cuộc chiến ở Ukraine và dư chấn của đại dịch Covid-19 đang góp phần tạo ra một động lực tăng lạm phát mới.

Hầu hết các ngân hàng trung ương vẫn quyết tâm kiềm chế lạm phát. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa trong cuộc họp vào ngày 2-11. Đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ sáu trong năm nay của Fed. Tại cuộc họp một ngày sau đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất tương tự.

Tác động tăng lãi suất của Fed được cảm nhận rõ ràng ở các khu vực trên thế giới. Lãi suất cao hơn, đẩy giá trị của đồng đô la lên. Đối với các nền kinh tế mới nổi có các khoản vay lớn bằng đô la, gánh nặng chi phí sẽ rất lớn.

Đồng thời, các nước phải nhập khẩu hàng hóa của Mỹ hoặc các mặt hàng thiết yếu như năng lượng và thực phẩm thường được định giá bằng đô la đang chứng kiến ​​chúng đắt hơn nhiều.

Trong khi hầu hết các nhà kinh tế kêu gọi tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn đối với lạm phát, ngày càng có nhiều ý kiến ​​đặt câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương có đang đi quá xa, quá nhanh hay không? Các nhà phân tích cho rằng lãi suất cao hơn sẽ không đột ngột làm tăng nguồn cung dầu thô, lúa mì và chip, và thậm chí có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt do đầu tư bị thu hẹp.

Theo NY Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới