Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát của Anh tăng cao nhất trong 40 năm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao đã đẩy lạm phát của Anh tăng với tốc độ hai con số trong tháng 7 và dự kiến tăng mạnh hơn nửa vào cuối năm nay. Diễn biến này gây thêm sức ép cho ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình Anh và đe dọa gây ra cơn suy thoái kéo dài ở nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu.

Chi phí thực phẩm tăng mạnh, khiến lạm phát của Anh tăng với tốc độ hai con số trong tháng 7. Ảnh: Shutterstock

Hôm 17-8, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng ở Anh trong tháng 7 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 9,4% trong tháng 6. Đây là lần đầu tiên lạm phát của Anh tăng với tốc độ hai con số kể từ năm 1982. Lạm phát của Anh cũng đang tăng cao nhất so với các nước khác trong nhóm các cường quốc công nghiệp G7 kể từ khi giá cả bắt đầu tăng vào đầu năm 2021.

ONS cho biết với mức tăng 12,4%, chi phí thực phẩm đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng lạm phát hàng năm trong tháng trước.

Dữ liệu của ONS cho thấy tất cả 11 hạng mục thực phẩm và đồ uống không cồn đều tăng giá trong tháng 7, với giá bánh mì, ngũ cốc, sữa, phó mát và trứng tăng mạnh nhất.

Kien Tan, Giám đốc chiến lược bán lẻ tại PwC, cho biết: “Các siêu thị ở Anh không có lựa chọn nào khác ngoài chuyển chi phí tăng giá từ nhà cung cấp sang người tiêu dùng vì chính các nhà cung cấp cũng đang đối mặt với tình trạng lạm phát chưa từng có về chi phí nguyên liệu đầu vào”.

Alpesh Paleja, nhà kinh tế của Liên đoàn Công nghiệp Anh, bình luận: “Số liệu lạm phát tiếp tục vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, và áp lực giá cả dự kiến sẽ còn mạnh hơn nữa”.

Văn phòng Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) đã công bố dữ liệu lạm phát hàng năm của khu vực sử dụng đồng euro (euzozone) hôm 18-8 với mức tăng dự kiến 8,9% so với mức 8,6% trong tháng 6.

Ngược lại, tốc độ tăng lạm phát của Mỹ giảm xuống 8,5% trong tháng 7 từ mức 9,1% trong tháng 6.

Các nhà kinh tế tại Ngân hàng JPMorgan cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt, với giá lương thực và nhiều mặt hàng giảm so với mức đỉnh gần đây. Họ dự báo tình trạng lạm phát đảo chiều sẽ xuất hiện đầu tiên ở Mỹ, nhưng giá cả ở châu Âu sẽ hạ nhiệt chậm hơn dù giá cả hàng hóa xuất từ các nhà máy gần đây đã suy giảm.

Đà tăng lạm phát vẫn diễn ra ở nhiều khu vực của châu Âu ngay cả khi giá tiêu dùng bắt đầu tăng chậm lại ở Mỹ. Điều này là do giá năng lượng tiếp tục tăng nhanh trên khắp châu Âu khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên sang khu vực này.

“Châu Âu đang phải đối mặt với sức ép liên tục từ giá khí đốt tự nhiên, vốn đã tăng hơn gấp đôi trong 3 tháng qua. Chúng tôi dự báo sự kết hợp của sức mua bị siết chặt và tâm lý bi quan của người tiêu dùng sẽ đẩy khu vực này vào cơn suy thoái ngay trong năm nay”, các nhà kinh tế tại Ngân hàng JPMorgan viết trong một báo cáo.

Tháng 7 khó có thể đánh dấu mức đỉnh điểm của lạm phát ở Anh, vì chi phí năng lượng của các hộ gia đình sẽ tăng mạnh khi mức trần giá điện và khí đốt dự kiến sẽ tăng 70% vào tháng 10 tới. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ước tính tốc độ tăng lạm phát hàng năm có thể lên tới 13% vào cuối năm nay.

Anh đang phải trải qua một đợt tăng giá đặc biệt nghiêm trọng một phần do quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016 (hay còn gọi là Brexit), khiến chi phí của các nhà nhập khẩu tăng lên. Trong khi đó, đồng bảng yếu hơn cũng làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ mua từ nước ngoài. Brexit cũng đã làm giảm nguồn lao động nước ngoài trong một số ngành dịch vụ ở Anh, chẳng hạn như khách sạn- nhà hàng, đẩy chi phí và giá cả ngành dịch vụ lên mức cao hơn.

Tuy nhiên, Anh có thể không phải là thành viên duy nhất của G7 đối mặt với lạm phát hai con số vốn đã xảy ra với Tây Ban Nha, Hy Lạp và một số thành viên phía đông của EU.

Hồi đầu tuần này, cơ quan quản lý khí đốt của Đức đã công bố một khoản phụ phí đối với giá khí đốt, được thiết kế để bù đắp phần lớn chi phí gia tăng ở các nhà cung cấp năng lượng kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra. Các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng lạm phát hàng năm của Đức sẽ sớm lên trên 10% từ mức 7,5% trong tháng 7.

Giới đầu tư giờ đây dự báo BoE sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm nữa trong cuộc họp chính sách vào giữa tháng 9.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang xoay xở cân bằng giữa nỗ lực kiểm soát lạm phát và hạn chế tác động của việc tăng lãi suất đến kinh tế eurozone. ECB đã phá vỡ thông lệ gần đây bằng cách tăng lãi suất cơ bản lên 0,5 điểm phần trăm trong tháng 7, và nhiều nhà kinh tế nhận định ECB sẽ lặp lại động thái đó trong tháng tới.

Chính phủ Anh đã công bố ba gói hỗ trợ để giúp các hộ gia đình chi trả các hóa đơn năng lượng tăng cao hơn nhưng các nhà kinh tế dự kiến ​​sẽ có gói thứ tư sau cuộc bầu cử thủ tướng mới vào đầu tháng tới.

Chính phủ Đức và các quốc gia khác ở châu Âu cũng đang xem xét hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình khi họ đối mặt với chi phí năng lượng tăng vọt. “Chúng tôi thiết kế một gói cứu trợ khác. Chúng tôi không bỏ mặc bất kỳ người dân nào trong tình cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz viết trên Twitter vào hôm 15-8.

Theo WSJ, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới