Chủ Nhật, 15/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát của người nghèo và lạm phát của người giàu!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạm phát của người nghèo và lạm phát của người giàu!

Châu Phan

(KTSG) - Xin nói trước rằng lạm phát đề cập trong bài này không phải là lạm phát phi mã hàng chục, hàng trăm phần trăm, bởi đã đến mức độ như vậy thì nền kinh tế đã đứng bên bờ vực sụp đổ. Vậy, với lạm phát ở mức một con số, nó sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế?

Lạm phát của người nghèo và lạm phát của người giàu!
Dù chỉ với mức lạm phát chung vừa phải thì người nghèo cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề so với người giàu ở Việt Nam. Ảnh: N.K

Trước đây, có dạo lạm phát xoay quanh mức tăng trưởng GDP. Nhiều chuyên gia lúc đó cho rằng tăng trưởng như vậy là “không còn ý nghĩa”. Không hiểu rõ ý của họ lắm, nhưng có lẽ kết luận này dựa trên quan niệm sai lầm rằng GDP tăng trưởng 6% mà lạm phát cũng là 6% thì suy ra tăng trưởng GDP “thực” chỉ là... 0%!

Cái sai ở đây là hiểu 6% tăng trưởng của GDP này là tăng trưởng của GDP danh nghĩa, chưa trừ lạm phát, cũng tương tự như cách hiểu rất phổ biến là nếu tăng trưởng GDP là 6% mà lãi suất cho vay lên đến 10% thì nền kinh tế làm ra một năm không đủ... trả lãi vay!

Nếu lạm phát ở mức vừa phải hơn, chẳng hạn quanh quẩn 4%, như mục tiêu được đặt ra ở Việt Nam trong năm trước và năm nay, thì sẽ gây hậu quả gì cho xã hội?

Xem lại lạm phát năm 2020, được thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân, với mức tăng so với năm 2019 là 3,23%. Chỉ số này tương đối đẹp, vì nó thấp hơn đáng kể ngưỡng mục tiêu của Quốc hội trong năm đó là 4%. Nhìn sâu hơn vào con số này thì thấy giá lương thực tăng tới 4,51%, giá thực phẩm tăng mạnh hơn với  12,28%, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35%, và giá nhóm dịch vụ giáo dục tăng 4,32%.

Quí 1 năm nay, CPI bình quân chỉ tăng 0,29%. Tuy nhiên, tương tự như cả năm 2020, nhóm tăng giá mạnh nhất là lương thực (gạo tăng 8,55%), thực phẩm (0,49%), và giáo dục (4,49%). Một khác biệt lớn so với CPI bình quân của năm 2020 là CPI bình quân quí 1 còn bị tác động tăng lên bởi giá gas tăng mạnh thêm 7,58%.

Cần biết rằng chi phí lương thực, thực phẩm, chất đốt, và y tế, giáo dục cơ bản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức chi tiêu của những hộ nghèo so với các hộ giàu, và những mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ này không dễ dàng trì hoãn tiêu dùng hay thay thế. Như vậy, dù chỉ với mức lạm phát chung vừa phải thì người nghèo cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề so với người giàu ở Việt Nam (hay bất cứ ở nước nào).

Chưa hết, theo kết quả nghiên cứu gần đây của Bloomberg dựa trên hành vi tiêu dùng của các nhóm dân cư có mức thu nhập khác nhau ở Mỹ, nhóm người giàu nhất lại là nhóm chịu mức lạm phát thấp nhất. Lý do được đưa ra là các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những hàng hóa và dịch vụ mà người giàu chi tiêu nhiều nhất phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn, dẫn đến có nhiều đổi mới sáng tạo hơn trong các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này, làm cho giá cả của chúng giảm đi. Còn nhóm hàng hóa và dịch vụ mà người nghèo hơn tiêu dùng nhiều hơn như lương thực, thực phẩm, y tế thì chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi tiêu của nhóm người giàu.

Trong khi đó, tài sản của nhóm người giàu nhìn chung đã tăng mạnh nhờ cơn sốt chứng khoán và bất động sản trong năm qua kéo dài sang năm nay. Ngoài ra, phần lớn công việc của họ không bị ảnh hưởng bởi đại dịch, và họ có thể làm việc tại nhà mà không bị mất việc như với các tầng lớp nghèo hơn. 

Do vậy, có thể nói đại dịch và lạm phát lương thực và các hàng tiêu dùng thiết yếu đã làm cho người giàu thì càng giàu thêm, và chỉ có người nghèo là bị thiệt hại kép - phải chịu mức lạm phát cao hơn trong khi thu nhập giảm đi. Nói cách khác, đại dịch và lạm phát làm tăng phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội.

Nhưng kết luận như trên không có nghĩa là lạm phát nhất thiết cần phải càng thấp càng tốt. Bởi một chút lạm phát (trên 2% như ở nhiều nước) sẽ kích thích thị trường việc làm, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người nghèo, đặc biệt trong các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như các ngành dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, ăn uống...). So với tình trạng thất nghiệp thì rõ ràng lạm phát nhẹ tạo công ăn việc làm lại có tác dụng giảm bất bình đẳng.

Tóm lại, trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa rõ hồi kết và lạm phát vẫn đang chịu áp lực tăng lên, Việt Nam nên thận trọng hơn với mục tiêu lạm phát, và theo đó là mức độ tăng cung tiền và các biện pháp kích thích thông qua chi tiêu của Chính phủ, để đảm bảo sự thụ hưởng thành quả phục hồi và tăng trưởng kinh tế không phải là đặc quyền riêng của giới có thu nhập cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới