Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát châm ngòi ‘cuộc chiến’ giá gà rán ở Hàn Quốc

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại Hàn Quốc, nơi lạm phát tăng lên cao nhất trong nhiều năm, khiến giá thịt gà tăng mạnh, một chuỗi bán lẻ thực phẩm bất ngờ giảm mạnh giá bán món gà rán, vốn được cực kỳ yêu chuộng ở xứ sở kim chi. Động thái này khiến các chuỗi cửa hàng và siêu thị khác buộc phải giảm giá món gà rán của họ để giữ thị phần đồng thời tạo ra áp lực giảm giá ở các mặt hàng thực phẩm khác, bao gồm thịt heo.

Một xô gà rán Dangdang ở siêu thị của Homeplus có giá bán giá 6.990 won (5,2 đô la), giảm đến 2/3 so với trước đây. Ảnh: Homeplus

“Đại hạ giá” món gà rán để giành thị phần

Hồi tháng 6, Homeplus, chuỗi bán lẻ thực phẩm lớn thứ hai Hàn Quốc, bất ngờ giảm giá món gà rán tới 2/3 để thu hút những người tiêu dùng đang chịu sức ép vì lạm phát. Lập tức, khách hàng đổ xô đến mua nườm nượp. Người Hàn Quốc đang tìm mọi cách có thể để tiết kiệm chi tiêu cho thực phẩm và họ không nề hà việc đứng xếp hàng chờ nhiều giờ đồng hồ để mua được món gà rán giảm giá.

Bên trong một cửa hàng Homeplus, một hàng dài khách đã kiên nhẫn chờ đợi ở khu bán thịt vào một ngày gần đây với hy vọng mua được một số phần gà rán giá rẻ.  Sau đó, một nhân viên đội bước ra từ nhà bếp thông báo: “Có 30 phần gà rán đang tới đây!”. Đối với những khách hàng đứng ở đầu hàng, sự chờ đợi đã được đền đáp.

Bằng cách “đại hạ giá” món gà rán, Homeplus đã đảo ngược logic tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận lớn hơn thông qua việc tăng giá. Nhưng nếu thành công, nhà bán lẻ này, đang quản lý khoảng 840 chi nhánh bao gồm 140 siêu thị lớn ở Hàn Quốc, có thể tăng thị phần của mình ở một quốc gia, nơi gà rán là ngành kinh doanh lớn và nổi lên như một “đồng minh” bất ngờ ra trong cuộc chiến chống lạm phát của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK).

Lloyd Chan, nhà nhà kinh tế tại Công ty tư vấn Oxford Economics, cho biết: “Tôi nghĩ rằng sẽ có áp lực lớn đối với các chuỗi cửa hàng gà rán nhượng quyền. Họ phải giảm giá hoặc ít nhất là ngừng tăng giá khi mà Homeplus đang bán gà rán với giá quá rẻ”.

Dù được chiên với nước sốt tiêu hay om đậu nành, thịt gà vẫn đóng một vai trò quan trọng trong ẩm thực Hàn Quốc. Các món gà là sự lựa chọn số một trên các ứng dụng giao đồ ăn, đánh bại pizza, hamburger và đồ ăn Trung Quốc. Có hàng chục ngàn quán hof (quán bia) ở Hàn Quốc chuyên bán gà rán và bia.

Nhưng gần đây, giá thịt gà tăng vọt, vượt xa mức tăng ở hầu hết các loại thực phẩm khác.

Món gà rán oliu vàng (Golden Olive Chicken), sản phẩm chủ lực của BBQ Chicken, một trong những chuỗi cửa hàng gà rán lớn nhất Hàn Quốc, giờ đây có giá bán 24.000 won (18 đô la Mỹ), tăng mạnh so với mức giá 16.000 won cách đây 5 năm Mức phí giao hàng cao trong thời kỳ dịch bệnh càng khiến người tiêu dùng Hàn Quốc bất bình.

Vì vậy, vào cuối tháng 6, Homeplus đã tung ra sản phẩm gà rán “Dangdang”, trong tiếng Hàn có nghĩa là “công bằng” hoặc “tự hào”, nhưng cũng là viết tắt của cụm từ: “Làm hôm nay để bán hôm nay”. Khách hàng đã tràn vào các siêu thị của Homeplus để mua một xô gà rán Dangdang với  giá 6.990 won (5,2 đô la), giảm đến 2/3 so với trước đây.

Trong những tuần sau đó, các chuỗi siêu thị đối thủ buộc phải chạy theo Homeplus. Trong thời gian có hạn, Lotte đã giảm gần một nửa giá sản phẩm gà gán chính của mình. Emart, nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc, đã tung ra chương trình khuyến mãi kéo dài một tuần: bán một xô gà với giá 5.980 won. Emart cho biết doanh số bán thịt gà nấu chín trong tháng 7 tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thịt gà (đường màu xanh) ở Hàn Quốc đang tăng nhanh hơn so với mức gia trung bình của các thực phẩm khác. Ảnh: Bloomberg

Thịt gà chiếm tỷ trọng cao trong rổ tính lạm phát

Jayhoon Lee, Giám đốc điều hành Homeplus, vốn là cựu giám đốc KFC Hàn Quốc, cam kết bán gà rán giảm giá vô thời hạn. Homeplus cho biết công ty vẫn bảo đảm có lãi với sản phẩm gà rán Dangdang bằng cách hợp lý hóa chuỗi cung ứng và quảng bá dựa vào truyền miệng, thay vì một chiến dịch tiếp thị hào nhoáng tốn kém, để thu hút khách hàng. Nhưng để đáp ứng nhu cầu vẫn còn nhiều thách thức: Một cửa hàng của Homeplus chỉ có thể chiên vài chục con gà mỗi ngày.

Homeplus cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi có thể giảm giá thu mua gà bằng cách mua số lượng lớn. Sản phẩm gà rán Dangdang là một phần của ‘dự án ổn định lạm phát’ mà chúng tôi đang được thực hiện từ đầu năm nay để hỗ trợ những khách hàng có ngân sách thấp hơn bằng cách bán số lượng lớn với tỷ suất lợi nhuận trên mỗi đơn vị thấp”

Thịt gà tác động lớn đến chỉ số lạm phát của Hàn Quốc. Nó là một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ 480 sản phẩm và dịch vụ mà chính phủ tính lạm phát, xếp thứ 29. Trong khi đó, thịt heo, đứng thứ 16, cao nhất trong số mặt hàng thực phẩm, cũng chịu áp lực giảm giá khi giá thịt gà giảm.

Liệu sản phẩm gà rán Dangdang có tạo ra một hiệu ứng giảm giá lan tỏa trong cuộc chiến chống lạm phát của BoK hay không là điều còn phải quan sát. Chỉ số giá tiêu dùng ở Hàn Quốc tăng mạnh trong năm nay do chi phí năng lượng và hàng hóa nguyên liệu tăng mạnh. Nhu cầu cũng nhanh chóng tăng lên khi các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 được nới lỏng và người dân Hàn Quốc đang quay trở lại ăn uống tại các nhà hàng. Để kiểm soát lạm phát đang ở mức 6,3%, tốc độ tăng nhanh nhất trong hơn 23 năm qua, BoK đã liên tục tăng lãi suất.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã giảm thuế nhiên liệu để kiềm chế đà tăng giá cả đồng thời thúc đẩy nguồn cung thông qua việc tăng cường nhập khẩu và trích xuất các kho dự trữ thực phẩm quốc gia. Hàn Quốc đã đồng ý tăng lương tối thiểu cho người lao động thêm 5% trong năm tới để giúp những người có thu nhập thấp ứng phó với tình hình giá cả leo thang.

Khó phá vỡ sự thống trị của các chuỗi cửa hàng gà rán nhượng quyền

Sản phẩm gà rán Dangdang đã trở thành một cơn sốt trên mạng xã hội, khi nhiều người Hàn Quốc đăng tải các bài viết nói về nỗ lực của trong nhiều ngày của họ để mua được nó và thảo luận loại nước sốt nào phù hợp nhất với món gà rán này. Một người tiêu dùng  thậm chí còn chào bán lại xô gà rán Dangdang với giá 10.000 won trên một cửa hàng bán đồ cũ trực tuyến.

Park Da Young, 36 tuổi, người đã đăng bài trên mạng xã hội kể về hành trình gian nạn của mình để có mua được xô gà rán Dangdang, cho biết nó ngon không kém gì các món gà rán từ các nhà hàng gần đó. Cô nói: “Tôi đã hâm nóng gà rán Dangdang ở nhà bằng nồi chiên không dầu và không nhận thấy nhiều sự khác biệt”.

Tuy nhiên, vài sản phẩm gà rán giảm giá tại các siêu thị trong nước sẽ không dễ dàng phá vỡ sự thống trị của thương hiệu gà rán nhượng quyền đang hiện diện ở hầu hết các khu phố ở Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc ước tính các cửa hàng chuyên về gà tạo ra doanh thu trung bình 200 triệu won mỗi năm. Tổng doanh thu của các cửa hàng này trên toàn quốc lên tới 7,3 nghìn tỉ won (hơn 5,4 tỉ đô la)/năm

Để so sánh, Homeplus đã bán được khoảng 460.000 xô gà rán Dangdang kể từ khi ra mắt sản phẩm này vào tháng 6. Con số đó tương đương với 3,2 tỉ won (gần 2,4 triệu đô la), một con số nhỏ bên cạnh doanh thu 610 tỉ won mỗi tháng của các cửa hàng gà rán trên toàn quốc.

Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc vẫn hy vọng rằng các nhà bán lẻ như Homeplus sẽ gây áp lực giảm giá bán thực phẩm ở những nhà bán lẻ khác. Nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc hiện nay không còn nhiều thiện cảm với các cửa hàng bán gà rán như hồi năm 2010, khi Lotte tung ra một sản phẩm gà rán giá rẻ.  Lúc đó, dư luận đã phản ứng dữ dội và một trợ lý của tổng thống Hàn Quốc đã cáo buộc chuỗi siêu thị này chèn ép và gây khó khăn cho hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ. Lotte đã ngừng bán sản phẩm gà rán giảm giá gần như ngay lập tức.

Còn bây giờ, vụ việc đó chỉ là kí ức xa vời. Kim Nayeon, người đã đợi 40 phút để mua một xô gà rán Dangdang ở thành phố Incheon, cho biết: “Nó không hẳn ngon như thịt gà của các thương hiệu gà rán nhượng quyền. Nhưng với giá rẻ như vậy, tôi sẽ mua lại miễn là dòng người xếp hàng chờ mua ngắn hơn”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới