(KTSG Online) - Lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam dự kiến đạt đỉnh vào tháng 1-2023 và giảm dần trong các tháng sau đó nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) năm 2022 và một số nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái khiến giá nguyên - nhiên - vật liệu có xu hướng giảm, theo các chuyên gia.
- Duy trì ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng
- Giới đầu tư lo ngại về lạm phát đình trệ trong năm 2023
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục trong năm 2022, nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, thấp hơn mục tiêu khoảng 4% mà Quốc hội đặt ra.
Với năm 2023, các chuyên gia cho rằng lạm phát không phải rủi ro lớn với kinh tế Việt Nam. Nhưng không nên chủ quan trong bối cảnh những yếu tố làm gia tăng áp lực lạm phát vẫn hiện hữu.
Không chủ quan trước áp lực lạm phát
Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá thuộc Tổng cục Thống kê, cho biết mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023 là thách thức với các cơ quan quản lý, điều hành kinh tế do có một số yếu tố sẽ tạo áp lực cho lạm phát.
Về tình hình kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát năm 2023 sẽ giảm, nhưng vẫn ở mức cao và tiếp tục là rủi ro lớn nhất với nhiều nền kinh tế. Với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở kinh tế lớn, thì mọi biến động của thế giới sẽ tác động nhanh tới kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “Zero-Covid” sẽ gia tăng nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu sản xuất, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đẩy giá cả trên thế giới tăng lên, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.
Rủi ro này xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, qua đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát của nền kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất năm 2022 tăng 6,79% so với năm 2021, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,56%, mức tăng cao nhất từ năm 2012 trong khi hơn 90% giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu tư liệu sản xuất.
Bên cạnh đó, việc thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như giáo dục, y tế, điện cũng tác động mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế, là hai nhóm chiếm quyền số gần 12% trong rổ hàng hóa tính CPI, sẽ tạo tác động tới CPI trong năm 2023.
Tương tự, việc điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt của EVN trong năm cũng tạo áp lực lên chỉ số lạm phát. Theo đó, khi chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm.
Ngoài những yếu tố trên, bà Oanh cho biết một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023 như chính sách giảm thuế giá trị trị gia tăng (GTGT) sẽ khiến giá hàng hóa tăng trở lại. Việc tăng lương từ 1-7-2023 cũng có khả năng kéo giá của hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng theo.
Cũng theo bà Oanh, áp lực cầu kéo từ các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.
Với yếu tố tiền tệ, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN, dự báo áp lực lạm phát sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2023, đặc biệt là lạm phát cơ bản có thể tạo nhiều thách thức đối với kiểm soát lạm phát trong năm 2023.
Theo đó, áp lực lạm phát đến từ cả yếu tố cung (chi phí đẩy) và yếu tố cầu (cầu kéo). Về phía cung, tác động vòng 2 từ giá hàng hóa thế giới tăng cao trong giai đoạ 2020-2022 sẽ tiếp tục được phản ánh vào chi phí sản xuất (lạm phát nhập khẩu), từ đó tác động vào chi phí tiêu dùng các mặt hàng trong nước.
Về phía cầu, dự kiến kinh tế trong nước tiếp tục quá trình phục hồi, qua đó thúc đẩy phục hồi và tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế, gây áp lực lên giá cả.
“Chúng ta không thể chủ quan với rủi ro lạm phát năm 2023”, ông Hà kết luận.
Dự báo đường đi của lạm phát, giá cả năm 2023
Về lạm phát năm 2023, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1-2023, sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của NHNN trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
“Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi”, ông Độ cho biết.
Lý giải rõ hơn, ông Độ cho biết trước áp lực lạm phát cơ bản gia tăng bền vững từ giữa năm 2022, NHNN đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022.
Theo các số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21-12-2022 mới tăng 3,85% so với cuối năm 2021, trong khi đến ngày 20-6-2022 đã tăng 3,3%. Điều này có nghĩa cung tiền gần như không tăng trong nửa sau của năm 2022.
Ngoài ra mặt bằng lãi suất năm 2022 đã tăng khoảng 2-2,5 điểm phần trăm so với năm 2021.
“Đây sẽ là những nhân tố có tác động kiềm chế lạm phát trong năm 2023”, ông Độ phân tích.
Cũng theo ông Độ, áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Trên thị trường quốc tế, nhiều khả năng chỉ số đồng đô la Mỹ đã đạt đỉnh vào tháng 9-2022 và đang trong xu hướng giảm giá, mặc dù sẽ có những giai đoạn phục hồi trong năm 2023. Ở thị trường trong nước, giá đô la Mỹ cũng đã giảm mạnh trong tháng 12-2022.
Với đồng nội tệ, đồng Việt Nam chỉ giảm giá khoảng 3,7% so với đô la Mỹ trong giai đoạn từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022. Đây là mức mất giá không quá lớn nên sẽ không ảnh hưởng quá mạnh tới lạm phát thời gian tới.
“Nếu xu hướng giảm giá của đồng đô la Mỹ tiếp tục được duy trì, tỷ giá USD/VND trong năm 2023 sẽ được NHNN giữ ổn định để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, ông Độ phân tích.
Về phía ngành ngân hàng, ông Phạm Thanh Hà cũng khẳng định NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ngoài ra, điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
Về bối cảnh kinh tế thế giới, ông Nguyễn Đức Độ cho biết xu hướng tăng lãi suất tại Mỹ và châu Âu nhiều khả năng vẫn tiếp tục trong giai đoạn đầu năm 2023. Ngoài ra, tăng trưởng tại các nước phát triển được dự báo sẽ chậm lại đáng kể, Ithậm chí rơi vào suy thoái tác động đến lạm phát tại Việt Nam theo hai kênh, gồm: tổng cầu đối với hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng chậm lại do nền kinh tế có độ mở lớn; nguy cơ suy thoái toàn cầu sẽ gây áp lực giảm giá hàng hóa cơ bản trên thế giới.
Với bối cảnh này, ông Độ dự báo giá xăng dầu và các loại nguyên vật liệu trong năm 2023 sẽ khó tăng mạnh, dù Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế và rủi ro liên quan đến chiến tranh Nga – Ukraine gia tăng. Thực tế, giá dầu trung bình năm 2022 đang ở vùng đỉnh. Còn lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 12-2022 với chỉ lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,33% so với tháng trước.
“Các áp lực đối với lạm phát từ các biến số nư tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023”, ông Độ cho biết.
Dự báo diễn biến giá cả một số mặt hàng, PGS. TS Nguyễn Bá Minh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho biết giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến nhờ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả) năm 2023 sẽ không căng thẳng.
Với xăng và dầu, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thông qua dự thảo Nghị quyết đồng ý giảm 50% mức thế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn...so với mức trần biểu khung thuế từ 1-1-2023 đến 31-12-2023 để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống ngừời dân. Việc giữ ổn định mặt bằng giá xăng, dầu cũng được ‘trợ lực’ khi giá cả nhiên liệu, đặc biệt là xăng dầu thế giới năm 2023 dự kiến sẽ giảm so với năm 2022 do nhu cầu tiêu thụ trong năm 2023 sụt giảm trước bối cảnh kinh tế Mỹ và khu vực EU tăng trưởng chậm lại và có xu hướng suy thoái, theo phân tích từ Ngân hàng Thế giới (WB). Thậm chí một số tổ chức kinh tế lớn trên thế giới dự báo giá dầu thô giao động trong khoảng từ 80-90 đô la Mỹ một thùng.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, cho biết sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu để ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện thì các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.