Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát giảm chậm, châu Âu phát tín hiệu tăng lãi suất thêm nhiều đợt

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Lạm phát hàng năm của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) dịu lại trong tháng thứ tư liên tiếp nhưng tốc độ giảm đã chậm lại. Bên cạnh đó, giá cả dịch vụ tăng mạnh và trở thành mối lo ngại mới, có thể buộc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phải tiến hành thêm các đợt tăng lãi suất trong những tháng tới.

Trong tháng 2, giá thực phẩm ở eurozone tăng với tốc độ 15%, cao hơn mức 14,1% trong tháng 1. Ảnh: Getty

Hôm 2-3, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tổng thể của khu vực eurozone trong tháng 2 tăng 8,5% so với một năm trước đó, giảm so với mức tăng 8,6% được ghi nhận vào tháng 1 và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh gần đây là 10,6% vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá cả tiêu dùng yếu hơn mức dự báo 8,2% của các nhà kinh tế. Riêng giá thực phẩm tăng với tốc độ 15% cao hơn mức 14,1% trong tháng 1.

Điều đáng lo ngại là CPI cốt lõi của eurozone, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng lên mức kỷ lục mới là 5,6%, so với mức 5,3% trong tháng 1. Chỉ số này tăng mạnh chủ yếu là là do lạm phát dịch vụ tăng vọt lên mức 4,8%.

Các nhà hoạch định chính sách của ECB xem giá cả dịch vụ là một chỉ số dự báo đáng tin cậy hơn về áp lực lạm phát vì nó bị ảnh hưởng bởi tiền lương hơn là chi phí nhập khẩu.

Dù xu hướng tăng giá cả tiêu dùng tổng thể của eurozone tiếp tục dịu lại, nhưng lạm phát vẫn tăng nhanh ở các nền kinh tế lớn nhất của khu vực bao gồm Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Điều này cho thấy ECB vẫn gặp khó khăn trong nỗ lực đưa lạm phát trở lại tầm kiểm soát. Các cuộc đình công của người lao động trên khắp khu vực châu Âu đang đẩy tiền lương lên cao hơn, càng khiến triển vọng lạm phát trở nên khó lường.

Nếu giả cả năng lượng tăng trở lại về các mức cao được ghi nhận trong những tháng trước và ngay sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, chỉ số CPI tổng thể của eurozone khó có thể duy trì đà giảm.

Tốc độ tăng giá thực phẩm và dịch vụ trong tháng 2 cho thấy lạm phát có thể vẫn cao hơn mục tiêu của ECB trong thời gian dài hơn so với dự kiến. Các cuộc khảo sát mới nhất chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế của eurozone đang nhanh hơn so với dự báo của ECB, một diễn biến có thể giúp nhà hoạch định chính sách yên tâm để tăng tiếp lãi suất.

Hôm 2-3, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát tín hiệu ECB sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 16-3 và có thể tăng lãi suất thêm nữa trong cuộc họp tiếp theo. Bà nói: “Có thể chúng tôi sẽ tiếp tục con đường thắt chặt tiền tệ nhưng không thể nói trước được mức tăng lãi suất trong mỗi cuộc họp”.

Một câu hỏi lớn khác đối với các ngân hàng trung ương trên thế giới là liệu đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc có tạo ra một cú hích mới cho lạm phát toàn cầu hay không.

ECB đã báo hiệu sẽ tăng lãi suất cơ bản từ 2,5% lên 3% trong cuộc họp sắp tới. Các nhà đầu tư dự báo ECB có thể tăng lãi suất lên cao hơn nữa sau khi chứng kiến các diễn biến gần đây trên thị trường trái phiếu chính phủ khu vực eurozone.

Dữ liệu lạm phát trong tuần này đã châm ngòi một đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu eurozone, đẩy chi phí đi vay đối với một số chính phủ trong khu vực lên mức cao nhất trong hơn một thập niên. Các nhà đầu tư đặt cược rằng ECB sẽ nâng lãi suất lên mức cao kỷ lục  4% trong năm nay để giảm bớt áp lực giá cả.

Các nhà hoạch định chính sách của ECB kỳ vọng CPI tổng thể sẽ tăng chậm lại trong năm nay nhờ giả cả năng lượng ổn định dưới mức đỉnh năm 2022. Nhưng họ không tin lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% nhanh như họ muốn. Họ lo ngại các doanh nghiệp và người lao động có thể quen với việc giá cả cao hơn mục tiêu. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp chuyển chi phí tăng thêm của họ sang người tiêu dùng thay vì chấp nhận giảm lợi nhuận, khiến người lao động đòi hỏi tăng lương nhiều hơn.

Với tỷ lệ thất nghiệp của eurozone vẫn ở mức 6,7% trong tháng 1, gần sát mức thấp kỷ lục 6,6% hồi tháng 10, người lao động ở châu Âu đang nắm ưu thế trong các cuộc đàm phán tăng lương giữa lúc thu nhập thực tế của họ đang giảm.

Các nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết tại cuộc họp tháng 2 rằng: “Dù hoạt động kinh tế chậm lại, thị trường lao động vẫn đặc biệt chặt chẽ. Điều này có nghĩa là áp lực giá từ các dịch vụ sử dụng nhiều lao động khó có thể sớm giảm bớt”.

Một tin tốt cho ECB là có những tín hiệu cho thấy chi phí kinh doanh đang hạ nhiệt nhờ các căng thẳng trong chuỗi cung ứng dịu lại và giá năng lượng giảm. Theo cuộc khảo sát gần đây, chi phí kinh doanh trong khu vực đang tăng với tốc độ chậm hơn khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ hai.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới