(KTSG Online) – Tốc độ tăng lạm phát hàng năm của Mỹ trong tháng 12 giảm xuống mức chậm nhất trong hơn một năm. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực về giá cả đã qua mức đỉnh điểm trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ thực hiện chiến dịch thắt chặt tiền tệ lịch sử.
- Lạm phát ở Mỹ dịu lại nhờ chi phí năng lượng giảm
- Các nhà quản lý tài sản lớn ở Phố Wall lo ngại Mỹ rơi vào lạm phát đình trệ
Theo dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12-1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng trước tăng 6,5% so với một một năm trước đó, giảm so với mức tăng 7,1% của tháng 11 và đánh dấu tháng thứ sáu liên tiếp giá cả tăng chậm lại.
Dù vẫn còn neo gần mức cao nhất trong nhiều thập niên, mức tăng lạm phát trong tháng 12 đánh dấu tốc độ chậm nhất kể từ tháng 10-2021 và thấp hơn đáng kể so với mức đỉnh 9,1% được ghi nhận vào tháng 6-2022. Trong tháng 12, chỉ số CPI cốt lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, và được Fed chú ý hơn, tăng 5,7% so với cách đây một năm, chậm lại so với mức tăng hàng năm 6% trong tháng 11-2022.
Các quan chức Fed đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu lạm phát mới nhất để đưa ra quyết định nên tăng lãi suất thêm bao nhiêu nữa. Sau bốn lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm liên tiếp, Fed đã tăng lãi suất chậm lại ở mức 0,5 điểm phần trăm vào tháng trước. Fed hiện đang xem xét liệu có thể quay trở lại tốc độ tăng lãi suất bình thường 0,25 điểm phần trăm hơn trong cuộc họp chính sách tiếp theo hay không.
Quyết định tăng lãi suất chậm lại của Fed trong tháng 12 được đưa ra khi các dữ liệu lạm phát tốt hơn dự kiến cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng bắt đầu giảm rõ rệt. Điều đó xảy ra cùng lúc với việc các nút thắt trong chuỗi cung ứng nới lỏng, giúp làm suy giảm giá năng lượng và các mặt hàng như ô tô, đồ gia dụng và quần áo. Cước vận chuyển container từ Trung Quốc đến bờ Tây của Mỹ đã giảm về gần bằng mức trước đại dịch Covid-19.
Jake Obina, nhà kinh tế cấp cao tại Piper Sandler, nói: “Chi phí logistics đã tăng chậm lại đáng kể, với chi phí vận tải biển đã quay trở lại mức trước Covid-19. Đà giảm chi phí này tạo ra tiền đề để giá cả giảm mạnh hơn khi chúng ta bước sang năm 2023”.
Fed đang rất chú ý đến lạm phát dịch vụ, không bao gồm chi phí liên quan đến năng lượng, thực phẩm và nhà ở vì lĩnh vực dịch vụ có liên quan chặt chẽ đến thị trường lao động và đà tăng lương bền bỉ khi các nhà tuyển dụng tìm cách ứng phó tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Tăng trưởng tiền lương đã chậm lại so với mức đỉnh, nhưng số lượng việc làm vẫn tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn dao động quanh mức thấp lịch sử.
Tuy nhiên, lạm phát dịch vụ tiếp tục tăng mạnh trong tháng trước, với chi phí nhà ở tăng 7,5% và một thước đo giá cả dịch vụ, không bao gồm chi phí điện, nước và gas, tăng 7%. Cả hai mức tăng này đều đang ở mức cao nhất kể từ năm 1982.
Điều đáng lo ngại là áp lực giá cả liên quan đến dịch vụ sẽ khó giải quyết triệt để. Để kiểm soát lạm phát dịch vụ đòi hỏi một giai đoạn tăng trưởng rất thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng của Công ty tư vấn Oxford Economics, nói: “Kiểm soát lạm phát dịch vụ sẽ là thách thức lớn nhất của Fed trong năm nay”.
Các quan chức Fed gửi một thông điệp thống nhất kể từ cuộc họp tháng 12 rằng lãi suất có thể sẽ cần vượt qua mức 5% và được giữ ở mức đó trong suốt năm 2023 để kiểm soát lạm phát. Hiện lãi suất liên bang đang ở biên độ 4,25-4,5%. Thông điệp của Fed đi ngược lại kỳ vọng của thị trường cho rằng cơ quan quản lý tiền tệ này sẽ đưa lãi suất chính sách lên mức tối đa dưới mức 5% và sẽ cắt giảm chi phí vay vào cuối năm nay.
Bill Adams, nhà kinh tế trưởng tại Comerica Bank, nói: “Báo cáo CPI tháng 12 là một tin tốt đáng hoan nghênh sau một đợt tăng lạm phát rất tồi tệ”. Ông cho biết áp lực chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng Mỹ đã dịu lại nhờ đà giảm của giá xăng dầu, thực phẩm cũng như các hàng hóa khác.
Hôm 12-1, giá xăng không chì thông thường trung bình toàn quốc ở Mỹ là 3,27 đô la/gallon (3,78 lít), giảm khoảng 0,5 đô la so với giữa tháng 11, theo OPIS, nhà cung cấp dữ liệu và phân tích năng lượng. Giá xăng ở Mỹ đạt đỉnh vào giữa tháng 6-2022 ở mức kỷ lục 5,02 đô la/gallon.
Đón nhận dữ liệu lạm phát tích cực, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch hôm 12-1, với chỉ số S&P 500 tăng 0,34%, trong khi đó, Dow Jones và Nasdaq Composite cùng tăng 0,64%.
Theo WSJ, Financial Times