Làm sao bảo tồn văn hóa cồng chiêng?
Hạnh Thư
Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên phần lớn được thưởng thức từ các lễ hội - Ảnh minh họa: Bình Nguyên |
(TBKTSG Online) - Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhưng việc bảo tồn lại đang đặt ra nhiều thách thức mà nghiêm trọng nhất là thiếu một không gian diễn xướng.
Ý kiến chung tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội gần đây cho rằng, phần lớn việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mới chỉ dừng lại ở việc bảo vệ cồng chiêng thay vì chú trọng đến không gian diễn xướng của loại hình nghệ thuật này.
Tại buổi tọa đàm trên, nhiếu chuyên gia kiến nghị, cần phải bảo vệ cả không gian sống và sinh hoạt của các tộc người Tây Nguyên. Khi môi trường rừng và nương rẫy được chuyển dần thành những đồi cà phê, sự thay đổi trong tập tục sinh hoạt đã khiến cho không gian diễn xướng cồng chiêng bị bó hẹp và có nguy cơ biến mất. Nếp nghĩ của lớp trẻ từ đó cũng thay đổi khiến những nét văn hóa được cho là độc đáo của vùng đất này đang bị mai một dần.
Đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đăk Lăk cho rằng, thời kỳ kinh tế - xã hội phát triển theo cơ chế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến phương thức sản xuất, nếp sống văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Các gia đình đã tách hộ, không còn sống chung trong căn nhà dài nữa cho nên không gian sinh hoạt các loại hình văn hóa cũng đã bị thu hẹp. Kinh tế gia đình phát triển theo phương thức sản xuất hàng hóa (nhận khoán cà phê, trồng rừng hoặc thực hiện chương trình VAC (vườn - ao - chuồng)… kéo theo sự thay đổi trong thưởng thức cũng như duy trì các nét văn hóa trong gia đình và cộng đồng.
Không chỉ là khó khăn khi tập quán sinh hoạt bị thay đổi, công tác bảo tồn còn gặp khó khi chính những người làm văn hóa không hiểu hết được văn hóa của địa phương. Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga NiêK Đam (dân tộc Ê Đê) kể câu chuyện rằng người Tây Nguyên khi múa, diễn chiêng bao giờ cũng đi ngược chiều kim đồng hồ, nhưng các anh chị đạo diễn lại yêu cầu họ đi xuôi kim đồng hồ, nhịp giữa chiêng với trống chệch hết, mãi tới khi đi tới gần nhau rồi mới nghe thấy.
Tiến sĩ Bùi Minh Đạo, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, phân tích, lâu nay, bảo tồn chỉ mới được thực hiện trên sân khấu, cồng chiêng bị sân khấu hóa thay vì phải sống trong lễ hội, chỉ là mảnh vụn của cồng chiêng. Ông Đạo đề xuất, một trong những phương pháp tốt nhất để bảo tồn văn hóa cồng chiêng sống là xây dựng làng văn hóa sinh thái, mỗi địa bàn có một khoảng rừng, không gian sống để người dân làm nương rẫy, sống với rừng và hát khan kể sử thi, đánh cồng chiêng…
Phục dựng lại trên sân khấu là không hoàn toàn đúng với tính chất của văn hóa Tây Nguyên, bởi văn hóa của Tây Nguyên là trong môi trường tự nhiên và sinh hoạt cộng đồng.
Với mong muốn các địa phương có sự quan tâm đào tạo người cán bộ văn hóa là người dân tộc, bà Linh Nga NiêK Đam cho hay, người làm văn hóa bản địa tốt nhất phải là người dân sống trong không gian văn hóa đó. Bà đề nghị phải tuyển chọn các con em của đồng bào Tây Nguyên để các em ý thức gìn giữ văn hóa; phải có những nhà nghiên cứu bản địa am hiểu văn hóa địa phương, khôi phục những gì bà con muốn, chứ không thể chủ quan áp đặt họ. Muốn vậy, cần phải giúp đồng bào giữ được ngôn ngữ của mình, phải đưa các giá trị văn hóa vào trường học phổ thông ở Tây Nguyên, chú trọng đến giáo dục