Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát năm 2020: nhiều “ẩn số” khó lường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Lạm phát năm 2020: nhiều “ẩn số” khó lường

Ngọc Khanh

(TBKTSG) – Mức lạm phát bình quân năm 2019 chỉ có 2,79% là thành tựu lớn của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên lạm phát của tháng 12-2019 so với cùng kỳ năm ngoái đã vọt lên tới 5,23% và đây mới là con số thực sự đáng lo ngại vì khi so sánh hay phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô với thị trường tài chính tiền tệ thì hầu hết các chuyên gia đều sử dụng con số này.

Lạm phát: áp lực đang tăng dần nhưng rủi ro tổng thể không quá lớn

Lãi suất đang hạ, lạm phát bất ngờ tăng

Chính phủ lạc quan, Quốc hội thận trọng cảnh báo lạm phát

Áp lực tăng vẫn còn mạnh

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2019 đã tăng tới 1,4% so với tháng trước. Đây là tháng có mức tăng cao nhất trong vòng chín năm trở lại đây. Kết quả này có lẽ cũng không nhiều người có thể hình dung ra nếu nhìn vào diễn biến thực tế của lạm phát trong sáu tháng đầu năm nay.

Mức lạm phát bình quân cả năm 2019 chỉ là 2,79%, thấp hơn nhiều so với mức 4% mà Chính phủ đã đề ra. Tuy nhiên, mức lạm phát tháng 12-2019 so với tháng 12-2018 (YoY) lên tới 5,23%. Lần gần đây nhất chỉ số CPI (YoY) đạt mức tăng trên 5% là vào tháng 1-2017.

Đây mới là con số thực sự đáng lo ngại, bởi lẽ khi so sánh hay phân tích các chỉ số kinh tế vĩ mô với thị trường tài chính tiền tệ thì hầu hết các chuyên gia đều sử dụng con số này.

Diễn biến hiện nay cho thấy khả năng CPI tiếp tục có xu hướng tăng trong các tháng tới, thậm chí là hết quí 1-2020. Bởi lẽ, thịt heo là nguyên nhân chính khiến CPI tăng liên tiếp trong ba tháng gần đây (0,59% trong tháng 10; 0,96% trong tháng 11 và 1,4% trong tháng 12). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là vào tháng 1-2020, thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán và mùa lễ hội diễn ra trong tháng 2 và 3 của năm 2020.

Và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cả năm 2020

Mặc dù yếu tố giá thực phẩm sẽ chỉ tăng cao trong khoảng từ 1-2 tháng tới, thậm chí sau đó sẽ có xu hướng giảm dần trong quí 2 và 3 của năm 2020, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác có thể tác động khiến chỉ số CPI tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2020.

Mặc dù yếu tố giá thực phẩm sẽ chỉ tăng cao trong khoảng từ 1-2 tháng tới, thậm chí sau đó sẽ có xu hướng giảm dần trong quí 2 và 3 của năm 2020, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác có thể tác động khiến chỉ số CPI tăng cao trong những tháng còn lại của năm 2020.

Thứ nhất, đó là nền chỉ số CPI trong năm 2019 ở mức thấp, do đó bất kỳ một yếu tố nào dù chỉ tăng ở mức độ vừa phải cũng sẽ tác động đáng kể lên chỉ số lạm phát trong năm 2020.

Thứ hai, đó là giá xăng dầu cũng như hàng loạt hàng hóa khác có xu hướng tăng trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân là do cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã có xu hướng dịu bớt, do đó triển vọng về thương mại cũng như kinh tế toàn cầu sẽ được khơi thông trở lại.

Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất toàn cầu sẽ tăng lên, đặc biệt là xăng dầu hay các loại nguyên liệu khác như sắt thép, xi măng… Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là năm mà hạn hán và nắng nóng sẽ ở mức đỉnh điểm khi chu kỳ El-nino đã quay trở lại Việt Nam.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khu vực ở cả miền Bắc và Nam sẽ không có nước để phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó, giá lương thực, thực phẩm có thể sẽ tăng cao, đặc biệt là giá gạo.

Thứ ba, đó là kỳ vọng vào lạm phát của nền kinh tế. Đây từng là yếu tố có mức tác động lớn nhất đến lạm phát trong quá khứ tại Việt Nam. Mặc dù yếu tố này đã giảm đáng kể trong thời gian qua, nhưng việc CPI tăng mạnh liên tiếp trong khoảng từ 3-6 tháng có thể sẽ khiến cho yếu tố kỳ vọng này quay trở lại.

Theo đó, người dân sẽ có xu hướng đẩy giá của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ lên một mặt bằng giá mới, từ đó lạm phát có thể leo thang và cực kỳ khó kiểm soát.

Thứ tư, đó là khả năng điều chỉnh giá hàng loạt dịch vụ công như y tế, giáo dục hay điện, nước, mặc dù đây là các yếu tố nội tại của nền kinh tế, nằm trong khả năng kiểm soát của Chính phủ. Chính phủ có quyền quyết định tăng hoặc không tùy vào diễn biến thực tế của lạm phát vào từng thời điểm, nhưng ít nhiều thì giá của một số loại dịch vụ cũng sẽ phải điều chỉnh tăng theo lộ trình thị trường hóa các dịch vụ này.

Nguy cơ đảo ngược chính sách tiền tệ

Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để hạ thấp mặt bằng lãi suất huy động cũng như giữ cho tỷ giá biến động ở mức thấp nhất.

Theo đó, lần đầu tiên kể từ năm 2014, NHNN đã hạ trần lãi suất huy động từ mức 5,5% xuống chỉ còn 5%/năm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng (riêng kỳ hạn dưới một tháng và không kỳ hạn giảm từ 1% xuống còn 0,8%/năm). Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO) cũng liên tục được điều chỉnh giảm từ 4,75% xuống còn 4%/năm vào thời điểm hiện tại nhằm đẩy cung tiền ra nền kinh tế.

Sau nhiều năm mất giá thì tiền đồng thậm chí còn lên giá nhẹ so với đô la Mỹ trong năm 2019.

Các động thái này nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế có điều kiện để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo việc làm.

Tất cả các giải pháp trên của NHNN có thể thực hiện được là nhờ rất lớn vào mặt bằng lạm phát ở mức thấp trong năm 2019. Có thời điểm lạm phát so với cùng kỳ chỉ tăng chưa đến 2%. Tuy nhiên, thành quả này có thể bị đảo ngược nếu lạm phát không tiếp tục được kiểm soát trong các tháng tới. Hiện tại mức lạm phát năm (YoY) đang là 5,23%, cao hơn so với mức trần lãi suất tiền gửi 5%/năm. Điều đó có nghĩa rằng người gửi tiền đang không có được mức lãi suất thực dương.

Nếu Chính phủ không có những giải pháp quyết liệt để hạ nhiệt giá thịt heo cũng như dự phòng cho giá lương thực trong các tháng tới thì có khả năng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay. Người dân và các doanh nghiệp sẽ nhìn vào chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát để neo giá bán hàng và cung cấp dịch vụ ra nền kinh tế.

Để tránh nguy cơ leo thang lạm phát như trong quá khứ thì NHNN có thể phải tăng lãi suất và thu hẹp cung tiền. Nếu vậy, khả năng chính sách tiền tệ bị đảo ngược trong năm 2020 là có thể xảy ra vì lạm phát quay trở lại nền kinh tế.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới