Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, xuống mức thấp nhất trong hai năm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tốc độ tăng lạm phát ở Mỹ chậm lại, về mức thấp nhất trong hai năm, mở ra hy vọng đợt tăng lãi suất dự kiến trong tháng này của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ là lần cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6 tăng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại đáng kể so với mức tăng 4% hồi tháng 5 và chỉ ở mức 1/3 so với một năm trước. Ảnh: Economic Times

Hôm 12-7, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 tăng tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại đáng kể so với mức tăng 4% hồi tháng 5 và chỉ ở mức 1/3 so với một năm trước. CPI cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5% theo dự báo của các nhà kinh tế.

Lạm phát của Mỹ đã giảm tốc 12 tháng liên tục. Dữ liệu mới nhất có thể giúp các quan chức Fed thở phào nhẹ nhõm nếu họ nhìn lại mức tăng lạm phát hàng năm 9% cách đây một năm.

Đối với Fed, điều này không có nghĩa là cuộc chiến kiểm soát giá cả đã giành thắng lợi trong tầm tay. Các quan chức Fed dự kiến tăng lãi suất tại cuộp họp chính sách trong tháng này sau khi giữ nguyên trong tháng trước. Nhưng với lạm phát đang hạ nhiệt nhanh hơn dự báo, các nhà kinh tế và giới đầu tư kỳ vọng đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện tại.

Kỳ vọng này đã phản ánh trên tất cả các thị trường hôm 12-7 với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh, chứng khoán ở Phố Wall tăng, giá đô la Mỹ giảm và đang hướng đến mức thấp nhất trong một năm. Sáng 13-7, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng 0,2% lên 1.961,09 đô la/ounce, cao nhất kể từ ngày 16-6.

“Dữ liệu mới có thể khiến Fed có lý do để tranh luận về việc liệu có cần tăng thêm lãi suất sau tháng này hay không. Chu kỳ thắt chặt này của Fed có thể sắp kết thúc”, Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng của Oxford Economics, viết trong một báo cáo gửi khách hàng

“Báo cáo CPI yếu của tháng 6 được đưa ra vào thời điểm quan trọng, khi Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Không chỉ các hiệu ứng nền tảng so sánh cao hồi năm ngoái có lợi cho tốc độ hạ nhiệt lạm phát hiện nay, nền kinh tế đang suy yếu cũng đóng một vai trò nào đó. Dù  Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) của Fed rất có thể sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp vào cuối tháng 7, nhưng nhiều quan chức có thể hoài nghi về khả năng cần tăng thêm lãi suất sau đó”, Anna Wong và Stuart Paul, hai nhà kinh tế của Bloomberg Economics nhận định.

Đối với Fed, vẫn còn những lý do để lo ngại. Lạm phát cơ bản vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, và giai đoạn cuối cùng để giảm lạm phát có thể khó khăn nhất.

Hơn nữa, người Mỹ vẫn đang phải trả nhiều tiền hơn so với trước khi xảy ra đại dịch cho một loạt hàng hóa và dịch vụ. Gánh nặng chi phí sinh hoạt đó dự báo sẽ chưa sớm kết thúc.

Diễn biến lạm phát có vẻ đang đi đúng hướng nhưng các tính toán về toán học đã khiến số liệu lạm phát mới nhất có vẻ tốt hơn so với thực tế.

Được gọi là “hiệu ứng nền tảng”, việc so sánh lạm phát hiện nay với tốc độ lạm phát cao nhất 4 thập niên hồi tháng 6-2022, khi cuộc xung đột Nga- Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt, đã khiến cho đà suy giảm giá cả có vẻ mạnh mẽ. Trên thực tế, tốc độ tăng giá cả hàng năm có thể tăng nhẹ trong những tháng tới khi việc so sánh với lạm phát vào cùng kỳ năm ngoái trở nên kém thuận lợi hơn.

Dữ liệu CPI trong một tháng đơn lẻ, ngay cả khi tốt hơn mong đợi, cũng không có khả năng ảnh hưởng lớn đối với các quan chức Fed. Phát biểu sau khi số liệu mới nhất được công bố, Thomas Barkin, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Richmond, nhắc lại cam kết của Fed trong nỗ lực khôi phục sự ổn định giá cả.

“Lạm phát vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2% của chúng tôi. Nếu Fed rút lui quá sớm, lạm phát sẽ quay trở lại mạnh mẽ, sau đó buộc Fed phải hành động nhiều hơn nữa”, Barkin nói.

Một phần lớn nguyên nhân khiến lạm phát vẫn ở mức cao là thị trường lao động Mỹ vẫn đang mạnh mẽ. Người sử dụng lao động tiếp tục tạo thêm việc làm với tốc độ ổn định và tiền lương vẫn tăng mạnh, cho phép người Mỹ tiếp tục chi tiêu.

Chi phí nhà ở chiếm hơn 70% mức tăng CPI hàng tháng trong tháng 6, trong khi giá vé máy bay và ô tô đã qua sử dụng giảm. Giá thực phẩm, vốn là nguyên nhân chính gây căng thẳng tài chính cho các gia đình Mỹ, không thay đổi so với một tháng trước đó.

Theo Jennifer Lee, nhà kinh tế cao cấp BMO Capital Markets, nhìn chung, các dữ liệu mới nhất giúp Fed “dễ thở” hơn.

Bà cho rằng, nếu các báo cáo lạm phát tiếp theo từ nay đến tháng 9 cho thấy một xu hướng tương tự, các quan chức Fed có lý do để dừng tăng lãi suất.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới