(KTSG Online) - Lạm phát ở 20 nước sử dụng đồng euro (eurozone) giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 9. Dữ liệu này cho thấy, chiến dịch tăng lãi suất liên tục đã giúp Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thành công trong nỗ lực kiềm chế giá cả tăng vọt.
- Châu Âu nâng lãi suất lên cao nhất trong lịch sử
- Dữ liệu kinh tế châu Âu ngày càng u ám, báo hiệu rủi ro suy thoái
Theo dữ liệu Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 29-9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của eurozone tăng với tốc độ hàng năm là 4,3% trong tháng 9, chậm nhất kể từ tháng 10-2021. Mức tăng này chậm lại đáng kể so với mức tăng 5,2% một tháng trước đó, và cũng thấp hơn mức 4,5% theo dự báo của các nhà kinh tế.
CPI cốt lõi, không bao gồm thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá, được ECB xem là thước đo tốt hơn về xu hướng giá cả cơ bản, tăng 4,5% trong tháng 9, cũng chậm hơn với mức tăng 5,3% trong tháng trước. Đây là mức tăng CPI cốt lõi hàng năm yếu nhất kể từ tháng 8-2020.
Những dữ liệu trên có khả năng củng cố niềm tin của ECB rằng họ đã tăng lãi suất đủ mạnh để đưa lạm phát xuống mục tiêu 2% vào năm 2025, sau khi bị bất ngờ trước đợt giá cả tăng vọt bắt đầu vào năm 2021.
CPI thấp hơn dự kiến có lẽ xác nhận rằng đợt tăng lãi suất của ECB trong tháng này sẽ là đợt tăng cuối cùng của chu kỳ hiện tại. Trọng tâm của cơ quan này có thể sẽ chuyển sang việc tính toán nên duy trì mức lãi suất mức cao hiện tại trong bao lâu.
“Các số liệu CPI của eurozone củng cố quan điểm cho rằng lãi suất có thể đã đạt đến đỉnh điểm trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại”, Diego Iscaro, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Âu tại S&P Global Market Intelligence, bình luận.
Trong tuần này, Christine Lagarde, Chủ tịch ECB cho biết lãi suất sẽ không giảm cho đến khi lạm phát giảm xuống gần mục tiêu 2% của ngân hàng này.
Lạm phát của eurozone suy yếu trên diện rộng, với tất cả các hàng hóa đều tăng với tốc độ chậm hơn trong tháng 9. Riêng giá năng lượng giảm trong tháng thứ năm liên tiếp.
Dù tăng chậm lại, nhưng lạm phát thực phẩm vẫn ở mức cao so với tiêu chuẩn lịch sử, ở mức 8,8% trong tháng 9, hạ nhiệt từ mức 9,7% của tháng trước. Giá năng lượng giảm 4,7% trong tháng 9, mạnh hơn mức giảm 3,3% trong tháng 8.
Lạm phát của eurozone đạt mức tăng hai con số vào mùa thu năm ngoái do chi phí năng lượng tăng vọt, tình trạng thắt nút cổ chai trong chuỗi cung ứng và mức chi tiêu cao của các chính phủ.
Để kiểm soát giá cả, ECB đã nâng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục 4% từ mức âm 0,5% chỉ trong vòng hơn một năm, tắt vòi tiền sau một thập niên cố gắng kích thích lạm phát thông qua chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo. Tuy nhiên, tác động của chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh nhất trong lịch sử gần 25 năm của ECB lên nền kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng, với một số chỉ số cho thấy khả năng xảy ra suy thoái ở khu vực sử dụng đồng euro.
Tại Đức, doanh số bán lẻ của Đức giảm trong tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp tăng trong tháng 9. Những dữ liệu ảm đạm này báo hiệu nền kinh tế lớn nhất eurozone có thể đang hướng tới suy thoái lần hai trong năm nay.
Lãi suất cao đặc biệt gây khó khăn cho các hộ gia đình có khoản vay thế chấp với lãi suất thả nổi. Niềm tin của người tiêu dùng châu Âu giảm trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm thứ hai liên tiếp, theo báo cáo cùa Ủy ban châu Âu (EC).
ECB vẫn giữ vững kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế vào năm tới, một phần nhờ mức lương thực tế cao hơn khi lạm phát giảm, hứa hẹn thúc đẩy tiêu dùng.
Tuy nhiên, triển vọng đó còn phụ thuộc trên môi trường bên ngoài , bao gồm cả ở Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang trì trệ, không xấu thêm, theo chuyên gia kinh tế Dirk Schumacher của ngân hàng Natixis.
Jack Allen-Reynolds, nhà phân tích của hãng tư vấn Capital Economics, dự báo CPI của eurozone sẽ giảm xuống 3,5% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông cho rằng, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ECB có thể không thực sự bắt đầu giảm lãi suất cho đến cuối năm 2024.
Dù lạm phát giảm đều đặn kể từ khi đạt mức cao nhất là 10,6% vào tháng 10-2022, các nhà kinh tế cho rằng lạm phát có thể không giảm đủ nhanh để sớm đạt được mục tiêu của ECB.
Theo Reuters, DW